TRỐN CÁCH LY Y TẾ CÓ THỂ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

02/03/2020 00:05

636

Mới đây, cư dân mạng Việt Nam đã vô cùng phẫn nộ khi một cô gái ở Bình Dương trở về từ vùng tâm dịch Daegu (Hàn Quốc) livestream chia sẻ bí quyết “lách” khai báo y tế để trốn cách ly.

Cần phải khai báo trung thực, kể cả di chuyển từ vùng có dịch hay không có dịch để có sự cách ly cần thiết.

Cần phải khai báo trung thực, kể cả di chuyển từ vùng có dịch hay không có dịch để có sự cách ly cần thiết.


Trong khi đó, dịch Covid-19 đang nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu, các quốc gia phải căng mình phòng, chống thì một số cá nhân trở về từ vùng dịch lại tìm cách trốn cách ly. Hành động thiếu hiểu biết này chính là một trong những nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh chóng.

Vô trách nhiệm

Dịch bệnh COVID-19 hiện đang lan rộng nhiều nơi trên thế giới. Diễn biến ổn định của dịch tại Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị, cả ngành y tế với sự tận tụy của các y, bác sĩ và sự hợp tác của người dân. Thế nhưng, giữa những nỗ lực không ngừng ấy vẫn còn không ít cá nhân rất thiếu tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, dịch bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Nhóm bệnh này bao gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Do đó, các bác sĩ cho biết việc khai gian để không phải vào khu cách ly hoặc trốn cách ly y tế trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng.

Sau khi đoạn livestream được đăng tải, ngày 26/2, cô gái đã được cách ly y tế để tập trung theo dõi. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cũng tiến hành điều tra dịch tễ, lên danh sách tất cả những người đã có tiếp xúc gần với cô trên các đoạn đường di chuyển từ khi nhập cảnh đến khi được cách ly để khoanh vùng và giám sát sức khỏe trong những ngày tới.

Cũng mới đây, một thanh niên có tên là H.V.L (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đăng tải lên mạng xã hội khoe bản thân trở về từ tâm dịch Deagu (Hàn Quốc) nhưng không bị cách ly. Sự việc trên khiến dư luận vô cùng hoang mang, lo lắng. Sau đó, nam thanh niên cũng nhanh chóng được chính quyền địa phương yêu cầu cách ly.

Theo BSCKII. Trần Quang Vịnh - Trưởng khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) là người đã nhiều ngày theo dõi điều trị cho nhiều người dân được cách ly ở vùng dịch xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc: Người trốn cách ly thường có 2 nguyên nhân: Một là họ chủ quan với sức khoẻ của chính mình. Hai là họ sợ vào khu cách ly trong điều kiện thiếu thốn, không đủ điều kiện chăm sóc, sinh hoạt và sợ bị kỳ thị. Hành vi này có thể gây nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng khiến việc kiểm soát dịch bệnh của cơ quan quản lý khó khăn gây hoang mang, lo lắng cho những người tiếp xúc gần. Nếu không may người trốn cách ly mắc bệnh, khó khăn trong việc kiểm soát, gánh nặng y tế rất lớn và trở thành mối nguy cho cả xã hội. Đó là hành vi vô trách nhiệm với cộng đồng”, BS. Vịnh chia sẻ.

Gây ảnh hưởng tới cộng đồng

BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, những người được Bộ Y tế khuyến cáo phải cách ly y tế, theo dõi sức khỏe phòng COVID-19 cần có ý thức khai báo y tế trung thực, thực hiện cách ly nghiêm túc. Đây là biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe của chính mình và trách nhiệm phòng bệnh, trước tiên là cho người thân, gia đình mình, rồi sau đó mới đến cộng đồng. Vì vậy, tự giác, trung thực và nghiêm túc khai báo y tế và thực hiện cách ly của người có nguy cơ nhiễm bệnh, đến từ vùng dịch hay có qua vùng dịch là trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho toàn xã hội.

PGS.TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế “cắm chốt” tại tâm dịch Vĩnh Phúc cho biết, để cắt đứt dịch bệnh, việc cắt đứt nguồn truyền bệnh là vô cùng quan trọng. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh do COVID-19 và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, cách ly là biện pháp duy nhất nhằm tránh phát tán bệnh ra cộng đồng, giảm nỗi lo và các gánh nặng khác cho xã hội. Để làm được điều này, chỉ có biện pháp tối ưu là phát hiện và cách ly - PGS.TS. Dương nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS. Trần Như Dương, việc thực hiện khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ xã Sơn Lôi thời gian qua là quyết định đúng đắn. Mục đích của việc cách ly cả một vùng dịch chính là để khoanh vùng, cô lập vùng dịch, dập dịch triệt để, không để nguồn bệnh có thể thoát ra ngoài. Đây là một quyết định rất kịp thời và rất trách nhiệm với cả nước. Không cách ly sẽ khiến virus lây lan, ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống dịch của toàn xã hội - PGS.TS. Trần Như Dương nhấn mạnh.

"Theo quy định của pháp luật, hành vi trốn tránh các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Cụ thể, Ðiều 10, Nghị định 176/2013/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng."

 

Lâm Viên

Theo: Suckhoedoisong

Tags

Tin liên quan