Trí tuệ nhân tạo - tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

10/12/2020 00:08

707

Công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp rút ngắn quá trình nghiên cứu thuốc mới từ vài năm còn vài tháng, đặc biệt trước nhu cầu cấp bách của đại dịch Covid-19.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thời kỳ đại dịch Covid-19 và sẽ giúp tái định hình ngành y tế trong tương lai, CB Insights cho biết trong báo cáo Xu hướng AI trong chăm sóc sức khỏe (Healthcare AI trends to watch) tháng 11 vừa qua.

Theo đó, nhiều tổ chức đang thích nghi bằng cách tận dụng công nghệ này để giải quyết các thách thức về năng lực, đẩy nhanh việc nghiên cứu thuốc và vắc-xin để chống lại Covid-19 và phát triển nhiều giải pháp y tế từ xa.

Đơn cử trong giai đoạn đại dịch, Nhà Trắng đã hợp tác với Microsoft, viện nghiên cứu AI Allen và nhiều đối tác khác để khai thác 30.000 tài liệu khoa học để hiểu rõ hơn về Covid-19. Các công ty công nghệ lớn như Nvidia và Alibaba tận dụng AI để phát hiện các triệu chứng do Covid-19 gây ra trong các bản chụp CT (chụp cắt lớp vi tính). Các hãng công nghệ sinh học dùng AI để tìm hiểu cấu trúc của vi-rút corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhằm xúc tiến phát triển thuốc.

Các biện pháp giãn cách xã hội cũng buộc các phòng nghiên cứu phải tăng tốc năng lực thực hiện các giải pháp y tế từ xa. Trong khi đó, nhiều trung tâm hỗ trợ sinh hoạt bắt đầu thử nghiệm công nghệ giám sát bằng AI để giảm nguy cơ phơi nhiễm của nhân viên y tế…

Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu thuốc, AI có thể giúp cắt giảm thời gian phát hiện thuốc mới từ vài năm xuống còn vài tháng. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các trường đại học, công ty dược đã dùng AI để tìm hiểu rõ hơn về cấu trúc của vi-rút corona mới, xác định các hợp chất đầy hứa hẹn để điều trị bệnh, tìm các hợp chất đã được FDA chấp thuận khả dĩ có thể tái sử dụng…

Mới đây, cả 3 loại vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer- BioNTech, Moderna và AstraZeneca được công bố đều cho hiệu quả trên 90% dù quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất kéo dài vài tháng. Trong đó, vắc-xin do hãng Pfizer hợp tác phát triển với BioNTech hôm 2.12 vừa được Anh phê duyệt khẩn cấp, trước cả Mỹ và liên minh châu Âu.

Gọi vốn tư nhân trong lĩnh vực ứng dụng AI vào y tế đạt kỷ lục hơn 2 tỉ USD vào quý 3.2020. Nguồn: CB Insight

 

Thông thường một loại vắc-xin phải mất đến 10 năm để đến được tay người dân. Chỉ riêng giai đoạn nghiên cứu mất 2-5 năm. Vắc-xin quai bị từng giữ kỷ lục thời gian phân phối nhanh nhất là trong 4 năm.

CB Insights thống kê các công ty lĩnh vực này đã gọi vốn được hơn 2 tỉ USD trong quý III.2020, lập kỷ lục mới về mức rót vốn hằng quý và phá vỡ kỷ lục cũ ghi nhận hồi quý III.2019 với hơn 1,6 tỉ USD. Kể từ tháng 3 năm nay đã có tổng cộng 11 công ty AI chăm sóc sức khỏe đóng các vòng gọi vốn trị giá trên 100 triệu USD, chủ yếu do sự quan tâm đối với AI trong nghiên cứu và phát triển thuốc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định dù các tiến bộ trong việc xác định các loại thuốc để chống lại đại dịch Covid-19 không trực tiếp nhờ vào AI nhưng mô hình tính toán tiên tiến này ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển thuốc.

Báo cáo này cũng chỉ ra 7 xu hướng AI trong y tế được tăng tốc nhờ Covid-19 và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh, bao gồm sự hiệu quả và đổi mới trong khám phá thuốc sớm; sự nhanh, rẻ và tốt hơn của công nghệ chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT); sự liên kết giữa bệnh viện và đối tác dược phẩm để phát triển AI;

AI sẽ vượt qua các phòng lab ở một số loại xét nghiệm nhất định để tiến đến việc lấy máu và xét nghiệm nhanh tại nhà; AI và các công nghệ kỹ thuật số sẽ là tình trạng “bình thường mới” cho các phòng lab; công nghệ giám sát bằng AI sẽ cất cánh ở khu vực cách ly lẫn chăm sóc tại nhà; bệnh viện sử dụng AI và RPA (Robotic process automation: robot tự động xử lý công việc trên máy tính) để quản lý công việc

Tags

Tin liên quan