THỬ VIỆC THÀNH CÔNG – DỄ MÀ KHÓ.

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

18/06/2020 00:02

953

Là một người học Hóa, sau đó được may mắn tuyển dụng vào ngành Dược nhờ là hậu duệ. Gặp nhiều vấp váp, suýt bị đuổi việc và buộc phải chuyển công việc, tuy nhiên nhờ nỗ lực cá nhân bạn đã thành công với công việc hiện tại. Rất nhiều bạn đã không được may mắn như vậy, họ bị buộc thôi việc, tìm việc mới ở công ty khác với mức lương rất thấp, không đủ sống, rồi lại nhảy việc….Bài viết sẽ cung cấp cho các bạn một góc nhìn về công việc của QC, QA trong ngành Dược. 


Tôi- 5 năm trước, sinh viên mới ra trường, vấn đề tìm kiếm được một công việc đối với tôi khi đó không hề khó- vì “có bố mẹ làm chỗ dựa” + háo hức muốn trải nghiệm. Do đó, khi anh tôi – hiện tại đang giữ cương vị Giám đốc công ty tôi đang làm việc, về nhà và nói em có muốn làm chỗ anh không thì tôi đã gật đầu tắp lự (mặc dù bố tôi không hề muốn, vì bố tôi nói làm trái nghề khó thăng tiến và thành công được). Tuy nhiên, lao vào dòng đời thì không hề màu hồng như tôi vẫn nghĩ.
Quá trình phỏng vấn, vô cùng thuận lợi, vốn tính tự tin cộng với vài đợt kinh nghiệm ngồi lê lết bán hoa quả ngoài chợ nên tôi được đánh giá cũng không tồi (tất nhiên là khoản chém gió thôi, chứ còn chuyên ngành thì sao so được các anh chị trường Dược). Tuy nhiên, bắt đầu từ đây, công việc không hề dễ dàng.

Tôi được sắp xếp vào làm Cán bộ kiểm tra-bộ phận QC(Quality control)- đây là bộ phận có lẽ là liên quan nhiều nhất tới chuyên ngành Hóa tôi được học, tuy nhiên so với tổng thể thì tôi hoàn toàn “trái ngành”. Công việc đến với tôi là hoàn toàn tự mình học hỏi, vì môi trường công nghiệp, sẽ không có thời gian để ai chỉ bảo cho bạn như thời còn là sinh viên được và tất nhiên người khác sẽ giữ lại bí kíp phòng thân chứ. Có quá nhiều thứ ngỡ ngàng, ngành Dược- nó không chỉ đơn giản là bạn cho chất này với chất này thì nó ra cái gì, mà cây này hoạt chất là gì, tính chất gì, chiết tách ra sao? Ngành này cần các tiêu chuẩn gì?…. Tôi không hề biết trước đó. Ngoài ra, vào dòng đời rồi, không còn được bao bọc nữa, tức là bạn phải tự mình bươn trải, xông vào gai góc, làm gì, nói gì đều phải để ý tới “cái nhíu mày” của người khác. Vấn đề này thực sự rất khó đối với cái tính thẳng thắn của tôi.
Làm gì, nói gì đều phải để ý tới “cái nhíu mày” của người khác
Công việc khi đó rất nhiều, tôi cũng phải lao vào làm như bao người, cũng không hề được chỉ dẫn điều gì cả, cũng không hề có thời gian để học hỏi hay đọc các tài liệu liên quan, nếu có thì cũng rất sơ lược. Nhưng, tôi vẫn làm. Bất kỳ nguyên liệu mới, thiết bị mới, tiêu chuẩn mới tôi đều làm thử đầu tiên. Tôi sẵn sàng ra về muộn, sẵn sàng làm thêm giờ “nhưng không cần tính lương”. Tôi luôn đánh giá nhân viên của mình theo đúng những gì họ làm được, không hề dựa theo phương diện tình cảm, tôi chấm điểm cho họ theo công việc họ làm trong ngày, thưởng phạt trên điểm, đó cũng là tiền đề của KPI sau này. Tôi nghĩ mình đã làm công việc của mình hoàn toàn bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.


