Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
623
I. Tại sao sinh viên đi làm chưa được bao lâu đã nghỉ việc
Sinh viên nghỉ việc với vô vàn lý do. Nhiều sinh viên đi làm đơn thuần chỉ để kiếm tiền trang trải cuộc sống, do đó khi tìm được công việc có mức lương cao hơn hoặc mức lương hiện tại quá ít để duy trì tiếp nên chấp nhận nghỉ việc. Nhiều sinh viên đi làm để kiếm kinh nghiệm nhưng khối lượng công việc quá nặng, không cân bằng được việc học và đi làm. Nhiều sinh viên sau vài ngày làm việc nhận ra công việc này không hợp với tính cách hoặc đam mê bản thân, mất hứng thú làm việc. Số khác thì sau hai tháng làm nhận ra công việc không còn đem lại nhiều kinh nghiệm nữa, muốn nhảy việc để tìm kiếm môi trường và kĩ năng….
II. Nghỉ việc xong thì làm gì?
Nếu bạn mới nghỉ việc và đăng băn khoăn không biết làm gì tiếp theo thì đầu tiên việc bạn cần làm là dừng lại một chút để cho đầu óc bạn thư thái và xem lại quá trình hơn hai tháng đi làm vừa qua: công việc kia đã cho mình những trải nghiệm như thế nào, mình học được gì từ công việc, mặt tốt và xấu của công việc cũ,...? Trong thời gian nghỉ việc, đừng quên mình vẫn còn là một sinh viên, vì thế không nên để việc nghỉ việc ảnh hưởng đến thái độ học tập của bạn.
Sau khi đã hiểu rõ được công việc cũ và mong muốn hiện tại của bản thân, hãy quyết định hướng đi tiếp theo trong tương lai: Liệu có nên đi làm tiếp hay không? Nếu có thì chọn công việc tiếp theo như thế nào để tránh nhảy việc dưới 3 tháng tiếp?
Nếu bạn cảm thấy không cân bằng được việc học và đi làm, hoặc công việc trước quá áp lực, căng thẳng thì nên nghỉ làm một thời gian để điều hòa lại nhịp sống, lên lại kế hoạch và thời gian biểu cho việc học và đặt mốc thời gian cho công việc tiếp theo một cách rõ ràng và chi tiết.
Nếu bạn muốn đi làm tiếp thì hãy xem lại lý do nghỉ việc của mình là gì. Nếu công việc trước sau hai tháng làm việc đã trở thành một công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại thiếu tính sáng tạo và không đem lại cho bạn kiến thức gì mới nữa thì xem xét ứng tuyển một công ty khác ở một vị trí khác có thể cho bạn nhiều kĩ năng và kiến thức mới hơn.
Nếu bạn cảm thấy không hợp với ngành nghề mà bạn đang làm, hãy suy nghĩ xem nếu không hợp với ngành này thì có thể hợp với ngành nào. Để tránh mất thời gian đi làm rồi lại nghỉ việc vì không hợp bạn có thể làm trắc nghiệm tính cách hoặc suy từ công việc cũ ra tính cách của mình.
Nếu bạn hiện chưa cảm thấy muốn đi làm tiếp, bạn có thể xem xét đi học các lớp kỹ năng mềm, học thêm về kiến thức chuyên môn, tìm hiểu một số cuộc thi tài năng. Biết đâu đó lại là cơ hội để bạn tiếp cận với những công việc tốt hơn hoặc kỳ thực tập đến từ những công ty lớn.
III. Để khỏi phải hối tiếc vì đã quyết nghỉ việc?
Tìm được một công việc tốt và phù hợp với nhu cầu và định hướng của sinh viên chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Vì vậy khi có một công việc trong tay, không phải cứ muốn nghỉ là nghỉ được vì nghỉ một công việc dù to hay nhỏ cũng đều là một sự đánh đổi. Nghỉ một công việc có nghĩa là tạm thời mất đi một nguồn thu nhập, mất đi những mối quan hệ, thay vào đó là sự chấp nhận thay đổi, chấp nhận làm lại từ đầu dù có thể bạn không biết bắt đầu từ đâu, không biết công việc mới có tốt như mình mơ hay nhảy sang việc mới mình còn làm tệ hơn cả việc cũ?
