Thực phẩm chức năng: Uống thì tốt, không uống thì... tốt hơn nữa!

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

12/04/2019 00:08

810

Cái chi mà lạ lùng vậy? Xin thưa, đó là thực phẩm chức năng. Để rõ ngọn nguồn sự việc lạ đời này, mời bạn đọc theo dõi câu chuyện vui dưới đây.

Việt kiều đầu tiên của Việt Nam, ông Mai An Tiêm, từ khi trở về nước trở nên rất nổi tiếng với sản phẩm dưa hấu nhà trồng, không sử dụng hóa chất. Đặc biệt, các quý ông vô cùng yêu thích sản phẩm này, được xem như một loại Viagra tự nhiên vì chứa nhiều L-citrulline.

Tuy nhiên, dưa hấu có hạn dùng ngắn, cộng thêm thời đó vận chuyển bằng xe bò, xe ngựa nên các shipper không nhận vận chuyển các đơn hàng xa. Mặt khác, dưa hấu còn có một nhược điểm: để có được tác dụng cương dương, cần ăn mỗi ngày ít nhất một trái dưa hấu 2-3kg trong vài tuần liên tục. Mai An Tiêm nhận được phản hồi từ thị trường: "Cứng thì có cứng nhưng chẳng còn hứng!", thế là ông quyết định thuê chuyên gia vào cuộc. Từ đó, thực phẩm chức năng chứa tinh chất L-citrulline ra đời.

Sau khi tung sản phẩm mới, ông lại được một phen hốt bạc, cổ phiếu công ty tăng vùn vụt. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, doanh số giảm đột ngột, hàng loạt khách hàng tẩy chay sản phẩm. Họ bảo nhau: "Lưu ý: sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng con khỉ gì cả!".

Lý do, theo các chuyên gia, sản phẩm trên có chứa L-citrulline, những ai đang thiếu hụt chất này khi được bổ sung sẽ thấy hiệu quả, còn những ai đã có đủ thì bổ sung thêm cũng chẳng ích gì!

Không hài lòng với câu trả lời của các chuyên gia đầu ngành, Mai An Tiêm chuyển sang tìm hiểu các chuyên gia đầu... đường! Ông tìm đến bà phù thủy chuyên về chất cấm nổi tiếng ở chợ Kim Biên. Tại đây, ông được chào các loại nguyên liệu "tuyệt diệu" cho mục đích tăng cường khả năng nam giới gồm sildenafil, tadalafil, vardenafil. Đây là nhóm thuốc tân dược dùng điều trị bệnh rối loạn cương dương, nhưng chúng đều là thuốc kê toa, nghĩa là phải có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ khi sử dụng. Các sản phẩm thực phẩm chức năng khi được trộn các chất này bảo đảm sẽ hiệu quả hơn, uống vào là "up". Tuy nhiên, chúng gây nguy hiểm cho người dùng, đặc biệt cho nhóm bệnh nhân tim mạch đang uống thuốc giãn mạch gốc nitrat như nitroglycerin, isosorbide... 

Thực phẩm chức năng: Uống thì tốt, không uống thì... tốt hơn nữa! - Ảnh 1.

Bà cũng có "hàng độc" như sibutramine, phenolphthalein để pha vào các sản phẩm giảm cân. Sibutramine là một thuốc giảm cân nhưng đã bị cấm ở nhiều nước vì liên quan đến các bệnh tim mạch và đột quỵ. Còn phenolphtalein đã bị cấm vì gây ung thư, có tác dụng nhuận trường, làm cơ thể mất nước, do đó làm giảm vài ký ngay lập tức. Điều này làm các chị em rất thích, họ không cần tập thể dục hay ăn kiêng gì cả! Họ có thể vừa ngồi toilet vừa lướt Facebook để khoe thành tích giảm cân. Nhưng họ đâu biết nguy hiểm đang chực chờ...

Bà phù thủy cũng khoe bà có các chất để thêm vào các loại thực phẩm chức năng để tăng cân cho trẻ em. Nhóm corticoid như prednisolone, dexamethasone là các thuốc kháng viêm có cấu trúc giống như hormone người, khi uống vào sẽ có tác dụng phụ là tăng cảm giác thèm ăn, thèm ngủ, tăng trữ nước làm cơ thể tăng 2-4kg/tháng. Đây là một trong các thuốc có nhiều tác dụng phụ nhất, như gây giòn xương, suy tuyến thượng thận, loét dạ dày, người mọc đầy lông lá... nên bác sĩ rất cân nhắc khi sử dụng, trừ trường hợp bệnh nặng. Hay cyproheptadine là một thuốc chống dị ứng, người ta lợi dụng tác dụng phụ của nó để làm "thần dược trị biếng ăn". Điều này rất nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ em vì tác động lên thần kinh trung ương non nớt của trẻ.

Sau khi nghe bà phù thủy giới thiệu, Mai An Tiêm chán nản đứng dậy, trước khi bỏ về ông nói: "Người ta tìm đến thực phẩm chức năng để bổ sung các chất cơ thể đang thiếu hay do chế độ dinh dưỡng không cung cấp được, yếu tố quan trọng nhất phải là an toàn. Còn khi có bệnh phải đến bác sĩ khám và kê toa, chứ không phải tìm đến thực phẩm chức năng. Tôi không lợi dụng tâm lý đó của người Việt để trục lợi kiếm tiền. Tiền nhiều để làm gì?".

Thực phẩm chức năng chỉ có chức năng hỗ trợ, nhưng hoàn toàn không đảm bảo sẽ chữa khỏi bất cứ bệnh gì cả; uống thì tốt, còn không uống nhiều khi còn... tốt hơn nữa, ít ra là đỡ tốn tiền!

DS Lê Minh Hoàng

Tags

Tin liên quan