Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
745
Sau khi Thế giới di động đầu tư, Phúc An Khang đã tiến hành sửa sang cửa hàng và đổi tên thành An Khang từ đầu năm 2018.
Thế Giới Di Động cũng ghi nhận kết quả kinh doanh của đơn vị quản lý chuỗi nhà thuốc An Khang vào báo cáo tài chính bán niên. Phần lỗ từ việc sở hữu 49% công ty bán lẻ dược phẩm này hơn 730 triệu đồng và giá trị đầu tư còn lại khoảng 61 tỷ đồng. Số liệu tài chính thể hiện trên báo cáo chênh lệch khá lớn so với tuyên bố của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT tại phiên họp thường niên trước đó vài tháng.
Khi đó, ông Tài cho biết sẽ dành khoảng 500 tỷ đồng để mua tối thiểu 20% cổ phần chuỗi bán lẻ dược phẩm và tiếp tục nâng dần tỷ lệ sở hữu để nắm quyền chi phối. Điều này giúp rút ngắn quá trình phát triển mô hình kinh doanh dược phẩm thay vì mất 2-3 năm tìm hiểu. Công ty cũng thông báo tuyển dụng dược sĩ phụ trách chuyên môn tại TP HCM với các yêu cầu như quan hệ tốt với Sở Y tế, chuyên gia đầu ngành... nhằm hỗ trợ thẩm định hồ sơ kinh doanh ngành dược và tư vấn chuyên môn cho các cửa hàng.
Tuy nhiên, sau giai đoạn bứt phá ban đầu, Thế Giới Di Động chủ động giảm nhịp độ rót vốn vào dược phẩm để tập trung cho ngành hàng bán lẻ thực phẩm.
Chia sẻ với báo giới hồi giữa năm 2019, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, hiện tại An Khang chưa phải là ưu tiên lớn nhất của Thế Giới Di Động. Thay vào đó, công ty dồn “binh tài tướng mạnh” cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh. “Chúng tôi không muốn ôm đồm, nếu đổ dồn đầu tư vào An Khang sẽ làm suy yếu Bách Hóa Xanh. Giữa thị trường vài tỉ đô và 50 tỉ đô, quá dễ dàng để đưa ra lựa chọn ưu tiên.”
Đối với chủ tịch Thế Giới Di Động, thị trường bán lẻ dược phẩm chịu sự điều chỉnh pháp luật quá nhiều, trong khi thực tế việc kinh doanh dược phẩm không kê toa còn nhiều bất cập. “Để chiều lòng khách hàng, nhiều hiệu thuốc vẫn bán thuốc kháng sinh tự do; hay những cửa hàng thuộc chuỗi dược phẩm nhưng vẫn phải đăng ký kinh doanh hộ cá thể, hoặc đăng ký riêng lẻ từng cửa hàng… Cuộc chơi trong ngành này vẫn còn ‘lung bung’ lắm,” ông Tài viện dẫn.
Mới đây, ông Tài nhắc lại câu chuyện đầu tư vào dược phẩm có nhiều rủi ro pháp lý nên không sẵn sàng lao vào. Ông đánh giá quy định về kinh doanh nhà thuốc còn mập mờ, điển hình như giấy đăng ký kinh doanh cửa hàng dược phẩm đều do cá nhân, dược sĩ đứng tên chứ không phải công ty sở hữu.
"Chúng tôi mua An Khang không vì mục đích mua đi bán lại như tổ chức tài chính. Đây là lĩnh vực rất thú vị", ông nói và nhấn mạnh sẽ trở lại khi quy định kinh doanh ngành này rõ ràng, phù hợp các nguyên tắc quản trị của doanh nghiệp.
Tuy nhiên ông Tài vẫn cho rằng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là thị trường "khủng". Vì thế, chiến lược hiện tại của Thế Giới Di Động là “giữ một chân” trong ngành này để chờ cơ hội liên doanh, liên kết, nhất là sẽ chú trọng mở rộng sang mảng thực phẩm chức năng, vitamin… "Đây mới là thị trường ‘khủng’. Khi người dân ý thức chú trọng sức khỏe cao hơn, thị trường này sẽ bùng nổ. Khi đó, chúng tôi sẽ vào cuộc, và vào cuộc rất nhanh.” ông khẳng định.
Ban lãnh đạo công ty cho hay kế hoạch bành trướng chuỗi nhà thuốc bị "treo" để đánh giá rủi ro. Công ty vẫn là cổ đông lớn và đứng phía sau hỗ trợ chuỗi nhà thuốc. Thông tin về An Khang được đề cập thưa thớt dần trong các buổi trao đổi với nhà đầu tư.
Một lý do khác khiến MWG không vội vã đầu tư ngành dược bởi quy mô bán lẻ vẫn nhỏ, bằng khoảng một nửa so với ngành động.
