Vụ trẻ sơ sinh bị kéo đứt cổ: Thai chết lưu hay vẫn có tim thai?

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

02/07/2019 00:10

461

Sau khi nhận thông tin về sự việc trẻ sơ sinh bị tử vong do bị kéo đứt cổ, Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Tĩnh đã yêu cầu bệnh viện báo cáo cụ thể về sự việc này.
Thai nhi đã chết lưu trên 7 ngày nhưng bác sĩ không phát hiện ra

Theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế, trẻ sơ sinh đã chết lưu trước đó chứ không phải do bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa sản đã kéo đứt cổ trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, chính 2 nữ hộ sinh đã kéo trẻ sơ sinh trước đó khẳng định vẫn nghe tim thai của trẻ trước khi sinh tới 3 lần.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hồng Cường - PGĐ bệnh viện đa khoa Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: "Trẻ này đã chết lưu, vì khi sinh ra da lầy lụa hết ở cổ tay và cổ chân. Giả thiết 2 nữ hộ sinh kéo chết do ngạt thì cơ thể trẻ sẽ bị tím, nhưng đây da lại lầy lụa hết ở cổ tay".

Tuy nhiên cũng chính vị Phó giám đốc này thừa nhận là bác sĩ Nguyễn Minh Đức - Trưởng khoa sản bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ đã kéo đứt cổ trẻ sơ sinh. "Khi 2 hộ sinh không kéo được thì mời bác sĩ Đức lên kéo trẻ. Khi bác sĩ Đức đưa tay kéo thì khiến cháu bé đứt cổ. Sau đó, bác sĩ Đức tự tay khâu cổ trẻ lại”, ông Cường cho hay.

Trước câu hỏi vì sao trước đó bác sĩ khám nghe nhịp tim trẻ bình thường, nhưng sau đó trẻ sinh ra lại cho rằng trẻ chết lưu trước đó mấy ngày? Ông Cường cho hay, ở đây phía bệnh viện đang yêu cầu làm rõ.

“Chúng tôi đã gọi 2 nữ hộ sinh lên để hỏi có nghe thấy tim thai của trẻ thật hay không. Nhiều khi hộ sinh báo cáo không chính xác hoặc là nghe nhầm, nhưng hộ sinh vẫn cho rằng mình đã nghe được tim thai, nghe tới 3 lần”, ông Cường nói thêm.

Sản phụ Tình đang điều trị tại bệnh viện

Ông Cường cũng cho biết nếu bác sĩ kéo đứt cổ trẻ sơ sinh thì cơ thể của cháu bé sẽ không có dấu hiệu hoại tử, tuy nhiên đứa bé này đã bị hoại tử trước đó và tỷ lệ bác sĩ kéo đứt cổ trẻ là khó có khả năng vì trẻ sơ sinh có thể chịu được lực kéo từ 50-60kg.

“Thông thường, đứa trẻ sinh ra, chịu được lực kéo từ 50 đến 60kg nhưng ở đây bác sĩ Đức vừa kéo một lát thì cổ đã đứt, chứng tỏ trẻ đã thối rữa, hoại tử. Trước khi lôi trẻ, bác sĩ không hề biết cháu bé đã chết. Lỗi của bác sĩ lôi ra thấy chết rồi mà không báo với người nhà”, ông Cường nói thêm.

Khi được hỏi về sự việc này, nữ hộ sinh Hoàng Thị Định và Hoàng Thị Trinh đều khẳng định sản phụ Tình nhập viện khi thai đang ở tuần thứ 35, tử cung đã mở 4 phân. Tuy nhiên hộ sinh Trinh khẳng định đã nghe tim thai 3 lần. Lần đầu vào 9 giờ 39 phút ngày 30.6, lần thứ 2 vào 12 giờ trưa và lần thứ 3 là vào 15 giờ cùng ngày. Cả 3 lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118 - 130 lần/phút.

Bác sĩ Phạm Hồng Cường, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Thọ

Tuy nhiên, ông Cường vẫn khẳng định: "Thai nhi mới 35 tuần chứ không phải đủ tháng. Ở đây chắc chắn có sự cố, quy trình có lỗ hỏng. Từ hôm qua đến giờ đơn vị không gặp được bác sĩ Quyền vì bác sĩ Quyền xin nghỉ sau ca trực nên chưa hỏi được rõ việc này.

Việc nghe tim thai là có bác sĩ Quyền (người có ca trực hôm đó) chịu trách nhiệm chứ không phải nữ hộ sinh"'.

Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, người kéo đầu trẻ gây đứt cổ

Ông Cường cũng thừa nhận, việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện. Trong đó bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi; Hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu.

Khi phỏng vấn trực tiếp bác sĩ kéo đầu trẻ sơ sinh của sản phụ tình, bác sĩ Nguyễn Minh Đức cho biết chính đứa trẻ đã chết trước đó chứ không phải do ông kéo mạnh làm đứt cổ trẻ.

"Tôi nhận được thông báo của nữ hộ sinh về ca của sản phụ. Tôi chạy lên đó và kéo một tý thì cổ trẻ đã bị đứt. Có thể trước đó, các hộ sinh đã kéo giãn rồi. Sau khi kéo rời cổ, tôi đi khâu lại mới thông báo cho người nhà. Vì tôi phải xử lý thai lưu trước, còn để lâu tử cung co thì thai đó sẽ khó lấy ra. Chứ trước đó tôi nhìn thấy đầu trẻ đã biết thai chết rồi''- bác sĩ Đức phân trần.

Còn báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế thì kết luận: "Tình trạng thai nhi sau khi sổ: Da đầu bị bong trợt, da bàn tay, bàn chân, bị bong tróc, phồng rộp; da bụng, da bìu bị bong trợt, hình ảnh của thai chết lưu trên 7 ngày".

Văn bản này cũng nêu rõ sản phụ Tình nhập viện và được chẩn đoán đau bụng, chuyển dạ sinh lần 5, tình trạng lúc vào viện tỉnh táo. Việc khám sản cho thấy sản phụ có cơn co tử cung tần số 2/20 giây; cổ tử cung mở 4 cm. Sau đó, ê-kíp trực tiếp tục ghi nhận sản phụ có 2 cơn co vào 12 giờ và 15 giờ ngày 30.6. Tuy nhiên, theo Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, 18 giờ 35, ngày 30.6, ê-kíp trực tại khoa Sản lại ghi nhận "tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh; đầu lọt".

Chia sẻ riêng với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới - một bác sĩ giấu tên tại bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi có kinh nghiệm hơn 20 năm làm sản khoa, nếu thai chết lưu thì người sản phụ sẽ không có cơn co thắt như bình thường và cổ tử cung sẽ không mở.

Theo dõi thông tin trên báo chí, tôi được biết cổ tử cung của sản phụ vẫn mở và có cơn co thắt thì khó có thể cho rằng là thai chết lưu trước đó. Nếu theo đúng báo cáo thì thai đã chết lưu 7 ngày rất khó để sản phụ có cơn co tự nhiên, chuyển dạ. Thông thường, các bác sĩ phải tiêm thuốc để sản phụ có cơn co, đẩy thai ra ngoài. Cần phải làm rõ trách nhiệm của các y bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Đức Thọ, Hà Tĩnh" - người này cho hay.

Bài và ảnh: Dạ Thảo

Tags

Tin liên quan