-----
Tôi sẵn sàng ra về muộn, sẵn sàng làm thêm giờ “nhưng không cần tính lương”
Nhưng cái sẵn sàng đó, nhiệt huyết đó lại nhận được vô cùng nhiều các phản hồi tiêu cực từ đồng nghiệp, lẫn trưởng phòng. Có lẽ, đó là không hợp tính? Khi bạn càng cố gắng nỗ lực, người khác không công nhận, vì trong tiềm thức của họ luôn cho rằng “nếu không có giám đốc thì bằng của nó còn lâu vào được đây/ nó không làm được việc/ nó chẳng biết cái gì/ nó chẳng giúp đỡ được gì cả/ Nó cố tình kéo dài thời gian làm để kiếm giờ làm thêm…” thì bạn sẽ không hề thấy đi làm là thú vị nữa mà là áp lực tinh thần, là mệt mỏi. Có lẽ tất cả các mặc cảm đó đã thui chột đi cái tinh thần sẵn sàng của tôi, mà thay vào đó là dè chừng, là nếu có yêu cầu thì tôi sẽ làm, là không bao giờ ở lại quá 16:30…. Tôi đã sống thu mình lại, không muốn giao tiếp với mọi người. Khi đó, anh tôi cũng gặp áp lực nhiều, vì trưởng phòng tôi đề nghị bổ sung thêm CBKT cho phòng hoặc điều chuyển tôi sang bộ phận khác. Tôi cũng thường xuyên “được uống nước chè” rất nhiều lần với anh tôi về công việc tôi đang làm, về các phản hồi của phòng. Nhưng, tôi thực sự không biết bắt đầu từ đâu? Nỗ lực có, nhưng định hướng không hề có? Nếu muốn làm giỏi một việc thì bạn không nên ôm đồm quá nhiều việc. Bạn không thể vừa làm các công việc đúng như 1 nhân viên QC không thể làm công việc, thời gian của 1 quản lý? => Tôi, đúng là không biết mình đang ở ranh giới nào. Do đó, tôi đã quyết định nhận lời anh, chuyển xuống phòng QA(quality assurance), tất nhiên thì tiếng thơm cũng không tốt đẹp gì, vì nhân viên hiện tại của tôi đã từng kể là hồi biết được thông báo tôi được điều chuyển xuống thì lo lắng vì nghe bảo tôi không làm được việc mới điều chuyển xuống.

Nhưng cái sẵn sàng đó, nhiệt huyết đó lại nhận được vô cùng nhiều các phản hồi tiêu cực từ đồng nghiệp, lẫn trưởng phòng
Lại bắt đầu với một công việc hoàn toàn mới. Tôi được giao cương vị là cán bộ kiểm tra xưởng. Lại bắt đầu học hỏi từ đầu. Nhưng tôi cảm thấy tôi phù hợp với vai trò và trách nhiệm này. Tôi được định hướng ngay từ đầu. Có lẽ vì trưởng phòng tôi là một người rất ưu tiên đào tạo con người. Bạn không thể chiến đấu như một con hổ nếu bạn được rèn luyện như một con lợn! Bạn sẽ chẳng thể có được một nhân viên giỏi nếu bạn không thực hiện đào tạo anh ta. Bạn mong muốn làm giỏi thì trước hết bạn phải biết nó hoạt động như thế nào đã. Đó là điều tôi học được. Tôi luôn được uốn nắn và được hỗ trợ từ mỗi nhân viên trong phòng, từ trưởng phòng đến các nhân viên khác. Khi cần sẽ có người hỗ trợ. Tôi đã học được “là một tập thể đoàn kết vững mạnh còn hơn là một vài cá thể giỏi”. Bạn muốn công việc được thuận lợi => team của bạn phải đoàn kết, team của bạn phải được có thời gian học tập, đào tạo. Tôi tự vạch ra những ưu nhược điểm, và tìm cách phát triển hay triệt tiêu những tồn tại. Thay vì dành 30 phút lướt face thì thử dành 10 phút đọc sách => cuộc sống sẽ hoàn toàn khác. Làm việc có mục tiêu sẽ cải thiện năng suất làm việc và tránh thời gian lãng phí. Và ít ra, đối với tôi của hiện tại, mỗi lần tôi vấp ngã là tôi sẽ tìm cách để tránh vấp ngã lần nữa và bước tiếp, chứ không giật lùi lại.
----------
 


Bạn muốn công việc được thuận lợi => team của bạn phải đoàn kết, team của bạn phải được có thời gian học tập, đào tạo
Nếu như bạn đang chuẩn bị lao vào cuộc đời như tôi, thì hãy dừng một chút và suy nghĩ, định hướng những gì bạn cần!
Hãy ghi nhớ rằng cuộc đời không lúc nào là màu hồng cả. Tuy nhiên nếu bạn nhìn nó là màu đen thì nó là màu đen, đơn giản là cách bạn nhận thức vấn đề.
Chuẩn bị tinh thần, sức lực, đạn pháo, lương thực… trước khi vào cuộc chiến, ít ra bạn đã có 70% chiến thắng rồi.
Đặt ra các mục tiêu, và để đạt được mục tiêu => cần làm nhiều hơn những gì bạn nghĩ, vận dụng tối đa tất cả những mối quan hệ để đạt được kết quả cũng là cả một nghệ thuật.
Và hơn hết, đối với mọi người “nụ cười + mặt dày” sẽ khiến bạn chiều lòng được tất cả. (Đó là điều hiện tại tôi vẫn đang học và vẫn chưa đạt được cảnh giới này)

Nguồn: Hướng nghiệp - Chia sẽ - Lập nghiệp

Tags

Tin liên quan