Vụ bê bối thuốc chứa kháng thể HIV ở Trung Quốc

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

14/02/2019 00:08

578

Thông tin của The Epoch Times, China Business Journal, Daily Economic News và National Business Daily đang thu hút được sự quan tâm của dư luận bởi cơ quan chức năng vừa phát hiện hơn 12.200 chai huyết tương tiêm tĩnh mạch đã được thử nghiệm và cho kết quả dương tính với kháng thể HIV

Vụ bê bối kể trên diễn ra tại thành phố Thượng Hải. Ngay sau khi biết tin Ủy ban Sức khỏe Y tế quốc gia (NHC) đã yêu cầu Công ty cổ phần dược Tân Hưng Thượng Hải (Shanghai Xinxing Medicine) – chủ cơ sở sản xuất thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (số lô 20180610Z, có tổng cộng 12.226 lọ, với hạn sử dụng đến ngày 8-6-2021) phải niêm phong lưu trữ sản phẩm này, đồng thời lập tức ngưng sử dụng số thuốc “có vấn đề” kể trên.

Ngoài NHC, Tổng cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (CSDA) cũng đã chỉ thị - tất cả các tổ chức y tế phải đình chỉ sử dụng sản phẩm huyết tương có nghi vấn và tiến hành theo dõi tình trạng những người được điều trị bằng số Immunoglobulin kể trên. Theo đại diện của CSDA, tháng trước họ vừa khuyến cáo về những phương pháp điều trị huyết tương dù đã trải qua quá trình sàng lọc mầm bệnh nhưng vẫn có nguồn gốc từ máu người, nên có nguy cơ lây nhiễm cao.

Về phần mình, cơ quan chức năng của thành phố Thượng Hải thông báo, đã mở cuộc điều tra để làm rõ vụ việc đang gây chấn động dư luận. Trong thông báo đưa ra hôm 6-2, Sở Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thượng Hải cho biết, đã yêu cầu Công ty cổ phần dược Tân Hưng Thượng Hải phải nhanh chóng thu hồi lô thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch “có vấn đề”, và ngừng hoạt động sản xuất.

Được biết, lô thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch này dương tính với kháng thể HIV, nhưng vẫn được Sở Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thượng Hải cấp phép. Theo giới truyền thông, vụ việc kể trên được phát hiện sau khi Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Giang Tây phát hiện “có vấn đề” trong lô thuốc của Công ty cổ phần dược Tân Hưng Thượng Hải.

Gần 3 tháng trước (23-11-2018), Ủy ban Y tế Sức khỏe quốc gia cho biết, tính đến cuối tháng 9-2018, Trung Quốc có 850.000 người lây nhiễm HIV, và 260.000 người đã tử vong.

"Vào lúc này, điểm mấu chốt là phải làm rõ lỗi đó do người hiến máu hay vấn đề với sản phẩm. Chúng ta cần làm rõ lô thuốc bị lỗi đã được phân phối tới đâu và tiến hành thu hồi, kiểm tra lại", 1 bác sĩ giấu tên tại bệnh viện ở Thượng Hải cho hay.

Vẫn theo bác sĩ kể trên, những bệnh nhân điều trị với lô huyết tương bị lỗi có thể không nhiễm HIV bởi điều trị chống virus đã được tiến hành trong quá trình chuẩn bị sử dụng thuốc.

Nhưng theo thông tin từ The Epoch Times, 1 trẻ sơ sinh ở tỉnh Giang Tây bị phát hiện dương tính với HIV hôm 6-2. Và các bác sĩ khi truy tìm nguồn gốc nhiễm HIV, đã phát hiện nó xuất phát từ lô thuốc “có vấn đề” của Công ty cổ phần dược Tân Hưng Thượng Hải.

Theo tờ South China Morning Post, các bệnh viện tại Trung Quốc được yêu cầu thông báo về lô thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch “có vấn đề”, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình trạng của bệnh nhân được điều trị bằng loại huyết tương này.

Immunoglobulin là sản phẩm chứa kháng thể được sản xuất từ huyết tương của khoảng 1.000 người, sử dụng trong trường hợp suy giảm miễn dịch, suy giảm tiểu cầu do miễn dịch, bệnh Kawasaki, và trẻ em nhiễm HIV loại 1.

Công ty cổ phần dược Tân Hưng Thượng Hải (thành lập tháng 8-2000 và thuộc Tập đoàn Tân Hưng Trung Quốc) là doanh nghiệp chuyên sản xuất chế phẩm máu của quốc gia, chủ yếu sản xuất và bán các chế phẩm máu. 10 năm trước, Công ty cổ phần dược Tân Hưng Thượng Hải được tái cấu trúc.

Theo tờ The Beijing News, 10 bệnh viện trong tỉnh Thiểm Tây hiện chưa phát hiện bất cứ trường hợp bệnh nhân nào bị lây nhiễm HIV liên quan tới vụ bê bối này. Các bệnh viện ở tỉnh Hà Nam cũng đưa ra thông báo tương tự.

Vụ bê bối kể trên diễn ra sau khi 145 trẻ em tại tỉnh Giang Tô bị tiêm vắcxin bại liệt hết hạn khiến 17 quan chức địa phương bị điều tra, chưa đầy 1 tháng. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, loại vắcxin bại liệt dạng uống được cấp cho trẻ em tại một trung tâm y tế thuộc huyện Kim Hồ đã hết hạn từ ngày 11-12-2018, nhưng vẫn được nhân viên y tế cho sử dụng.

Cảnh sát tỉnh Giang Tô đang điều tra để làm rõ vụ việc này. 10 ngày trước (2-2), Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương thông báo, đã kỷ luật hơn 80 quan chức có liên quan tới vụ bê bối vắcxin từng khiến dư luận hoang mang về mức độ an toàn của các loại vắcxin được sản xuất tại Trung Quốc.

Trong số hơn 80 quan chức kể trên có 4 người thuộc CSDA đang bị cơ quan công tố “hỏi thăm”. Ông Thúc Dục Huy, Chủ tịch Tập đoàn Quyền Kiện (hãng y tế hàng đầu ở Trung Quốc) mới bị bắt vì những sai phạm về tổ chức và hoạt động bán hàng đa cấp về thuốc.

Thiện Lân

Tags

Tin liên quan