Tin tưởng vào thuốc Remdesivir

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

02/05/2020 00:07

575

Hai báo cáo về nghiên cứu sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir trong điều trị bệnh nhân COVID-19 được công bố cùng một ngày nhưng cho kết quả trái ngược nhau.
Thuốc Remdesivir bào chế tại cơ sở của Hãng Gilead ở La Verne, bang California - Ảnh: Reuters

"Mặc dù tỉ lệ chỉ là 30% chứ không phải 100% nhưng đây là một bằng chứng rất quan trọng, đủ để chứng minh loại thuốc này có thể ngăn chặn được virus." - Bác sĩ Anthony Fauci (lãnh đạo Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ)

Hai báo cáo được công bố trong cùng ngày 29-4, trong đó báo cáo của Hãng dược Gilead của Mỹ cho thấy "các kết quả tích cực", còn nghiên cứu của Trung Quốc đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín The Lancet thì ngược lại.

Theo báo The Huffington Post, khá bất thường khi kết quả nghiên cứu về sử dụng cùng một loại thuốc có kết quả khác biệt nhau như vậy. Nhưng nghiên cứu lâm sàng của Gilead thực hiện với đối tác Viện Sức khỏe Mỹ (NIH) được cho là có quy mô hơn, uy tín hơn và được thế giới trông chờ cùng chương trình nghiên cứu Discovery tương tự của châu Âu sắp công bố kết quả.

Mỹ lạc quan

"Các dữ liệu cho thấy thuốc Remdesivir có hiệu quả rõ ràng, tích cực và đáng kể trong việc giảm thời gian điều trị người bệnh COVID-19" - bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn về phòng dịch của tổng thống Mỹ, đã thông tin trong cuộc họp báo hằng ngày tại Nhà Trắng vào chiều 19-4, ngay sau công bố của Hãng dược Gilead. Theo ông, thuốc Remdesivir giờ đây có thể được dùng làm thuốc căn bản để chữa trị các trường hợp bệnh nặng, theo cách tiêm trong 10 ngày.

Nghiên cứu lâm sàng của Mỹ bắt đầu từ ngày 21-2 với 800 bệnh nhân ở Mỹ và một số nước. Tính tổng cộng sau đó, có 1.063 bệnh nhân ở 47 điểm tại Mỹ, 21 điểm tại châu Âu và châu Á đã tham gia nghiên cứu. Một số bệnh nhân được tiêm Remdesivir và một số được tiêm giả dược, nhưng không ai, kể cả y bác sĩ lẫn bệnh nhân được biết người được tiêm giả dược. 

Kết quả công bố ngày 29-4 của NIH cho thấy: so sánh với các bệnh nhân được tiêm giả dược, các bệnh nhân được tiêm Remdesivir đã hết bệnh trong trung bình 11 ngày thay vì 15 ngày. Điều đó có nghĩa thuốc thử nghiệm Remdesivir đã giúp làm tăng được 31% thời gian hồi phục của bệnh nhân COVID-19.

Thực ra tỉ lệ bệnh nhân tử vong trong thử nghiệm này giữa hai nhóm là không khác biệt nhiều. Nhóm được điều trị bằng Remdesivir có tỉ lệ tử vong là 8%, trong khi ở nhóm giả dược là 11% nên chỉ có thể nói thuốc có giúp bệnh nhân sống lại.

Nghiên cứu của Trung Quốc "chưa đầy đủ"

Kết quả nghiên cứu từ Trung Quốc đăng tải trên tạp chí uy tín The Lancet cũng trong ngày 29-4. Nghiên cứu lâm sàng được thực hiện tại 10 bệnh viện nhưng chỉ với 237 bệnh nhân. Kết quả cho thấy các bệnh nhân được điều trị với Remdesivir không khá hơn so với giả dược. Vấn đề quy mô thực hiện cùng với việc hết bệnh nhân ở Vũ Hán khiến kết quả bị nghi ngờ. Bác sĩ Anthony Fauci cũng tuyên bố nghiên cứu của Trung Quốc là "không đầy đủ".

Kết quả nghiên cứu của Mỹ vì thế đang tạo ra nhiều hiệu ứng tốt đẹp. Tại cuộc họp báo về phòng chống dịch ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức lên tiếng ca ngợi kết quả thử nghiệm và yêu cầu Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành cho Remdesivir "càng sớm càng tốt".

Hiện FDA vẫn chưa cấp phép cho bất kỳ loại thuốc nào được sử dụng trong điều trị COVID-19. Tuy nhiên theo Đài CNN, trước sức ép của ông Trump, cơ quan này có thể sẽ ra một giấy phép đặc biệt, cho phép sử dụng rộng rãi Remdesivir vì tình huống khẩn cấp trước khi chính thức cấp phép.

Dĩ nhiên nếu sớm có kết quả nghiên cứu từ châu Âu thì mọi chuyện sẽ sáng rõ hơn. Ngày 22-3, châu Âu khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 mang tên Discovery. Thử nghiệm được thực hiện trên 3.200 bệnh nhân COVID-19 ở bảy quốc gia châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Luxembourg). Thử nghiệm Discovery nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của bốn phương pháp điều trị, trong đó có một dùng thuốc Remdesivir.

Tường Nguyễn - Tuổi trẻ

Tags

Tin liên quan