Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
576
Tưởng chừng con người phải chịu thua căn bệnh bất trị này, thì mới nhất các nhà khoa học đã tìm thấy một loại vắc xin ngừa lao hứa hẹn sẽ làm thay đổi cuộc chơi.
Thật ra hiện tại con người cũng đã có vắc xin ngừa lao BCG (Bacillus Calmette-Guérin), được phát minh bởi hai nhà khoa học Albert Calmette và Camille Guérin, trong đó người đầu tiên gắn bó cuộc đời với đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, cho dù sử dụng gần một thế kỷ qua (từ năm 1921) và cứu mạng vô số người, nhưng hiệu quả của BCG không như mong muốn, vì sau vài năm chích ngừa, khả năng bảo vệ sẽ mất đi.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2018 toàn cầu có khoảng 10 triệu người mắc lao. Chưa kể gần 1/4 dân số thế giới nhiễm lao tiềm tàng, nghĩa là những người này mang vi khuẩn lao ở dạng không hoạt động, họ không mắc bệnh hiện tại, nhưng trong suốt cuộc đời sẽ có 5 – 10 % nguy cơ bộc phát bệnh lao. Trong khi đó, lao đa kháng thuốc – loại bệnh không đáp ứng với ít nhất hai thuốc chữa lao đầu tay – vẫn là thách thức lớn cho sức khoẻ cộng đồng, vì ngày càng khó điều trị và tốn kém. WHO đặt mục tiêu giảm 90% số ca mắc mới và 95% số ca tử vong vì bệnh lao từ năm 2015 – 2035.
Khó tin rằng vắc xin BCG sẽ góp phần hoàn thành được mục tiêu trên. Tuy nhiên, tại hội nghị Bệnh phổi thế giới lần thứ 50 tổ chức ở Hyderabad (Ấn Độ) tuần qua, hãng dược phẩm Anh GSK cho biết vắc xin mà họ đang nghiên cứu (mã số M72/AS01E), được thử nghiệm tại Kenya, Nam Phi và Zambia, cho thấy có nhiều hứa hẹn. Thực vậy, khi thử trên 3.300 người âm tính với HIV và có bệnh lao tiềm ẩn, vắc xin này giúp họ giảm được 50% nguy cơ mắc bệnh lao, so với người không dùng vắc xin trong vòng ba năm theo dõi.
Kết quả nghiên cứu này cũng được công bố trên tạp chí y học nổi tiếng New England Journal of Medicine, và David Lewinsohn, chuyên gia nổi tiếng về bệnh lao, gọi đây là “kẻ thay đổi cuộc chơi”. Một trong những lý do khiến gần một thế kỷ qua y học vẫn không có thêm một vắc xin ngừa lao nào khác, vì nghiên cứu quá khó khăn và cần nhiều thử nghiệm hơn so với vắc xin ngừa các bệnh gây ra do virus, như bệnh sởi.
Đến nay GSK đã bỏ ra gần 20 năm để nghiên cứu vắc xin ngừa lao, bắt đầu từ thành công trên động vật (như chuột, heo hoặc linh trưởng không phải người), sau đó trên người. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất để làm vắc xin ngừa lao, theo các nhà khoa học, chính là “mô hình trên động vật thường không phản ánh mong muốn của con người về một vắc xin thành công”. Thí dụ bệnh lao thường là “một bệnh xoàng xĩnh” ở động vật, và các nhà nghiên cứu có thể định nghĩa thành công khi giảm được khoảng mười lần số vi khuẩn trong phổi. Nhưng ở một đứa trẻ, dù chỉ còn 1/10 số vi khuẩn, nó vẫn được xem là còn bệnh lao. Một thách thức khác, vi khuẩn lao rất khôn lanh, chúng có thể giấu mình khỏi hệ miễn dịch, vì thế các nhà khoa học khó xác định xem liệu vắc xin có hiệu quả hay không.
Do điều này mà thử nghiệm vắc xin lao đòi hỏi làm trên số lượng lớn bệnh nhân và tốn kém. Vì thế, dù những thử nghiệm ban đầu tỏ ra thành công, nhưng theo TS Lewinsohn “nó cần thử nghiệm trên nhiều bệnh nhân hơn, trước khi được cấp phép. Nếu suôn sẻ, khoảng
năm 2028 vắc xin này mới có mặt”.
Hiện tại tám quốc gia Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Pakistan, Nigeria, Bangladesh, Nam Phi có số người mắc lao chiếm 2/3 lượng bệnh nhân toàn cầu. Việt Nam xếp 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao nhiều trên thế giới và xếp 13 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Tỷ lệ bệnh nhân lao bỏ điều trị là 11%, khá cao so với chỉ tiêu 9% đặt ra, và những bệnh nhân này là nguồn lây nhiễm lao cho cộng đồng, cũng như tạo nguy cơ kháng thuốc.
Con người nhiễm bệnh lao thông qua hít những giọt nước li ti bắn ra khi bệnh nhân lao ho hoặc hắt hơi. Vi khuẩn lao chủ yếu gây bệnh ở phổi, nhưng cũng có thể ở những bộ phận khác trong người như hạch, xương, hệ thần kinh. Triệu chứng thường gặp của bệnh lao là ho kéo dài hơn ba tuần, sụt cân không giải thích, sốt và đổ mồ hôi ban đêm. Bệnh lao có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị, nhưng nếu điều trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi sau sáu tháng.
Tâm An (theo TGHN)
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec