Trượt phỏng vấn vì..chuẩn bị quá kĩ?

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

12/03/2019 00:09

644

Sự chuẩn bị trước khi tham dự một buổi phỏng vấn là điều cần thiết đối với mọi ứng viên. Tuy nhiên, đôi khi sự chuẩn bị “quá” kĩ càng lại gây ra tác dụng phụ, đó chính là trượt phỏng vấn. Vậy theo bạn, tại sao lại có nghịch lý như vậy? Dưới đây là 3 câu trả lời phổ biến nhất được tổng hợp theo những nhà tuyển dụng từ VietnamWorks:

1. “Đối với họ, chúng tôi chỉ là một trong số nhiều lựa chọn”

Khi tìm việc, ứng viên thường “rải” CV khắp các doanh nghiệp khác nhau vì không chắc chắn mình sẽ đậu phỏng vấn ở công ty nào.

Đối với công ty mà ứng viên vô cùng yêu thích, họ sẽ đặt thật nhiều tâm huyết vào và cố gắng vượt qua buổi phỏng vấn một cách tốt nhất. Có thể nói, khao khát được làm việc tại công ty có thể dễ dàng nhận thấy được qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói của ứng viên, do đó, nếu chúng tôi đánh trượt dù họ đã chuẩn bị và thể hiện rất tốt, thì nguyên nhân trượt đến từ các yếu tố khác như năng lực, phong cách làm việc...

Ngược lại, đối với công ty mà họ chỉ xem đó là một lựa chọn “có cũng được, không có cũng không sao” thì dù trong buổi phỏng vấn, ứng viên thể hiện tốt đến mấy nhưng với kinh nghiệm trong nghề, chúng tôi có khả năng nhận biết được họ có thật sự yêu thích và muốn cống hiến cho vị trí này hay không. Trong bất cứ điều gì, chúng ta không thể duy trì được “lòng trung thành” và “sự lâu dài” nếu mình không có hứng thú và đam mê. Do đó, chúng tôi có thể tiếc vì để vụt mất một ứng viên tài năng, nhưng đổi lại là mang về cho công ty một nhân viên đủ năng lực, trung thành và luôn hết mình cống hiến.

2. “Chúng tôi không cảm nhận được sự chân thật trong từng lời nói, hành động của ứng viên”

Ở những ứng viên có thể dễ dàng vượt qua mọi câu hỏi, chúng tôi thường để ý đến mức độ chân thật của câu trả lời. Bởi lẽ, trước khi phỏng vấn, đa số họ thường tìm hiểu xem chúng tôi sẽ hỏi gì và tìm cách trả lời sao cho ấn tượng nhất, mặc kệ điều đó là thật hay giả. Ví dụ, ở câu hỏi, điểm yếu của bạn là gì, thật buồn cười khi chúng tôi thường xuyên nhận được câu trả lời như sau: “Điểm yếu của tôi là quá cầu toàn”. Cầu toàn ư? Một tính cách chứa đựng cả mặt tốt và mặt xấu. Bạn biết tại sao chúng tôi hỏi 10 người, thì hết 7 người trả lời như vậy không? Vì đây là một cách trả lời “an toàn”, được hướng dẫn đầy trên các trang tin chỉ “mẹo phỏng vấn”. Chúng tôi đâu cần điều này! Chúng tôi cần là câu trả lời thật lòng của họ để xem xét xem liệu các ứng viên của mình có phù hợp với công việc đang tuyển dụng hay không. Nếu họ chỉ học thuộc cách trả lời phỏng vấn dù nó trái ngược hoàn toàn với bản thân, sau đó “trả bài” cho chúng tôi như một cỗ máy lúc được phỏng vấn, thì liệu họ có chắc chắn mình sẽ không hối hận nếu chúng tôi giao cho họ việc làm “quá sức”, hoặc không phù hợp với tính cách, phong cách làm việc của họ hay không?

Có thể nói, tham khảo để chuẩn bị trước phỏng vấn là điều nên làm. Nhưng vấn đề là ứng viên chỉ nên tham khảo để tự tìm ra câu trả lời thông minh, đúng với bản thân chứ không đơn giản là “học thuộc bài”.

3. “Những lời nhận xét tiêu cực về công ty cũ chính là lí do khiến chúng tôi đánh trượt”

Khi được hỏi về lí do “nhảy việc”, chúng tôi mong đợi được nghe những tâm sự chân thành nhất của ứng viên nhằm thấu hiểu nhân viên của mình hơn, đồng thời rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý nhân sự. Tuy nhiên, những lời nhận xét quá cay nghiệt về công ty cũ của họ lại là vấn đề khiến chúng tôi phải cân nhắc kĩ.

Thái độ tiêu cực về công ty cũ không phải là cách “khôn ngoan” trong quá trình phỏng vấn, điều đó chẳng khác gì khiến cánh cổng dẫn tới công việc mới của họ dần thu bé lại. Điều mà họ đang thẳng tay “vạch trần” về sếp cũ, đồng nghiệp cũ dù có chân thật đến mấy thì họ cần nhớ rằng, họ đang đàm thoại với chúng tôi-sếp mới, đồng nghiệp mới. Làm sao chúng tôi có thể yên tâm khi nhận một nhân viên có “tiền sử” nói xấu công ty mà mình đã từng gắn bó, công ty đã cho mình cơ hội nghề nghiệp?

Chân thật không sai, nhưng riêng đối với phỏng vấn, chân thật phải đi đôi với khéo léo vì sự chân thật quá mức trong lời nói lắm lúc mang lại những tai hại không lường cho chủ nhân của nó. Thẳng thắn quá cũng không được, che đậy cũng không xong, vậy giải pháp ra sao? Đó là, ứng viên cần lựa lời nói khi gặp những câu hỏi liên quan đến điều khiến họ bất bình. Bên cạnh đó, họ còn cần bộc lộ thái độ tích cực, lạc quan, quan tâm đến công việc, đồng thời nói ra những mong muốn mà họ khát vọng có được ở nơi làm việc mới.

Tags

Tin liên quan