Thông tin từ website chuỗi nhà thuốc, Thế Giới Di Động vẫn duy trì 20 cửa hàng tại TP HCM với lưu lượng khách khoảng 4.000 lượt mỗi ngày.
Trong lúc Thế Giới Di Động tìm lời giải cho bài toán phát triển chuỗi, FPT Retail đã tranh thủ nới rộng khoảng cách.
Thời gian đầu, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail từng tiết lộ đây là ngành hàng "có quy mô thị trường khoảng 5 tỷ USD và chưa xác định được đối thủ dẫn đầu rõ rệt". Thậm chí, việc M&A một số cửa hàng, vận hành thử nghiệm này mới là "bằng tiền cá nhân" và bà cam kết không ảnh hưởng đến hoạt động chủ lực của công ty. Nhưng một năm sau, khi quá trình này ổn định, FPT Retail đã thành lập một công ty để quản lý chuỗi nhà thuốc với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và nắm giữ 75% cổ phần.
"Nếu bước dò dẫm vào ngành hàng mang tính đặc thù, chúng tôi có khả năng thiệt hại lớn. Do đó, việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu (TP HCM) vào cuối năm ngoái giúp công ty hạn chế tối đa rủi ro", bà Điệp chia sẻ vài tháng sau đó.
Thời điểm đó, chuỗi nhà thuốc này đã có 26 cửa hàng với doanh thu bình quân hàng tháng khoảng 2 tỷ đồng mỗi cửa hàng.
Người đứng đầu FPT Retail khẳng định đây là ngành hàng tiềm năng bởi quy mô thị trường tương đương ngành hàng điện thoại nhưng lại không phụ thuộc vào tình hình kinh tế nên tốc độ tăng trưởng luôn đảm bảo hai chữ số và chi tiêu của người Việt Nam cho dược phẩm vẫn còn thấp.
Công ty tuyên bố "tìm ra công thức thành công" khi đã có 100 cửa hàng tại 30 tỉnh, thành phố tính đến giữa tháng này. Mỗi cửa hàng đều bán thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng và dược phẩm mỹ phẩm. Dự kiến đến cuối năm, số lượng cửa hàng tăng lên khoảng 200-220 và chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 2-3 năm tới, tương đương đóng góp 5.000 tỷ đồng doanh thu.
Kế hoạch này cho thấy tham vọng lớn của FPT Retail trong hành trình tìm trợ lực thay thế ngành hàng điện thoại và laptop, bởi doanh thu mảng dược phẩm năm ngoái mới đạt 10% của 5.000 tỷ và lỗ trước thuế lên đến 40 tỷ đồng.
Ba tháng đầu năm, công ty thu thêm 240 tỷ đồng nhưng không bóc tách lợi nhuận. Nhiều khả năng mảng này tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn bởi ngoài tốn khoảng 1,6-2 tỷ đồng ban đầu cho mỗi cửa hàng thì công ty còn đặt mục tiêu kiểm soát hệ thống bán lẻ điện tử, xây dựng mảng hậu cần và phát triển nhân sự trình độ chuyên môn cao.
Một "đối thủ" nữa của Thế giới di động là Pharmacity. Xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ năm 2011, chuỗi nhà thuốc bán lẻ dược phẩm thuộc sở hữu của CTCP Dược phẩm Pharmacity (Pharmacity).
Giữa năm 2019, quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III)thuộc Mekong Capital đã công bố việc rót vốn vào chuỗi nhà thuốc. Đầu tháng 2/2020, nhà bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam công bố vừa gọi vốn thành công 31,8 triệu USD (khoảng 730 tỷ đồng) - khoản đầu tiên của vòng Series C.
Hệ thống phân phối của chuỗi này mở rộng nhanh trong năm 2019 vừa qua. Từ 150 cửa hàng vào cuối năm 2018, Pharmacity đến nay đã có 326 cửa hàng ở nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, tham vọng của chuỗi bán lẻ dược phẩm này còn lớn hơn với mục tiêu mở mới 350 cửa hàng trong năm 2020 và đạt con số 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021. Bên cạnh hệ thống cửa hàng, giao dịch trực tuyến cũng là điểm mạnh của chuỗi này. Người mua hàng hiện đã có thể đặt hàng qua điện thoại/ website và được giao tận nơi dù hiện mới áp dụng tại TP. HCM.
Khi vốn chủ sở hữu của công ty đã hụt đi đáng kể vì thua lỗ, nguồn vốn mới huy động hồi đầu năm 2020 sẽ tiếp lực cho Pharmacity thực hiện mục tiêu mở rộng thị phần. Trong khi miếng bánh thị trường còn phân mảnh, chiến lược mở rộng hệ thống nhanh của chuỗi sẽ giúp thương hiệu Pharmacity sớm được định vị.
Theo SSI
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec