Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
1063
Chiếc bánh hấp dẫn này đang khiến thị trường dược phẩm lao đao khi hàng loạt các ông lớn nhảy vào đòi phân chia quyền lợi; kéo theo đó là sự sát nhập, mua bán, nhượng quyền các hiệu thuốc. Để khai thác tốt hơn thị trường cũng như đáp ứng sự chuyển đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng, hạn chế tình trạng lừa dối kinh doanh trong điểm bán lẻ thuốc truyền thống; các doanh nghiệp tiến hành xây dựng chuỗi nhà thuốc theo tiêu chuẩn GPP (Good Pharmacy Practices). Sự tham gia của chuỗi cung ứng hiện đại này được kỳ vọng sẽ định hình lại thị trường dược phẩm đang phân mảnh lớn hiện nay.
Nở rộ mô hình xây dựng chuỗi nhà thuốc
Trên thực tế mô hình chuỗi bán lẻ dược phẩm đã hình thành cả chục năm trước nhưng thời gian gần đây mới được đẩy mạnh mẽ khi các doanh nghiệp đều cho rằng xây dựng kênh phân phối độc quyền là yêu cầu bắt buộc nếu muốn tồn tại trên thị trường và tận dụng được chiếc bánh 4,5 tỷ USD. Điều này càng đặc biệt khi tại Việt Nam có ít chuỗi bán lẻ tên tuổi và dược phẩm chủ yếu tiêu thụ qua các nhà thuốc riêng lẻ, chưa thành thương hiệu lớn.
Dẫn đầu cuộc đua mở rộng chuỗi hiệu thuốc là 2 cái tên: Phano và Pharmacity. Thương hiệu Phano thuộc Công ty cổ phần Dược phẩm Pha No hiện có khoảng 80 hiệu thuốc, trải rộng khắp 10 tỉnh – thành phố. Khác với kinh doanh truyền thống, nhà thuốc của đơn vị tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn: luôn có dược sĩ trong suốt giờ mở cửa, bảo quản thuốc đúng chuẩn về nhiệt độ, diện tích, nguồn gốc thuốc minh bạch, loại thuốc bán theo toa. sẽ không bán nếu không có toa bác sĩ. Tốc độ mở rộng chuỗi hiệu thuốc đang dần tăng lên từ năm 2017 khi Phano bắt đầu mô hình nhượng quyền 3P – Professionalism (vận hành chuyên nghiệp) – Profit (kinh doanh hiệu quả) – Protection (đầu tư an toàn) với tham vọng vị thế hàng đầu thị trường bán lẻ dược phẩm.
Không chịu kém cạnh, ngày 1/11/2017, Pharmacity cũng đã khai trương cửa hàng tại phường 8 – quận Phú Nhuận, nâng chuỗi hiệu thuốc lên con số 78. Đây là thương hiệu thuốc do Chris Blank, một doanh nhân nước ngoài sáng lập vào năm 2012 và có tốc độ mở rộng khá nhanh với hơn 10 nhà thuốc mỗi năm, mục tiêu sẽ hướng tới con số 200 vào năm 2020. Hệ thống chuỗi nhà thuốc của Pharmacity đều đáp ứng tiêu chuẩn từ Bộ Y Tế với trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt ban lãnh đạo còn xây dựng hệ thống quản trị hiện đại để kiểm soát hoạt động kinh doanh, biết được dược sĩ nào vừa bán thuốc gì, cho ai, giá cả và hạn sử dụng sản phẩm.
Nhà thuốc Pharmacity chuẩn GPP liên tục được mở rộng tại tp Hồ Chí Minh
Ngoài 2 thương hiệu kể trên, một số hệ thống nhà thuốc khác cũng đã gây dựng được tên tuổi như Sapharco với hơn 30 nhà thuốc bán lẻ và các chi nhánh bán buôn, Phúc An Khang với 20 cửa hàng; Eco Pharmacy có hơn 20 cửa hàng tập trung gần các bệnh viện lớn…. Đáng chú ý, tân binh Vistar mới khai trương nhà thuốc vào năm ngoái, nay cũng thiết lập được 20 nhà thuốc.
