Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
660
Không chào thầu thuốc nhập khẩu nếu thuốc trong nước đáp ứng yêu cầu
Thông tin về kết quả 10 năm thực hiện CVĐ của ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản liên quan, trong đó có ưu tiên việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc sản xuất trong nước.
Theo bà Tiến, Luật Dược năm 2016 quy định Danh mục không chào thầu thuốc nhập khẩu trên cơ sở nhóm tiêu chí kỹ thuật khi thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Cùng với đó, ưu tiên mua thuốc generic, sinh phẩm tương tự đầu tiên sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam; thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước cũng như thuốc có sử dụng dược chất, tá dược, vỏ nang hoặc bao bì được sản xuất bởi cơ sở trong nước đáp ứng thực hành tốt sản xuất. Đặc biệt, tại Luật Dược quy định không chào thầu dược liệu nhập khẩu thuộc Danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành khi dược liệu được nuôi trồng, thu hái trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị và khả năng cung cấp, giá hợp lý.
Cũng liên quan đến ưu tiên thuốc Việt trong đấu thầu thuốc, bà Tiến cho biết, pháp luật về đấu thầu cũng đã có quy định rất rõ về vấn đề này. Đối với thuốc sản xuất trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu về điều trị và khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu không được chào thầu thuốc nhập khẩu.
Cùng với đó, các thông tư liên quan về đấu thầu thuốc như: Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC; Thông tư 36/2013/TTLT-BYT-BTC… quy định một nhóm thầu riêng cho các thuốc trong nước sản xuất trên dây chuyền đạt WHO -GMP đối với thuốc generic và thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Thuốc sản xuất trong nước nếu được sản xuất trên dây chuyền đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của nhóm thuốc nào thì được tham dự nhóm đó…
Tỷ lệ dùng thuốc Việt đang tăng lên
Bằng những cơ chế chính sách khuyến khích nêu trên, theo bà Tiến, hiện giá trị và số lượng thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tăng dần.
Số liệu của Bộ Y tế ghi nhận, giá trị sử dụng thuốc nội của các bệnh viện tuyến trung ương tăng đều qua các năm. Ngoài một số bệnh viện đầu ngành tuyến cuối có tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước thấp do điều kiện đặc thù là sử dụng thuốc cấp cứu, thuốc chuyên khoa, thuốc dùng trong các phương pháp kỹ thuật điều trị cao thì nhiều bệnh viện có tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao. Điển hình như: Bệnh viện 71 Trung ương Thanh Hóa với 52,8%; Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 với 42,79%; Bệnh viện C Đà Nẵng với 42%..., vượt mục tiêu đề ra đến cuối năm 2020 của bệnh viện tuyến trung ương là 22%.
Tại các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh nói chung thì tỷ lệ sử dụng thuốc nội tăng từ 46,62% năm 2013 lên 63,53% năm 2018. Một số tỉnh có tỷ lệ thuốc trong nước sử dụng trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cao như: Phú Yên (87%); Quảng Bình (76,9%); Tuyên Quang (76,4%); Kon Tum (76,3%)...
Hiện cả nước đã có 652 sản phẩm thuốc trong nước có tài liệu chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh. Nhiều sản phẩm thuốc Việt được xuất khẩu ra khu vực và các nước châu Âu như Nga, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…
Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, trong nửa đầu năm 2019, nhiều nhà thầu trong nước đã liên tục trúng thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện như: Công ty CP Traphaco; Công ty TNHH MTV Dược liệu Trung ương 2; Công ty CP Dược phẩm Vinacare; Công ty TNHH Phát triển công nghệ hoá sinh và các sản phẩm tự nhiên…
Việt Anh
(Trích nguồn: báo Đấu thầu)
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec