Vai trò của “DƯỢC SĨ CỘNG ĐỒNG” trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu...

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

26/10/2019 00:07

930

Thực tiễn hoạt động khám, chữa bệnh tại nhiều nước phát triển trên thế giới cho thấy bên cạnh loại hình nhân viên y tế trong lĩnh vực dược là “Dược sĩ bệnh viện” đã chứng minh tính cần thiết và không thể thiếu trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, thì một loại hình nhân viên y tế khác không kém phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân tại cộng đồng đó là “Dược sĩ cộng đồng”.

Vai trò của “Dược sĩ cộng đồng” đã được TCYTTG xác định từ rất lâu (qua chuyên đề “The Role of the Pharmacist in the Health Care System” – TCYTTG, 1994), cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Dược sĩ cộng đồng là các chuyên gia y tế dễ tiếp cận nhất với công chúng. Họ cung cấp thuốc theo toa, hoặc khi được pháp luật cho phép, bán thuốc mà không cần toa. Ngoài việc đảm bảo cung cấp chính xác các sản phẩm phù hợp, dược sĩ cộng đồng còn đảm trách các hoạt động chuyên môn bao gồm: tư vấn cho bệnh nhân tại thời điểm phân phối thuốc theo toa và thuốc không kê đơn, thông tin thuốc cho các nhân viên y tế, bệnh nhân và cộng đồng nói chung, và tham gia vào các chương trình tăng cường sức khỏe. Dược sĩ cộng đồng duy trì liên kết với các nhân viên y tế khác trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.”

Tầm nhìn của các nước phát triển về vai trò của Dược sĩ cộng đồng:

Sự thiếu hụt nhân viên y tế ở Châu Âu dự kiến sẽ tiếp tục tăng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu hụt tùy thuộc vào hệ thống y tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, có sự chồng chéo ngày càng tăng về vai trò chuyên môn, hệ thống y tế hiện đại đòi hỏi nhân viên y tế phải làm việc theo nhóm, quản lý sức khỏe của người bệnh thông minh hơn, sử dụng phương pháp tích hợp và đa ngành. Để đáp ứng xu hướng này, vai trò của dược sĩ ở nhiều nước Châu Âu đang phát triển theo hướng tập trung vào người bệnh nhân hơn và mở rộng số lượng dịch vụ chăm sóc ban đầu có sẵn thông qua các nhà thuốc cộng đồng.

Việc sử dụng các giải pháp sức khỏe kỹ thuật số, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đang mở rộng nhanh chóng trong chăm sóc sức khỏe. Những công nghệ này có thể làm cho các quy trình dược phẩm hiệu quả hơn, tạo ra giá trị gia tăng dễ dàng hơn và cho phép các nhà thuốc cộng đồng theo dõi các bệnh nhân có nguy cơ và theo dõi tiến trình của họ trong quá trình trị liệu. Hiện tại, họ đã đầu tư các nguồn lực đáng kể để cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông.

Có thể nói, các nước phát triển tại Châu Âu là những quốc gia đi đầu về phát triển “Dược sĩ cộng đồng”, gần đây tổ chức Nhóm Dược của Liên minh Châu Âu (Pharmaceutical Group of the European Uninion – PGEU) đã xây dựng tầm nhìn chiến lược của dược cộng đồng đến năm 2030. Theo đó, dược sĩ cộng đồng không chỉ cung ứng thuốc cho cộng đồng mà còn có các vai trò trong: (1) Đảm bảo chất lượng chăm sóc và an toàn người bệnh, (2) Cải thiện sức khoẻ cộng đồng, (3) Đảm bảo người dân tiếp cận thuốc và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, (4) Góp phần cho tính bền vững của các hệ thống chăm sóc sức khoẻ.

Dưới đây là tóm lược những khuyến cáo cụ thể của PGEU về vai trò của Dược sĩ cộng đồng (theo “PHARMACY 2030: A Vision for Community Pharmacy in Europe” – PGEU): Dược sĩ cộng đồng đảm bảo chất lượng chăm sóc và an toàn người bệnh:

1. Tối đa hóa lợi ích của sự tham gia của dược sĩ cộng đồng đối với bệnh nhân và hệ thống chăm sóc sức khỏe bằng cách thực hiện một cách có hệ thống các dịch vụ dược phẩm hướng đến cải thiện kết quả điều trị, sự tuân thủ và giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc sử dụng thuốc của người bệnh.

2. Thu hút các dược sĩ cộng đồng trong các mô hình chăm sóc hợp tác. Để đạt được sự chăm sóc tích hợp thực sự nên kết hợp sức mạnh và năng lực của từng thành viên trong nhóm chăm sóc sức khỏe.

