Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
1019
Trong kinh doanh, những mặt hàng thiết yếu liên quan đến sinh mạng thường được bán rất chạy. Bệnh nhân là những người tiêu dùng sẵn sàng dốc hết tài sản để có thể sống khỏe mạnh, trong khi mọi người đều sẵn sàng chi tiền để phòng chống những loại bệnh hiểm nghèo.
Trên thực tế từ thập niên 1900, chuyên gia tâm lý học Sigmund Freud đã cho rằng hầu hết các quyết định của người tiêu dùng là thiếu lý trí và vô thức. Sự bất an của những khách hàng sẽ khiến họ làm quá mọi việc và chi tiêu vượt mức cần thiết.
Chính Freud là chuyên gia cho rằng thật sự thì con người chả khác động vật là bao và rất dễ dàng bị chi phối, đặc biệt là khi bị hùa theo đám đông. Nếu các doanh nghiệp có thể đánh vào sự bất an của khách hàng, len lỏi vào nơi sâu thẳm nhất của sự sợ hãi thì họ có thể bán được bất kỳ thứ gì cho mọi người.
Trong tất cả những lớp dạy marketing ngày nay, mọi người bán hàng đều được dạy rằng hãy đánh vào tử huyệt của khách hàng để rồi thổi phồng chúng, làm chúng trở nên đáng sợ hơn. Sau đó, các giáo viên marketing khuyên học viên rằng hãy quay ra bảo với khách hàng là họ có thể trở nên tốt hơn nếu sử dụng sản phẩm.
Đánh vào tâm lý sợ hãi và sự thiếu hiểu biết này, một bộ phận rất lớn các công ty dược phẩm đã tận dụng quảng cáo bán sản phẩm thành công cho những người chưa, đã và đang mắc bệnh. Một trong số đó phải kể đến thị trường Vitamin D, một loại thuốc được sử dụng rộng rãi ngày nay như một khoáng chất "tất yếu" cần thiết cho cơ thể.
Báo cáo của MarketandMarket cho thấy tổng giá trị thị trường của ngành Vitamin D có thể đạt 1,1 tỷ USD năm 2019 và dự kiến tăng lên 1,7 tỷ USD năm 2025 với tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân 7%. Trong đó, Châu Á Thái Bình Dương được dự đoán là thị trường sẽ tiêu thụ nhiều Vitamin D nhất thế giới năm 2019 do sự phát triển của mức sống.
Hiện tại, những nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản chiếm tới hơn 36% tổng lượng tiêu thụ thực phẩm chức năng trên toàn cầu. Riêng Trung Quốc đứng đầu thế giới với 207,1 triệu tấn thực phẩm chức năng, bao gồm những chất như Vitamin D.
Tuy nhiên, mặt tối của ngành kinh doanh béo bở này lại không hề cao thượng, và những bệnh nhân cũng như người tiêu dùng thiếu hiểu biết sẽ phải trả giá cho điều đó.
Ngành bán niềm tin
Hãy cùng đến với Tiến sĩ Michael Holick, một chuyên gia khoa học về Vitamin D và là giảng viên nội tiết học tại trường đại học Boston. Tuy nhiên, điều ít người biết đến là chính chuyên gia này đã thúc đẩy nên thị trường kinh doanh Vitamin D trị giá hàng tỷ USD.
Mỗi khi đi ra ngoài đường, Tiến sĩ Holick chẳng bao giờ bôi kem chống nắng bởi ông cho rằng thiếu Vitamin D, vốn thường được tổng hợp khi da người tiếp xúc ánh nắng, là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều căn bệnh, kể cả chậm phát triển chiều cao hay còi xương.
Tiến sĩ Holick dẫn chứng về thời kỳ khủng long 65 triệu năm trước đây khi những giống loài khổng lồ không thiếu thức ăn nhưng lại có hệ thống xương khá yếu nếu quy chiếu theo tiêu chuẩn tỷ lệ hình thể.
"Đôi khi tôi tự hỏi, liệu những con khủng long trước đây có phải chết vì bệnh còi xương hay không?", Tiến sĩ Holick nhận định khi cho rằng thời kỳ đó thiếu ánh mặt trời nên khủng long có thể tổng hợp ít Vitamin D hơn so với hiện nay.
Quan điểm của những người có vai vế trong giới khoa học như Holick cùng nhiều nhà nghiên cứu tiếng tăm khác đã đẩy doanh số Vitamin D lên 936 triệu USD vào năm 2017, cao gấp 9 lần so với cách đó 10 năm. Số lượng yêu cầu kiểm tra trong phòng thí nghiệm về bệnh thiếu Vitamin D đối với các bệnh nhân cũng tăng đột biến vài năm trở lại đây.
Năm 2016, các bác sĩ tại Mỹ đã yêu cầu hơn 10 triệu lượt kiểm tra thiếu Vitamin D với những bệnh nhân sử dụng chương trình bảo hiểm y tế Medicare năm 2016, tăng 547% so với năm 2007 và tiêu tốn tới 365 triệu USD chi phí.
Thú vị hơn, khoảng ¼ số người trên 60 tuổi hiện nay ở Mỹ uống thêm Vitamin D, dù rất nhiều trong số họ không có sự khuyến nghị của bác sĩ dùng loại thuốc này.
