Ứng dụng công nghệ y tế trong xây dựng chính sách thuốc BHYT

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

28/11/2019 00:07

535

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá Công nghệ y tế tại Việt Nam, ứng dụng bằng chứng trong xây dựng chính sách thuốc BHYT. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự Hội nghị có: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; GS.TS.Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Y tế, BHXH Việt Nam; cùng đông đảo đại diện tổ chức, chuyên gia đến từ các Viện, Hội, Trung tâm nghiên cứu, trường Đại học, Công ty Dược và cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: Hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế nói chung và đánh giá kinh tế dược nói riêng đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT đối với thuốc.

Ở Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế ngày càng trở nên khan hiếm, quỹ BHYT phải bao phủ ngày càng nhiều dịch vụ y tế thì Đánh giá công nghệ y tế, đặc biệt là đánh giá kinh tế dược cần được đẩy mạnh và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, xây dựng kế hoạch, quản lý và thực hành lâm sàng. Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ quan trong của hệ thống y tế là “Xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế”.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin: Trong quá trình xây dựng Danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT ban hành kèm theo Thông tư số 30/2018/TT-BYT, Bộ Y tế yêu cầu bắt buộc các đơn vị phải cung cấp báo cáo đánh giá tác động ngân sách và khuyến khích cung cấp bằng chứng chứng minh về chi phí - hiệu quả của thuốc đối với các thuốc đề xuất bổ sung mới vào Danh mục, đề xuất mở rộng tỷ lệ, điều kiện thanh toán, mở rộng hạng bệnh viện được sử dụng. Nhờ đó, đã lựa chọn được thuốc an toàn, hiệu quả đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.

“Thời gian tới, việc sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng chính sách thuốc BHYT sẽ không còn mang tính khuyến khích mà chắc chắn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, nhất là đối với các thuốc đề xuất bổ sung mới vào Danh mục”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tặng hoa các diễn giả của Hội nghị

Tại Hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ những kết quả về việc ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế, đặc biệt ứng dụng đánh giá kinh tế dược trong xây dựng danh mục thuốc BHYT; đồng thời, thảo luận về kế hoạch, định hướng xây dựng chính sách thuốc BHYT tại Việt Nam thời gian tới; đặc biệt là việc sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế để ra quyết định.

Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị, ứng dụng bằng chứng trong xây dựng chính sách thuốc BHYT tại Việt Nam các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần: Xây dựng hướng dẫn về đánh giá công nghệ y tế; hướng dẫn chuẩn bị báo cáo phân tích kinh tế dược; hướng dẫn đánh giá báo cáo phân tích kinh tế dược; đảm bảo dữ liệu sử dụng trong báo cáo đánh giá kinh tế dược. Xây dựng và ban hành tiêu chí yêu cầu về bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng Danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Triển khai xây dựng Mạng lưới đánh giá kinh tế dược nhằm kết nối giữa Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh với chuyên gia kinh tế y tế đến từ các Viện, Trường, Hội, Trung tâm nghiên cứu, các công ty Dược phẩm.

Chuyên gia chia sẻ, tham luận tại Hội nghị

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét đến các phương pháp thiết lập ưu tiên, phân bổ quỹ đối với các nhóm thuốc, mặt bệnh khác nhau; Xây dựng ngưỡng sẵn sàng chi trả theo mức độ bệnh tật; Cơ chế tài chính cho các bệnh hiểm nghèo; Ứng dụng phân tích chi phí - hiệu quả, đánh giá tác động ngân sách bên cạnh gánh nặng bệnh tật và bằng chứng y học thực tế trong quá trình hoạch định, ra quyết định…

- Theo Cổng TTĐT BHXH Việt Nam

Tags

Tin liên quan