3. Cho phép dược sĩ cộng đồng quyền tiếp cận vào thông tin sức khỏe của người bệnh và danh sách thuốc mà họ đang sử dụng. Điều này có thể được thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử được chia sẻ, trong khi tôn trọng các quy tắc bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư. Điều này sẽ đảm bảo tính liên tục của chăm sóc dược, bao gồm cả trong quá trình chuyển đổi bệnh nhân giữa các cơ sở chăm sóc ban đầu và tại bệnh viện. Tư vấn cho người dùng cuối (end-users), đặc biệt là dược sĩ cộng đồng về các giải pháp ứng dụng CNTT mới trong chăm sóc sức khỏe.

4. Hỗ trợ dược sĩ tích hợp dược động học, quy tắc lâm sàng với dữ liệu thế giới thực (real-world data) trong thực hành hàng ngày của họ. Điều này sẽ cải thiện sự an toàn của bệnh nhân và tăng lợi ích của dược lý.

Dược sĩ cũng nên được tích hợp tốt hơn và được tư vấn trong việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Dược sĩ cộng đồng tham gia cải thiện sức khoẻ cộng đồng:

5. Hỗ trợ dược sĩ cộng đồng trong việc cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe, quản lý thuốc, tăng cường sức khỏe và giáo dục sức khoẻ để giúp giảm gánh nặng chung của các bệnh mạn tính và cuối cùng hỗ trợ tăng cường năng lực cho người dân tự quản lý các bệnh mạn tính

6. Thiết lập khung pháp lý (khi cần thiết) cho phép và hỗ trợ dược sĩ cộng đồng đóng vai trò nổi bật hơn trong các can thiệp phòng ngừa và y tế công cộng. Điều này sẽ tối đa hóa giá trị của mạng lưới nhà thuốc cộng đồng mà họ phục vụ.

Dược sĩ cộng đồng tham gia đảm bảo cho người dân tiếp cận thuốc và dịch vụ chăm sóc sức khỏe:

7. Giúp dược sĩ tham gia các hoạt động đảm bảo người dân có thể tiếp cận điều trị đầy đủ gần nhà hoặc nơi làm việc, bằng cách trao quyền cho họ:

a) Cung cấp đầy đủ các loại thuốc trong các nhà thuốc cộng đồng;

b) Cung cấp thuốc đến các cơ sở chăm sóc (care home) và tại nhà bệnh nhân;

c) Hỗ trợ người bệnh với phác đồ điều trị phức tạp;

d) Cung cấp một loạt các thiết bị y tế trong các nhà thuốc cộng đồng;

Dược sĩ cộng đồng góp phần cho tính bền vững của các hệ thống chăm sóc sức khoẻ:

8. Đảm bảo thu nhập của dược sĩ cộng đồng phản ánh đúng sự đóng góp của họ trong việc cải thiện chăm sóc dược, giảm gánh nặng cho các dịch vụ y tế khác và hỗ trợ sự bền vững và khả năng phục hồi của các hệ thống y tế.

Một số mô hình hoạt động của “Dược sĩ cộng đồng” tại các nước EU:

Tại Pháp, mô hình “Dossier Pharmaceutique” (Hồ sơ thuốc) là một hồ sơ thuốc điện tử của bệnh nhân ghi lại những thuốc gần đây bệnh nhân đã sử dụng (được kê đơn hoặc không kê đơn). Hồ sơ thuốc điện tử được quản lý bởi các dược sĩ cộng đồng và có thể được truy cập bởi các dược sĩ cộng đồng và nhân viên y tế khác được ủy quyền. Điều này giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến thuốc như tương tác, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc trùng lắp, theo dõi tuân thủ điều trị, cung cấp thuốc và quản lý thu hồi thuốc và cảnh báo an toàn.

Tại Đan Mạch, mô hình “Dịch vụ hỗ trợ sự tuân thủ” đã được giới thiệu tại các nhà thuốc dành cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính có vấn đề về tuân thủ điều trị. Dịch vụ này cung cấp tư vấn riêng giữa dược sĩ và bệnh nhân đang dùng thuốc kéo dài hơn 12 tháng và đang gặp vấn đề với việc tuân thủ. Mục đích là giúp bệnh nhân đạt được sự tuân thủ trị liệu tốt hơn bằng cách cho họ thông tin và lời khuyên về việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và hợp lý đồng thời hướng dẫn các biện pháp lối sống lành mạnh.

Tại Bỉ, Hiệp hội Dược sĩ tại Bỉ (APB) tạo ra sản phẩm cảnh giác dược cụ thể có sẵn tại điểm pha chế. Một dịch vụ trên nền tảng web tích hợp trong phần mềm phân phối dược phẩm cảnh báo dược sĩ nếu một loại thuốc cần chịu sự giám sát bổ sung. Ứng dụng này còn chỉ ra những thông tin và tài liệu giáo dục hiện có như là một phần của kế hoạch quản lý rủi ro.

Tại Tây Ban Nha, thành lập một trung tâm dịch vụ kỹ thuật số về dược phẩm có tên là “nodofarma”. Điều này đã mở ra những khả năng mới để tích hợp và khả năng tương tác và cung cấp hỗ trợ cho các dịch vụ chuyên nghiệp về cung ứng dược phẩm, chúng được tích hợp một cách linh hoạt và an toàn với tiềm năng phát triển trong tương lai.

Ở Tây Ban Nha còn có một hệ thống truyền thông gọi là CISMED. Đây là một nền tảng nơi hơn 6.000 nhà thuốc báo cáo các loại thuốc mà họ không thể đặt hàng - hàng ngày - cho nhà thuốc của họ. Thông tin này giúp xác định các tình huống chung về việc cung cấp thuốc không thường xuyên cho nhà thuốc mà sau đó được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.

Tại Canada, các dược sĩ cộng đồng cung cấp các chương trình quản lý thuốc cho bệnh nhân mắc một hoặc nhiều bệnh mạn tính. Các chương trình này bao gồm đánh giá, thiết lập các mục tiêu sức khỏe rõ ràng, theo dõi và quản lý sử dụng thuốc và giúp bệnh nhân quản lý các điều kiện chăm sóc hiệu quả hơn. Những dịch vụ này đã chứng minh hiệu quả chi phí và đã cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân.

Tại Bồ Đào Nha, dược sĩ có thể thực hiện tiêm phòng cúm theo mùa, như trường hợp ở một số quốc gia khác. Để cung cấp dịch vụ này, dược sĩ cộng đồng tại Bồ Đào Nha cần đáp ứng một số yêu cầu và tiêu chuẩn, bao gồm:

(1) Đào tạo bắt buộc về tiêm chủng;

(2) Tái chứng nhận mỗi 5 năm;

(3) Bằng chứng về hoạt động liên tục;

(4) Chứng nhận về hồi sức cấp cứu cơ bản.

Ngoài ra, các hiệu thuốc phải có một phòng thích hợp để quản lý tiêm chủng với các thiết bị cần thiết. Họ cũng phải có khả năng quản lý bất kỳ sự cố phản vệ nào (ví dụ adrenaline do dược sĩ quản lý).

Tại Ý, trong Tuần lễ Đái tháo đường quốc tế, các dược sĩ phối hợp với các bên liên quan khác cung cấp chiến dịch sàng lọc bệnh tiểu đường tại các nhà thuốc, bao gồm hỗ trợ bệnh nhân kiểm tra đường huyết và hoàn thành xác nhận. Kiểm tra điểm rủi ro bệnh tiểu đường (FINDRISC), cũng như đưa ra lời khuyên về các yếu tố nguy cơ bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa.

Tại Thụy Sĩ, các bác sĩ chăm sóc ban đầu và dược sĩ cộng đồng làm việc cùng nhau để cung cấp dịch vụ chăm sóc thông qua nhà thuốc trong dịch vụ “netCare”. Dược sĩ sàng lọc ban đầu bằng cách sử dụng cây quyết định (decision tree). Sau đó, bệnh nhân được điều trị bởi dược sĩ; bệnh nhân có thể được bác sĩ tư vấn qua video trong nhà thuốc hoặc giới thiệu đến bác sĩ để được tư vấn theo cách truyền thống hoặc để được điều trị khi cần thiết. Bệnh nhân nhận được một cuộc gọi ba ngày sau khi điều trị để đánh giá dịch vụ. Dược sĩ trong dự án netCare phải trải qua đào tạo để biết cách sử dụng cây quyết định trước khi cung cấp dịch vụ. Một nghiên cứu để đánh giá hiệu quả, an toàn theo luật bảo hiểm y tế ở Thụy Sĩ đã được thực hiện. Kết quả cho thấy 73% các trường hợp đã được xử lý bởi dược sĩ, 20% bằng cách làm việc từ xa với bác sĩ và 7% còn lại được chuyển đến bác sĩ để được tư vấn hoặc chăm sóc. Dịch vụ này được chi trả bởi các công ty bảo hiểm y tế.

SỞ Y TẾ TP.HCM

Tags

Tin liên quan