Sự tăng trưởng của doanh số bán Vitamin D khiến các công ty dược Mỹ mỉm cười thỏa mãn và cũng đem lại hạnh phúc cho chính Tiến sĩ Holick. Điều ít ai biết đến là hàng trăm nghìn USD đã được chuyển vào tài khoản của Tiến sĩ Holick, phần lớn đến từ những công ty dược.
Trong một bài phỏng vấn, Tiến sĩ Holick thừa nhận mình đã tư vấn cho những tổ chức nghiên cứu như Quét Diagnostics về Vitamin D từ năm 1979 và những khoản tài trợ của các tập đoàn không ảnh hưởng đến quyết định cổ xúy dùng loại chất này.
Đúng là việc thiếu những khoáng chất như Vitamin D sẽ khiến cơ thể con người yếu đi, mắc các triệu chứng còi xương và chậm phát triển chiều cao. Vấn đề ở đây là uống bao nhiều Vitamin D thì đủ và chính điều này đã tạo kẽ hở để các công ty dược kiếm lời.
Năm 2011, Viện Y khoa quốc gia Mỹ (NAM) đã công bố một bản báo cáo 1.132 trang cho thấy người tiêu dùng nước này đang lạm dụng quá nhiều Vitamin D và khuyến nghị các bác sĩ chỉ kiểm tra bệnh thiếu Vitamin D với những bệnh nhân mắc bệnh nặng, tránh tình trạng kê đơn cấp thuốc bừa bãi.
Vài tháng sau đó, Tiến sĩ Holick công bố báo cáo trái ngược khi cho rằng việc thiếu Vitamin D đang xảy ra với hơn 50% người Mỹ. Điều thú vị là hàng loạt những phòng kiểm tra kết quả xét nghiệm lại ứng dụng tiêu chuẩn của các "chuyên gia" như tiến sĩ Holick.
Nếu báo cáo của NAM cho rằng bệnh nhân sẽ gặp rủi ro về sức khỏe nếu lượng Vitamin D vượt quá 20 nanogram/ml máu thì nghiên cứu của Holick cho rằng con số này là 30 nanogram/ml.
Trong khi đó, Tiến sĩ Clifford Rosen của Viện nghiên cứu y dược Maine cho rằng chưa có một báo cáo thực nghiệm nào cho thấy người dùng nhiều Vitamin D sẽ khỏe hơn. Có chăng, việc kết quả xét nghiệm cho thấy thiếu Vitamin D sẽ khiến bệnh nhân đi khám thường xuyên hơn, vài tháng/lần so với 1 năm/lần và mua nhiều thuốc hơn.
Vậy là cả bác sĩ, chuyên gia, công ty dược lẫn phòng xét nghiệm đều được hưởng lợi, chỉ có bệnh nhân là phải trả tiền.
Không dừng lại đó, hàng loạt người nổi tiếng như người dẫn chương trình da màu Oprah Winfrey hay Tiến sĩ Walter Willett của trường y dược Harvard đều khuyến nghị mọi người nên dùng thêm Vitamin D.
Hãy là người tiêu dùng thông minh
"Các hãng dược có thể bán ‘nỗi sợ hãi’ để tiêu thụ sản phẩm nhưng họ không thể bán ‘ánh mặt trời’ cho Vitamin D, bởi vậy chẳng có cái gì gọi là quảng cáo chỉ vì ích lợi cả", Tiến sĩ Holick nói.
Tất nhiên câu nói này có nhiều nghi vấn khi Tiến sĩ Holick nhận đến 163.000 USD trong khoảng 2013-2017 từ các công ty dược.
Trái với quan điểm ủng hộ của Holick, nghiên cứu mới nhất đăng trên JAMA tháng 6/2019 được thử nghiệm trên 83.000 bệnh nhân cho thấy Vitamin D chẳng có tác dụng gì trong việc điều trị bệnh tim mạch hay đột quỵ.
Hàng loạt nghiên cứu khác được đăng trên tờ Lancet cho thấy Vitamin D giúp cải thiện lành xương với các bệnh nhân nhưng chẳng có tác dụng giúp xương chắc khỏe hơn với người bình thường. Hiện khoảng 40% số người Mỹ uống Vitamin D vì nghĩ rằng chúng ngăn ngừa được những bệnh như…ung thư.
Tất nhiên, phụ nữ có thai và bệnh nhân cần uống thêm khoáng chất, nhưng liều lượng cần được xem xét kỹ. Trong khi đó báo cáo của Viện Nam năm 2010 cho thấy 97,5% người thường đã tổng hợp đủ Vitamin D từ thức ăn hàng ngày (cá hồi, gan bò, phô mai, sữa, nước cam, ngũ cốc…) và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
"Bạn chỉ bị thiếu Vitamin D nếu trường kỳ không tiếp xúc ánh nắng mặt trời, thường là với những người sống ở vùng giá lạnh quanh năm và ít ăn thực phẩm có chứa Vitamin D như sữa. Khoảng 80-90% lượng Vitamin cơ thể người tổng hợp được là từ tiếp xúc ánh nắng mặt trời và chỉ cần 15 phút phơi nắng vào giữa ngày là đã đủ lượng Vitamin D cần thiết rồi", Giáo sư dược Chris Gallagher của trường đại học Creighton cho biết trên tờ Lancet.
AB
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec