Vụ VN Pharma giai đoạn 2: VN Pharma còn nhập những loại thuốc giả nào?

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

01/11/2019 00:06

938

Không chỉ nhập thuốc ung thư giả H-Capital, Cơ quan an ninh điều tra xác định VN Pharma còn nhập khẩu nhiều thuốc theo hồ sơ do Công ty Health 2000 Canada sản xuất, đây cũng là hồ sơ giả mạo.
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm - Ảnh: H.K.

Ngày 31-10, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 7 bị can về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh". Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Bộ Công an điều tra giai đoạn 2 vụ án VN Pharma.

Health 2000 cũng là thuốc giả

Cơ quan an ninh điều tra xác định các bị can có hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 ghi xuất xứ từ Canada, xảy ra tại VN Pharma trong thời gian từ năm 2012 đến 2014, nên khởi tố các bị can để điều tra.

Những sai phạm này đã được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xác minh việc Công ty VN Pharma nhập khẩu, lưu hành 6 loại thuốc do Công ty Health 2000 sản xuất tại Canada, nhưng trên thực tế Công ty Health 2000 không có nhà máy sản xuất tại Canada.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, quy trình để nhập khẩu một loại thuốc vào VN và đưa ra thị trường rất chặt chẽ. Tuy nhiên, qua vụ VN Pharma nhập khẩu thuốc giả cho thấy đã có những lỗ hổng "chết người", được cho là do "hồ sơ tài liệu giả được làm tinh vi, mắt thường không phát hiện được".

Từ năm 2011 - 2014, trên 100 bệnh viện thuộc 36 tỉnh, thành đã chấm trúng thầu 4 loại thuốc có vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa do Công ty Health 2000 Canada sản xuất và VN Pharma nhập khẩu.

Qua khảo sát danh mục thuốc do Health 2000 sản xuất và VN Pharma nhập khẩu cho thấy có 3 loại thuốc chưa có tên trong danh sách trúng thầu vào bệnh viện mà bảo hiểm y tế đã rà soát. Số này bao gồm thuốc Vipanzol 40mg, MGP Moxinase 625 và MGP Axinex 1000.

Các thuốc này được nhập khẩu vào VN, như MGP Moxinase 625 có lô hàng vào VN ngày 5-6-2011 trị giá gần 35.000 USD, MGP Axinex 1000 có lô hàng ngày 1-3-2012 trị giá trên 157.000 USD...

Thuốc của Health 2000 đã dùng hết cho người bệnh

Phiên tòa xét xử sai phạm của Công ty VN Pharma liên quan đến 10 loại thuốc nhập khẩu từ công ty "ma" Helix Canada đã kết thúc, nhưng đó mới chỉ là một phần trong số những thuốc có vấn đề về nguồn gốc mà công ty này đã nhập khẩu.

Nếu như thuốc trị ung thư H-Capita mà VN Pharma nhập khẩu từ công ty "ma" Helix bị cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, ngăn chặn không cho đưa vào sử dụng chữa bệnh thì nhiều loại thuốc của Health 2000 có vấn đề tương tự đã được đưa vào sử dụng.

Điều đáng lo ngại, các thuốc này đã trúng thầu vào nhiều bệnh viện trung ương, địa phương với trị giá hàng hóa nhiều triệu đôla và người bệnh đã sử dụng hết.

Số liệu từ cơ quan hải quan cho thấy trong thời gian từ ngày 25-4-2011 đến 11-9-2014, VN Pharma đã nhập 7 loại thuốc từ nhà sản xuất có tên là Health 2000 Inc, Canada, trị giá xấp xỉ 4,4 triệu USD. Toàn bộ số thuốc này đã trúng thầu và tiêu thụ hết tại các bệnh viện cả trung ương và địa phương.

Theo tài liệu mà Tuổi Trẻ thu thập được, kết quả đấu thầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh năm 2012, các loại thuốc MGP Axinex 1000 trúng thầu vào Bệnh viện K (lô hàng 244 triệu đồng), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (trúng thầu lô 420 triệu đồng), Bệnh viện Nhi trung ương cũng trúng thầu lô thuốc..., giá trúng thầu dao động 61.000-76.000 đồng/lọ.