Thị trường trở nên sôi động hơn khi các đại gia công nghệ cũng bắt đầu nhòm ngó và nhảy vào để tìm kiếm lợi nhuận từ miếng bánh béo bở này. Cái tên đáng chú nhất có lẽ là Thế giới di động (MWB) khi đơn vị này thông báo sẽ lấn sân sang lĩnh vực dược phẩm. Thay vì mất 2 – 3 năm tìm hiểu về mô hình này, MWB sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm đó để tiến hành mua và bán, ưu tiên những đơn vị có 10 – 15 của hàng. Dự kiến trong thời gian đầu MWB sẽ dành khoảng 500 tỷ đồng để mua cổ phần các chuỗi bán lẻ dược phẩm, phấn đấu xây dựng chuỗi mô hình hàng trăm hiệu thuốc. Đến giữa tháng 12/2017, MWB xác nhận đã mua xong chuỗi nhà thuốc Phan An Khang, đổi sang tên mới là An Khang.
Sự hấp dẫn này cũng thu hút Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld) lấn sân vào lĩnh vực phân phối thực phẩm chức năng với vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng. Và ngày 18/8/2017, đơn vị này đã chính thức tung ra dòng sản phẩm Kingsmen – thực phẩm chức năng cho nam giới. Trong thời gian đầu Digiworld sẽ hợp tác với Pharmacy để phân phối sản phẩm qua chuỗi cửa hàng của đơn vị này; tiến tới việc xây dựng được chuỗi cung ứng riêng khi đã có chỗ đứng trên thị trường.
Tại sao mô hình chuỗi nhà thuốc là được chú trọng?
Lý do đầu tiên: Sự thay đổi trong thói quen mua sắm (dần chuyển sang cửa hàng tiện lợi), cũng như quan tâm hơn đến chất lượng, xuất xứ sản phẩm được cho là lý do thúc đẩy sự chuyển dịch của thị trường dược phẩm. Nếu như trước kia người bệnh khi đau ốm đều tự tìm đến nhà thuốc và giao phó tất cả cho người bán thuốc. Người bán thuốc tư vấn và khách hàng mua sản phẩm. Họ không thắc mắc, không trả giá và thói quen chữa trị này nhiều năm qua đã trở thành thân thuộc. Nhưng hiện nay người tiêu dùng chú ý hơn vào chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong tình trạng bán thuốc giả, hết hạn sử dụng, bán thuốc không đúng loại bệnh…ngày càng được phanh phui. Ví dụ như trường hợp tại Hồ Chí Minh, bệnh viện nhi đồng đã tiếp nhận một trường hợp ngộ độc Halopiridol (thuốc tâm thần) vì người bán thuốc nhầm đó là Prenisolone (thuốc kháng viêm).
Lý do thứ hai: Thu nhập của người dân tăng lên, kéo theo nhu cầu được bảo vệ tốt cho sức khỏe. Nếu như năm 2015 bình quân mỗi người dân chi xấp xỉ 33 USD cho thị trường dược phẩm thì hiện nay con số này tăng lên tới 41 USD/ năm và dự báo đạt 50 USD/năm vào 2020. Người dân có xu hướng tìm đến những chuỗi cung ứng thuốc có dược sĩ; trang thiết bị hiện đại và được tư vấn tận tình. Điều này được biểu hiện rõ nhất tại thành phố Hồ Chí Minh khi ¾ chuỗi nhà thuốc được xây dựng tại đây và tăng lên theo từng năm.
Khu vực tư vấn dành cho khách hàng tại nhà thuốc GPP
Lý do thứ ba: Bên cạnh đó là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của Chính Phủ, Bộ Y Tế trong việc kiểm soát hiệu thuốc tư nhân, hạn chế tình trạng người dân trực tiếp đi mua thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Một thực tế dễ nhận thấy tại Việt Nam, hầu hết các cửa hàng thuốc bán lẻ đầu không đáp ứng tiêu chuẩn về việc kinh doanh thuốc, thậm chí còn vi phạm các quy định của Bộ Y tế. Kinh doanh kiểu “mì ăn liền”, vì cái lợi trước mắt mà bất chấp bán thuốc không rõ nguồn gốc hay hết hạn. Chính vì vậy, Bộ Y Tế tạo điều kiện nhiều hơn cho những doanh nghiệp xây dựng chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn và đưa ra hàng loạt giải pháp như “Không gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc nếu nhà thuốc không đạt chuẩn GPP từ 1/1/2010”. Dù quá trình áp dụng còn chậm do khó thay đổi ngay lập tức thói quen mua hàng người dân nhưng chắc chắn nó sẽ là cơ sở để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hơn vào chuỗi cung ứng thuốc hiện đại của riêng mình
Lý do thứ tư: Thị trường Dược tại Việt Nam vẫn chưa có “thủ lĩnh” (Chuỗi phân phối lớn nhất là Phano cũng chỉ có số vốn điều lệ là 120 tỷ đồng) trong khi miếng bánh 4,7 tỷ USD vẫn còn quá nhiều dư địa để khai thác. Chính vì vậy các ông lớn công nghệ với bàn đạp là nguồn nội lực lớn, kết hợp với nền tảng sẵn có (thương hiệu, nhân lực, hệ thống phân phối)…có khả năng nhanh chóng xây dựng chuỗi nhà thuốc, từ đó chiếm lĩnh thị trường béo bở này.