Nghỉ việc không nên là một quyết định vội vàng mà thiếu sự suy xét cẩn thận. Nếu không, bạn sẽ phải nuối tiếc bởi bạn không thể biết trước công việc mới sẽ tốt đẹp như thế nào?
Hãy nhớ về ngày đầu tiên bạn đi làm ở nơi cũ, bạn đã vui mừng, háo hức, đã mong chờ những sự đổi thay như thế nào. Ai đi làm, lựa chọn một công việc cũng đã từng yêu thích nó ở một điểm tích cực nào đó. Và rồi bạn quyết định nghỉ việc chỉ sau hai tháng đi làm vì bạn hết “yêu”? Công việc nào, công ty nào, tổ chức nào, người sếp hay đồng nghiệp nào cũng sẽ có mặt tốt và mặt tiêu cực. Liệu khi bạn nhận ra điểm xấu của nó, bạn có lại nghỉ việc tiếp? Khi bạn buồn chán trong công việc, bạn quên mất đã từng hào hứng với nó như thế nào? Liệu bạn có nghỉ việc và tìm việc mãi được cả đời hay không? Liệu bạn sẽ đi đến đâu nếu cứ gặp khó khăn và chọn từ bỏ như vậy?
Sinh viên, đúng là dám làm, dám chịu thử thách, muốn đi, muốn khám phá những chân trời mới. Nhưng đời sinh viên cũng như đời người mà thôi, rất ngắn ngủi. Làm sao để bạn vừa trải nghiệm được nhiều nhất, nhưng mỗi trải nghiệm đều đáng giá và có ý nghĩa cho sự nghiệp tương lai mới chính là điều bạn cần hướng tới. Mỗi công việc ở thời điểm sinh viên sẽ chỉ là một trạm dừng chân nhỏ, bạn sẽ không gắn bó với nó lâu dài, nhưng không vì thế mà bạn hời hợt với nó. Bất kì công việc nào, nếu bạn làm việc hết tâm hết sức, luôn trong tâm thế sẵn sàng và chủ động cống hiến thì bạn sẽ nhận được rất nhiều giá trị, có thể là kiến thức, kĩ năng cũng có thể là các mối quan hệ,...hơn hết là bạn rèn cho mình một phong cách làm việc, phong cách sống có trách nhiệm và làm chủ cuộc chơi.
Nhưng gắn bó với một công việc bao lâu là đủ? Sẽ không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người, tất cả công việc. Nghỉ việc hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Quan trọng nhất phải là tâm thái của bạn. Đừng bao giờ để bị rơi vào thế bị động, buộc phải nghỉ việc mà không có back-up nào cho bản thân. Nếu chán, bạn hoàn toàn có thể nghỉ việc. Nhưng động lực khi đi làm của bạn là gì? Có phải là đi tìm một thú vui tiêu khiển không? Mỗi người đi làm đều vì một mục đích nào đó. Trước khi nghỉ việc, hãy xem bạn đã hoàn thành được mục đích đó chưa. Chẳng hạn, nếu đi làm vì kinh nghiệm, bạn hoàn toàn có thể nghỉ việc nếu thấy công việc không còn đem lại cho mình kinh nghiệm mới nữa. Nói cách khác, hãy luôn xác định rõ động cơ và mục đích của mình trước khi quyết định, chỉ như vậy bạn mới không bao giờ bị động trước hoàn cảnh và thời cuộc.
Kết
Kinh nghiệm bạn tích lũy được từ một công việc không thể chỉ đánh giá qua một yếu tố là thời gian gắn bó với công việc đó. Vì vậy, đi làm 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng nghỉ việc thì là đều hợp lý nếu bạn hiểu được động cơ của quyết định của mình và không hối hận vì nó sau này. Tuy vậy, công việc cũng như cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm, khó khăn, thử thách không bao giờ dừng lại và bạn cũng không thể trốn tránh mãi. Hãy chọn cách đối mặt thay vì “chán là bỏ”.
HRCskill
Tin liên quan
TRUNG THU MÙA WFH
18 - SepOctNovDec