Các thuốc Vipanzol và MGP Moxinase 625 cũng trúng thầu vào nhiều bệnh viện trung ương và địa phương.

Trong văn bản gửi Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính ngày 13-11-2014, Cục Quản lý dược cho biết từ ngày 27-8-2014 đã có văn thư gửi cơ quan chức năng của Canada tại VN đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến việc thành lập và hoạt động tại Canada của Công ty Health 2000 Inc, trụ sở ở 70 Beaver Creak Road #30, Richmond Hill, Ontario, Canada (theo hồ sơ đăng ký hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại VN).

Trong thời gian chờ ý kiến chính thức, Cục Quản lý dược thông báo tạm dừng nhập khẩu tất cả các thuốc do Health 2000 Inc sản xuất hoặc cung cấp vào VN. Ngày 1-12-2014, Tổng cục Hải quan có văn bản gửi hải quan các tỉnh thành, thông báo rõ quyết định của Cục Quản lý dược việc tạm ngưng nhập khẩu tất cả các thuốc do Health 2000 Inc sản xuất/cung cấp vào VN.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao một lượng thuốc rất lớn do Health 2000 Inc cung cấp, VN Pharma nhập khẩu vẫn vào VN và trúng thầu vào bệnh viện các tuyến.

7 loại thuốc mang nhãn Health 2000 gồm H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100ml, H2K Ciprofloxacin Infusion, MGP Axinex 1g, Vipanzol 40mg, Kafotax 1000, MGP Moxinase 625, Kaderox 250 thực tế nguồn gốc ở đâu?

7 loại thuốc đã biến mất hoàn toàn, mãi đến năm 2017 Bảo hiểm xã hội VN mới tổng hợp lại hồ sơ cho thấy đã có khoảng 54 tỉ đồng được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho 4 trong số 7 loại thuốc mà VN Pharma đã nhập khẩu từ Health 2000.

Qua theo dõi kết quả trúng thầu thuốc vào các bệnh viện năm 2013-2014 cho thấy thuốc H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100ml đã trúng thầu vào Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương với mức giá 59.000đ/lọ, ở Bệnh viện Chợ Rẫy giá thuốc này trúng thầu mức chỉ hơn 55.000đ, ở Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) mức 56.000đ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang mức 69.000đ; thuốc MGP Axinex 1g đã trúng thầu vào Bệnh viện K, thuốc H2K Ciprofloxacin Infusion trúng thầu vào Bệnh viện Phong - da liễu trung ương Quỳnh Lập, Bệnh viện Đa khoa Lệ Thủy...

Khảo sát cho thấy rất nhiều bệnh viện trung ương, địa phương đã cùng dùng 7 thuốc này.

Hàng ngàn người dân đã uống thuốc chữa bệnh, nhưng thuốc đó xuất xứ ở đâu, chất lượng thế nào, nhà sản xuất là giả hay thật? Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đang nợ những con người cụ thể ấy một câu trả lời.

7 bị can bị khởi tố

Đó là Nguyễn Minh Hùng - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma; Nguyễn Trí Nhật - nguyên phó tổng giám đốc; Ngô Anh Quốc - nguyên phó tổng giám đốc; Phan Cẩm Loan - nguyên phó trưởng phòng xuất nhập khẩu; Lê Thị Vũ Phương - nguyên kế toán trưởng; Võ Mạnh Cường - nguyên giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải quốc tế H&C và Phạm Quỳnh Trang, nhân viên công ty này.

Trong đó, hai bị can Ngô Anh Quốc và Nguyễn Trí Nhật bị bắt tạm giam 4 tháng; Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường đã bị tạm giam từ giai đoạn trước của vụ án. Ba bị can Lê Thị Vũ Phương, Phan Cẩm Loan, Phạm Quỳnh Trang được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn, Cơ quan an ninh điều tra đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam.

THÂN HOÀNG - LAN ANH

Tuổi trẻ

Tags

Tin liên quan