Thách thức trong xây dựng chuỗi nhà thuốc hiện đại
Dù có nhiều tiềm năng để phát triển tuy nhiên quá trình xây dựng chuỗi nhà thuốc còn quá chậm. Ước tính trên cả nước có hơn 50.000 nhà thuốc bán lẻ, trong khi quy mô các chuỗi bán lẻ thuốc hiện đại còn rất nhỏ, chưa đạt tới con số 500; chưa có đơn vị nào vượt qua được con số 100 chuỗi cửa hàng. Dù có các tên tuổi như Phano, Pharmacity, Phúc An Khang… bắt đầu đẩy mạnh khai thác phân khúc này nhưng đến nay chuỗi vẫn chưa chiếm tới 5%. Trong khi một số nước trong khu vực ASEAN mô hình chuỗi nhà thuốc đã quá quen thuộc, chẳng hạn Watson (Thái Lan); Mercury (Philippines), những chuỗi lớn có đến 6.000 hiệu thuốc; nhỏ cũng có 500 – 600 tạo nên những thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng.
Thách thức chính khi xây dựng chuỗi nhà thuốc hiện đại chính là vốn, bởi chi phí đầu tư nhà thuốc GPP rất cao và mất nhiều thời gian hơn so với nhà thuốc không theo chuẩn. Theo quy định, một nhà thuốc GPP phải đạt các yếu tố như dược sĩ phải túc trực khi nhà thuốc hoạt động, trực tiếp tham gia bán các thuốc phải kê đơn, liên hệ với bác sĩ kê đơn trong trường hợp cần thiết; nhà thuốc phải có kho bảo quản riêng, có nhiệt kế và ẩm kế; có khu vực tư vấn riêng cho bệnh nhân… Bên cạnh đó, dù đã có sự thay đổi nhưng người dân vẫn quen mua tại các hiệu thuốc truyền thống. Nó đã ăn sâu vào cuộc sống hằng ngày và để chuyển đổi được không phải là việc đơn giản. Ông Trương Viết Vũ – chủ tịch hệ thống bán lẻ dược phẩm Phano, đơn vị đang dẫn đầu trong cuộc đua này cho rằng: “Sự thay đổi của người tiêu dung từ nhà thuốc truyền thống sang hiện đại trong chục năm qua là có nhưng khá chậm”. Vòng hồi vốn chậm trong khi chi phí bảo quản thuốc, chạy các thiết bị hiện đại luôn ở mức cao; nếu không có nguồn lực đủ mạnh, chắc chắn khó doanh nghiệp nào có thể trụ vững được.
Một thách thức nữa khi xây dựng chuỗi cung ứng nhà thuốc đó là thiết lập được hệ thống quản trị hiện đại để tối ưu hóa chi phí và phân tích kinh doanh hiệu quả. Với hàng chục nhà thuốc GPP, câu hỏi đặt ra là làm thế nào kiểm soát được lượng sản phẩm tại từng cửa hàng? Đội ngũ trình được viên đi kiểm tra có làm đúng nhiệm vụ?…. Như Pharmacity đã phải đầu tư 2 triệu USD để xây dựng hệ thống quản trị với công cụ phân tích kinh doanh hiển thị trên di động các lãnh đạo công ty; 12 chiếc tivi cỡ lớn đặt trong phòng công ty như biểu đồ chứng khoán. Chính vì vậy các vấn đề như hết hàng (nguyên nhân chính gây khó chịu cho người tiêu dùng – theo CEO Chris Blank chia sẻ) đã được khắc phục.
Xây dựng chuỗi nhà thuốc là điều tất yếu khi nền kinh tế ngày càng phát triển, người dân chú trọng hơn về vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên với tốc độ như hiện nay, có lẽ phải 10 – 20 năm nữa, bức tranh phân phối thuốc tại Việt Nam mới có sự chuyển biến rõ rệt.
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec