Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
718
Dược Hậu Giang - doanh nghiệp sản phẩm dược có doanh thu cao nhất trên thị trường chứng khoán, đang nằm trong tầm ngắm của đại gia dược phẩm Nhật Bản Taisho Pharmaceutical. Theo thông tin mới công bố, Taisho dự kiến chi khoảng 3.400 tỷ đồng để nắm quyền chi phối Dược Hậu Giang với tỷ lệ cổ phần kiểm soát gần 57%.
Nếu thương vụ này thành công, Dược Hậu Giang sẽ là cái tên tiếp theo trong số những "đại gia" ngành dược phẩm của Việt Nam bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm. Gần nhất, câu chuyện tương tự đã diễn ra tại Domesco khi công ty con thuộc tập đoàn Abbott đã nâng sở hữu lên 51% với tư cách là cổ đông chiến lược.
Bên trong nhà máy Dược Hậu Giang tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh. |
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, dược phẩm được xem là nhóm ngành "phòng thủ", ít chịu tác động chung của thị trường. Bản thân ngành dược cũng mang nhiều yếu tố đặc thù, với những tiêu chuẩn khắt khe về mặt công nghệ, rào cản gia nhập ngành cao. Tuy nhiên, khoảng 5 năm gần đây, lĩnh vực ít được nhà đầu tư chú ý này lại âm thầm diễn ra những thương vụ thâu tóm lớn.
Nếu Dược Hậu Giang là trường hợp gần nhất rơi vào tầm ngắm của một tập đoàn dược phẩm Nhật Bản thì trước đó không lâu Domesco - doanh nghiệp dược đứng thứ 6 về doanh thu trên sàn chứng khoán cũng bị kiểm soát bởi CFR International SPA - một công ty thành viên của Tập đoàn Abbott. Tập đoàn này năm 2016 cũng mua lại một công ty dược phẩm khác là Glomed.
Pymepharco, công ty dược thành lập năm 1989, cũng nhanh chóng được cổ đông ngoại đăng ký gom thêm cổ phần ngay sau khi nới "room" lên 100% vào cuối năm trước. Stada Service Holding đã được thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 72% - mức sở hữu đủ để chi phối mọi quyết định tại Pymepharco.
Imexpharm và Traphaco, với sở hữu nước ngoài đều trên 47%, cũng được giới đầu tư kỳ vọng có thể trở thành những thương vụ tiếp theo của dòng vốn ngoại trên thị trường dược phẩm. Tính ra, Top 10 công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam thì tới một nửa đã bị cổ đông ngoại chi phối hoặc sở hữu cổ phần gần 50%.
Đằng sau những thương vụ này là các thỏa thuận hợp tác đã có từ trước, những toan tính riêng của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên theo đánh giá của giới phân tích, lý do chung nhất phải kể tới tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường dược phẩm Việt Nam và lợi ích từ việc tận dụng chi phí sản xuất giá rẻ, cùng hệ thống phân phối.
Theo IMS Health, Việt Nam được xếp trong 17 nước thuộc nhóm có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất (pharmerging markets) - nhóm nước được dự báo sẽ trở thành trụ cột cho ngành dược phẩm thế giới. Giới phân tích, trong những báo cáo gần đây, dự báo thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm trong 5 năm tới.
Sự chậm lại của những thị trường toàn cầu khiến các hãng dược hàng đầu thế giới tìm đến những "điểm nóng" khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với rào cản gia nhập ngành cao do những đặc thù trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ, lựa chọn cách thâu tóm một doanh nghiệp nội địa giữa thị phần lớn trở thành nước đi được hướng đến.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, theo cam kết WTO, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được phép nhập khẩu nhưng không được phép trực tiếp phân phối thuốc tại Việt Nam. Do đó, các tên tuổi lớn thường thông qua các công ty Việt Nam có chức năng phân phối để bán sản phẩm vào thị trường.
Theo quy định những công ty dược Việt Nam đã tăng giới hạn sở hữu nước ngoài lên trên 49% không được tiếp tục phân phối sản phẩm bên ngoài và chỉ có thể phân phối các sản phẩm tự sản xuất. Tuy nhiên, vướng mắc này có thể giải quyết thông qua việc hợp tác trong công nghệ và quy trình sản xuất. Nói một cách đơn giản hơn, sau nước cờ thâu tóm cổ phần sẽ là những bước đi về chuyển giao công nghệ trong sản xuất để tận dụng những lợi thế vốn có của doanh nghiệp nội.
"Ngày càng có nhiều công ty dược nước ngoài hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ hoặc hệ thống phân phối", báo cáo ngành dược phẩm của ACBS đánh giá. Theo ACBS, sự hợp tác giữa Pymepharco và Stada Group, Dược Hậu Giang và Taisho hay Mekorpha và Nipro là một số ví dụ điển hình.
Đó là những tác động trên thị trường sản xuất. Còn trên thị trường chứng khoán, những thương vụ thâu tóm khiến cổ phiếu ngành dược ngay lập tức "nổi sóng".
Cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang đã giảm 25% trong ba tháng cuối năm 2018 nhưng đảo chiều tăng hơn 60% chỉ trong hai tháng đầu năm 2019. Với mức giá gần 120.000 đồng mỗi cổ phần, thị giá cổ phiếu DHG trên sàn chứng khoán đã tương đương với mức giá mà Taisho dự kiến chi ra để thâu tóm công ty này.
Trước đó, trong thương vụ Domesco bị thâu tóm, cổ phiếu DMC trên sàn chứng khoán cũng tăng hơn gấp đôi chỉ trong chưa đầy nửa năm, lên mức đỉnh gần 140.000 đồng mỗi cổ phần.
Minh Sơn
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec