Thiếu hụt nguồn cung, HAGL sẽ thắng lớn với kế hoạch trồng 5.000 ha dược liệu?

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

14/08/2018 00:07

688

Nếu kế hoạch 5.000 ha dược liệu của bầu Đức đi vào thực tế sẽ giải quyết rất nhiều cho bài toán nan giải hiện nay của ngành dược, trước hết là chủ động nguồn cung trong nước, tránh được rủi ro về biến động tỷ giá.

Một điểm đáng chú ý trong lộ trình phát triển sau khi được Thaco rót vốn, HAGL Agrico (HNG) sẽ đầu tư trồng 5.000 ha cây dược liệu phục vụ chiết xuất và chế biến nguyên liệu cung ứng cho các công ty dược liệu, sản xuất các loại thực phẩm chức năng và thức uống.

Đây có lẽ là điểm sáng cho ngành dược nói chung khi hiện 90% nguồn nguyên vật liệu phải nhập khẩu từ bên ngoài, dẫn đến doanh nghiệp dược Việt Nam hiện chịu rất nhiều tổn thương từ nhà cung cấp, từ biến động tỷ giá và thậm chí là sự bất thường của giá dầu thế giới thời gian gần đây.

Như vậy, nếu kế hoạch 5.000 ha của bầu Đức đi vào thực tế, sẽ giải quyết rất nhiều cho bài toán nan giải hiện nay của ngành dược, trước hết là chủ động nguồn cung trong nước, tránh được rủi ro về biến động tỷ giá. Chưa kể, hiện doanh nghiệp dược sản xuất thuốc cấp thấp phụ thuộc lớn vào nhà cung cấp Trung Quốc (bên cạnh còn có Ấn Độ), trong bối cảnh chính phủ sở tại siết chặt nguồn cung nhằm thực hiện chiến dịch bảo vệ môi trường khiến biên lợi nhuận nhóm dược đang có sự sụt giảm mạnh.

90% nguyên vật liệu phải nhập khẩu, ngành dược đang mỏng manh trước biến động!

Hạ hồi phân giải về ưu tư ngành dược, đầu tiên chúng ta cùng điểm lại kết quả kinh doanh – có thể nói là dẹo dặt – nửa đầu năm nay khi biên lợi nhuận nhóm sản xuất giảm trung bình hơn 8%.

Chi tiết, có đến 90% số đơn vị niêm yết tham gia sản xuất dược phẩm ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm mạnh. Trong đó, đứng đầu đà giảm là Dược Cửu Long (DCL) giảm hơn 19%, từ mức biên 33% quý 2/2017 về chỉ còn 26%. Tiếp đến là Traphaco (TRA) ghi nhận giảm 12% về mức biên lãi gộp 51%, tương đương có Domesco (DMC) cũng giảm gần 12% biên lãi, ngoài ra ghi nhận giảm còn có Pymepharco (PME), Dược Hậu Giang (DHG), Dược phẩm OPC (OPC) giảm biên với tỷ lệ điều chỉnh trung bình lên đến 5%.

Đi tìm nguyên nhân cho đà giảm, nhìn trên những con số có thể thấy do chi phí giá vốn tăng gây tác động mạnh đến lợi nhuận. Hiện, ngoại trừ Traphaco với thế mạnh về Đông dược và có vùng nguyên liệu chủ động được 80% nguyên vật liệu đầu vào, hầu hết đơn vị còn lại đều bị giá vốn "ngốn" từ 50-60% tổng doanh thu thuần mang về.

Theo ghi nhận tại một số đơn vị niêm yết, Domesco từng chia sẻ trong báo cáo thường niên 2017 rủi ro của doanh nghiệp là nguyên liệu cho sản xuất dược phẩm hầu hết phải nhập khẩu, nhất là nhập từ Trung Quốc. Nhưng nay, với lý do bảo vệ môi trường, Trung Quốc siết lại hoạt động của các nhà máy nguyên liệu dược và chất trung gian. 

Động thái này khiến cho giá cả nguyên liệu đầu vào của ngành dược phẩm nhập từ Trung Quốc tăng đột biến, ảnh hưởng đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nửa đầu năm 2018, giá vốn hàng bán của Domesco chiếm đến 62,4% doanh thu thuần, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 59%!

Mặc dù không chi tiết hóa nguồn nguyên vật liệu, tuy nhiên nhiều báo cáo ngành đều thể hiện hầu hết các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tính đến nay phải nhập khẩu những 90% nguyên vật liệu từ nước ngoài. Trong đó, đối với sản phẩm generic cấp thấp, nguồn nguyên vật liệu chủ yếu đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, còn sản phẩm cao cấp sẽ được cung cấp từ châu Âu. Như vậy, với việc sản phẩm chủ lực vẫn còn ở phân khúc cấp thấp, chúng ta có thể giả định được nguồn nguyên vật liệu hiện nay tại Việt Nam đang bị phụ thuộc mạnh vào Trung Quốc.

Giả định này cũng phần nào phù hợp với thực tế ghi nhận, việc siết chặt từ chính phủ Trung Quốc khiến giá đầu vào tăng, chi phí giá vốn theo đó tăng mạnh, kéo biên lợi nhuận gộp các đơn vị sản xuất từ lớn đến bé đều giảm mạnh.

Nỗi ám ảnh từ biến động tỷ giá và giá dầu!

Bên cạnh rủi ro từ nhà cung cấp đầu vào, hai rủi ro mà doanh nghiệp dược phẩm phải đối mặt nửa đầu năm nay chính là sự biến động thất thường của tỷ giá cùng giá dầu thế giới.

Thật vậy, chưa bao giờ nền kinh tế quốc tế bất ổn như hiện nay, giá dầu nhảy múa khi xuất hiện tranh chấp quyền bán dầu lửa ở Libya hay động thái thắt chặt nguồn cung… Đặc biệt, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc lên cao, FED đẩy mạnh lộ trình tăng lãi suất khiến vĩ mô trong nước chịu ảnh hưởng mạnh, tỷ giá trở thành một vấn đề nóng bỏng mấy tháng nay.

Và trong những biến động đó, ngành dược trở nên mỏng manh, những nỗi lo không nghĩ đến trở thành hiện thực. Tỷ giá đẩy chi phí giá vốn tăng đáng kể, giá dầu, năng lượng cho quá trình sản xuất cũng bị đẩy lên cao, khi chi phí nguyên vật liệu chiếm hơn phân nửa nguồn thu.

Nếu những năm 2016-2017 với sự thông thoáng về Luật dược cũng những triển vọng chung toàn ngành, trong đó đẩy mạnh kênh OTC (bán lẻ dược phẩm, khác với ETC là đấu thầu qua kênh bệnh viện) khiến nhiều đại gia đua nhau nhảy vào, đưa nhóm dược trở nên hấp dẫn nhà đầu tư. Thì đến nay, sau khoảng 2 năm với nhiều kỳ vọng, gần như những triển vọng ban đầu đều chưa có được "hình hài" cụ thể, dược theo đó có thể được xem như một chiến lược dài hạn trong danh mục song không quá nổi bật tính đến hiện nay.

Điểm sáng từ 5.000 ha dược liệu của bầu Đức

Theo lộ trình, các doanh nghiệp đang nỗ lực đầu tư Nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP, PIC/S-GMP hướng đến phân khúc cao cấp, nơi mà chúng ta không còn phụ thuộc quá nhiều vào "hàng xóm" Trung Quốc. Song song với đó, nhiều đơn vị tập trung vào việc tự phát triển nguồn nguyên liệu, kể tên có Dược Hậu Giang, Traphaco cũng tiếp tục đẩy mạnh lợi thế hiện có…

Đó là câu chuyện của nội bộ doanh nghiệp trong ngành, còn ngoại lực nếu có được nguồn cung cấp nguyên vật liệu trong nước có lẽ sẽ là phép toán tối ưu nhất – điển hình là kế hoạch vừa công bố của HAGL, đầu tư hẳn 5.000 ha trồng dược liệu.

Lý tưởng hóa, doanh nghiệp có thể chú tâm sản xuất nhóm dược phẩm cấp cao, đẩy mạnh kênh nhiều tiềm năng là OTC, chiều còn lại những rủi ro từ việc nhập khẩu nguyên vật liệu được giải quyết. Như vậy, bài toán tài chính sẽ được cân đối không phải phân bổ nhiều bên, mỗi bên sẽ chuyên môn hóa công việc của mình.

Về phía HAGL, nếu 5.000 ha dược liệu đi vào thu hoạch, đầu ra có thể nói là đảm bảo, trong dự báo thị trường tiếp tục biến động, nhu cầu nguyên vật liệu trong nước của nhóm dược theo đó ngày càng lên cao.

Đó là chuyện tương lai, hiện trên sàn, nửa đầu năm nay kinh doanh èo uột, cổ phiếu dược theo đó cũng mất thanh khoản. Thị giá hầu hết các đơn vị niêm yết đang lao dốc mạnh.

theo tri thức trẻ 

Tags

Tin liên quan