Sự thật về thông tin Mỹ đã nghiên cứu, bào chế thành công vaccine chống ung thư

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

18/06/2019 00:12

562

Gần đây, trên Facebook và internet share bài "Mỹ đã nghiên cứu thành công vaccine chống ung thư", Tuy nhiên các thông tin này mới chỉ dừng lại trên chuột, các chuyên gia cho rằng người bệnh ung thư cần cẩn trọng.

Theo Bác sĩ Huynh Wynn Tran -  Giảng viên đại học y khoa California Northstate University (đến từ tổ chức y khoa phi lợi nhuận vietmd.net ở góc độ khám chữa bệnh thì "tin vaccine chữa ung thư thành công" là không đúng vì vaccine này mới chỉ thử nghiệm thành công trên chuột, và nó vẫn đang nghiên cứu. Mặc dù hiện nay  có những tiến bộ nhất định trong việc tìm ra cách chữa và ngăn ngừa ung thư nhưng phương pháp này phải hiểu cho đúng.

Tại Hoa Kỳ (và nhiều nơi thế giới) để có bất kỳ thuốc hay vaccine chữa bệnh được cấp phép chữa trị thì nhà khoa học và nhà sản xuất phải nghiên cứu hàng chục năm, thực hiện hàng ngàn cuộc thử nghiệm, và thử nghiệm lâm sàng thành công.

Trong thử nghiệm lâm sàng, bác sĩ Huynh Wynn Tran cho rằng  thuốc hay vắc xin phải trải qua nhiều giai đoạn như 0,1,2,3, và 4. Ở giai đoạn 0 và 1, là giai đoạn cơ bản nhất, thì thuốc và vắc xin sẽ được thử nghiệm trên một số rất ít bệnh nhân (10-15 người) để xem tính hiệu quả và độ an toàn. Giai đoạn 2 là thử nghiệm nhiều người hơn, nhấn mạnh vào độ an toàn. Giai đoạn 3 là thử nghiệm đối chứng trên vài ngàn bệnh nhân trước khi thuốc hay vaccine nộp đơn xin giấy sản xuất. Giai đoạn 4 là sau khi thuốc đã được cấp phép sử dụng.

Trở lại thông tin vắc xin trên trị ung thư. Theo xác minh của bác sĩ Wynn thông tin này đăng nhiều lần từ năm 2018 do bài nghiên cứu của nhóm GS Levy trường ĐH Stanford, California đăng trên tạp chí khoa học uy tín Science Translational Medicine.

GS Levy và đồng nghiệp nghiên cứu vai trò của hệ miễn dịch, đặc biệt là tế bào miễn dịch T cell. Trong cơ thể người, tế bào T (T cell lymphocyte) cực kỳ quan trọng do tính thông minh, sự kết hợp các tế bào miễn dịch, và khả năng truy tìm các vật thể ngoại lai vào cơ thể (vi rút hay nhiễm trùng). GS Levy kết hợp 2 chất khác nhau (Unmethylated CG hay còn gọi là CpG lên thụ thể TLR9 và kháng thể Anti-OX40) để kích hoạt tế bào miễn dịch T cell (CD4/CD8), tăng khả năng bám dò, tìm ra bề mặt của tế bào ung thư, sau đó tiêu diệt tế bào ung thư. Bằng cách này, GS Levy đã "dạy" các tế bào T thành các tế bào đặc biệt chống ung thư.

Nhóm Levy thử nghiệm trên chuột mắc ung thư Lympho, ung thư ruột, ung thư da, và ung thư vú cho kết quả rất khích lệ khi hầu như tất cả các khối u biến mất. Tuy nhiên, nghiên cứu trên chuột rất khác xa với người. Các bệnh lý trên chuột là do chúng ta tạo ra nên đôi khi không phản ánh đúng tính phức tạp của bệnh trên người.

 

Dù vậy, các thành công chuột đã khuyến khích các nhà nghiên cứu đi xa hơn. Hiện nay các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Stanford đang thử nghiệm giai đoạn 1 của thuốc này trên người cho bệnh ung thư lympho.

Từ lúc giai đoạn 1 cho đến những giai đoạn kế tiếp có thể mất 5-10 năm do cần thêm dữ liệu và tài chính. Thử nghiệm của nhóm Levy đang chỉ có trên một loại bệnh ung thư. Để vắc xin có hiệu quả trên nhiều loại ung thư khác cần phải thêm thời gian, bác sĩ Wynn nhấn mạnh. 

 

K. Chi

Tags

Tin liên quan