Phỏng vấn xin việc: Nổi bật hay bị loại?

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

20/03/2019 00:08

1075

Chúc mừng! Bạn vừa vượt qua ải đầu tiên khi được gọi đến phỏng vấn. Mọi thành bại bây giờ đều nằm trong tay bạn, và bạn chỉ có một cơ hội thôi. Có thể thấy rằng chỉ cần một cú Google nhỏ bạn có thể tìm được hàng tá lời khuyên và những thông tin xung quanh việc phỏng vần, vì vậy không gì là bất ngờ nếu bạn hiện đang lạc lối chẳng biết nghe theo lời khuyên nào là đúng nhất. Cùng nhau tìm hiểu chi tiết tác dụng của các lời khuyên về phỏng vấn xin việc và làm thế nào để trở nên nổi bật...

Amy Gallo là một biên tập viên tài tờ báo doanh nhân Harvard. Cô là ngòi bút chuyên viết về ứng xử chốn công sở và những vấn đề xung quanh nó. Cô sẽ giúp độc giả tìm hiểu về hằng hà sa số các lời khuyên phổ biến xung quanh vấn đề hot nhất hiện nay : Nổi bật trong phỏng vấn xin việc.

Những chuyên gia, họ nói gì?

Một trong những lời khuyên bạn thường thấy đó là hãy “làm chủ” buổi phỏng vấn của bạn. Tuy nhiên John Lees, một nhà chiến lược về phát triển sự nghiệp và cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về phỏng vấn xin việc, nói rằng lời khuyên này không hẳn là đúng “Sự thật là những nhà tuyển dụng vẫn nắm cán trong buổi phỏng vấn, bạn chỉ có thể ứng biến và thể hiện tốt nhất có thể.” Claudio Fernández-Araóz, một chuyên viên tư vấn tại công ty tuyển dụng nổi tiếng Egon Zehnder, còn nói thêm rằng: “Đôi lúc bạn sẽ phải nhắc nhở, hướng buổi phỏng vấn về trọng tấm vì các nhà tuyển dụng đôi khi sẽ không làm đúng quy trình chuẩn của buổi phỏng vấn.” Fernández, từng phỏng vấn hơn 20.000 ứng cử viên, chỉ ra rằng phần lớn người phỏng vấn sẽ quá chú trọng vào kinh nghiệm hơn khả năng thực sự của bạn, và đôi lúc bản thân bạn phải nhắc nhở họ rằng bạn hoàn toàn có khả năng. Và sau đây là các cách thức để làm điều đó.

 

Chuẩn bị, chuẩn bị và chuẩn bị

Việc chuẩn bị thật kĩ là điều mà ai cũng biết khi tham gia một buổi phỏng vấn. Tuy nhiên Fernández và Lees cho rằng đa số ứng cử viên vẫn chuẩn bị chưa thật sự tốt.

“Chuẩn bị bao nhiêu cũng sẽ không bao giờ là đủ, bạn cần tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp nhiều nhất có thể, cách vận hành, văn hóa công ty, những xu hướng thị trường, và kể cả thông tin về người sẽ phỏng vấn bạn”.

Fernández còn khuyên bạn nên tìm hiểu về những thách thức của công việc bạn đang ứng tuyển, điều đó sẽ giúp bạn thể hiện được rằng bạn có những tố chất cho vị trí đó.

Hãy có một chiến lược cụ thể

Trước khi bước vào “phòng tử chiến”, hãy quyết định bạn muốn truyền đạt những thông điệp gì đến người phỏng vấn. Những thông điệp đó cần thể hiện được bạn đã làm được những gì và bạn cần gì để có thể thành công trong công việc bạn ứng tuyển. Để làm được điều đó, bạn có thể chuẩn bị trước những câu chuyện cho riêng mình.

Lees nói rằng “đa số mọi người đều sẽ dễ xiêu lòng và tin vào câu chuyện hơn là những thông số, dữ liệu” Câu chuyên của bạn cần phải thật thú vị nhưng cũng cần phải súc tích. Nó cần phải có câu mở đầu thật ấn tượng chẳng hạn như “Tôi sẽ kể cho anh nghe về lần tôi đã cứu công ty cũ của tôi khỏi bờ vực phá sản như thế nào.”

Sau đó, hãy xem phản ứng của người phỏng vấn như thế nào mà bạn có thể cắt giảm một số tình tiết cho phù hợp, đừng kể chuyện như những con robot biết đọc. Khi có thể, hãy sử dụng một trong những câu chuyện của bạn đề trả lời cho câu hỏi phỏng vấn.

 

Nhấn mạnh tiềm năng của bạn

Không có ứng viên nào là hoàn hảo cả, và bạn cũng vậy. Thay vì quá tập trung về những khiếm khuyết của bạn, hãy tập trung vào tiềm năng của bản thân. Điều này sẽ giúp ích cho nhà tuyển dụng định hình được khả năng của bạn trong công việc sau này. Nếu kinh nghiệm làm việc của bạn chưa thật sự liên quan đến vị trí ứng tuyển, nhưng thông qua kinh nghiệm đó cho thấy rằng bạn là người có thể linh hoạt ứng biến và học tập những cái mới, đừng ngại ngùng thể hiện điều đó.

Ví dụ cụ thể như, chẳng hạn bạn đang ứng cử cho một vị trí làm việc trên quy mô quốc tế, nhưng kinh nghiệm của bạn lại chưa bao giờ làm việc trên mạng lưới lớn như vậy. Tuy nhiên bạn có thể nói rằng bạn từng làm việc liên kết với nhiều phòng ban khác nhau, chẳng hạn như bán hàng hoặc sản xuất. Hãy chứng tỏ bạn có khả năng liên kết với nhiều vị trí, lĩnh vực, con người khác nhau.

 

Chinh phục 30 giây đầu tiên

Ấn tượng ban đầu là rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người sẽ chỉ mất 30 giây để đánh giá về tính cách và sự hiểu biết của một ai đó. Cách bạn bước vào phòng, cách bạn mở lời, cách cư xử của bạn đều rất quan trọng. Những ứng cử viên thành công thường sẽ bắt đầu bằng việc nói một cách chậm rãi nhưng rõ ràng, bước vào phòng với đầy sự tự tin, hoặc có thể sẽ mang theo một vật nhỏ cầm tay để che giấu đi sự lúng túng.

Lees khuyên rằng nên tập luyện 30 giây đầu tiên của bạn thật nhiều. Thậm chí có thể tự quay một đoạn video nhỏ và tự xem lại, đánh giá và có những sự điều chỉnh phù hợp. Điều này cũng có thể áp dụng với phỏng vấn qua điện thoại. Bạn cần phải tận dụng 30 giây đầu tiên để thể hiện mình là một người tự tin, đầy khả năng cho vị trí ứng tuyển.

 

Đừng là chính bạn

Lees cho rằng những lời khuyên “Hãy là chính bạn” là hoàn toàn không thực tế. Đa số ai cũng xem buổi phỏng vấn là màn trình diễn mà ở đó họ cố thể hiện bản thân một cách hoàn hảo nhất, nếu bạn là chính bạn thì bạn sẽ chỉ bị thua thiệt mà thôi. Hãy mang thật nhiều năng lượng và sự hăng hái tới buổi phỏng vấn.

Tuy nhiên cũng đừng vì vậy mà thổi phồng bản thân quá lố. Thị trường việc làm hiện nay đang bão hòa, và tất nhiên các nhà tuyển dụng sẽ đề phòng hơn những trường hợp ứng viên nói quá về bản thân. “Khi bạn nói về một điều gì đó bạn có thể làm được, hãy chứng minh nó bằng những dẫn chứng cụ thể”

Hãy sẵn sàng đương đầu với những câu hỏi hóc búa

Nhiều người vẫn còn lo ngại nếu bị hỏi về những khoảng thời gian chúng ta thất nghiệp, những lần làm việc ngắn ngủi tại một vị trí nào đó, hay nói chung là những điểm khuyết trên CV của của chúng ta. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là hãy chuẩn bị thật tốt. Đừng chỉ chuẩn bị một câu trả lời cho những tình huống này.

Lees gợi ý rằng bạn nên chuẩn bị cho bản thân “3 lớp giáp bảo vệ”. Lớp đầu tiên, hãy trả lời trực tiếp thẳng thắn và đừng nói quá nhiều vào chi tiết. Khi bị người phỏng vấn hỏi thêm, đây là lúc bạn cần sử dụng 2 thứ vũ khí còn lại. Chẳng hạn như khi bạn được hỏi tại sao bạn không hoàn thành việc học đại học, hãy chuẩn bị sẵn sàng với câu trả lời thẳng thắn và ngăn gọn như “Tôi cảm thấy sẽ thật sự hữu ích hơn nếu tôi có thể học trực tiếp trong quá trình làm việc”. Nhưng nếu người phỏng vấn hỏi thêm về vấn đề này, bạn sẽ có sẵn những câu trả lời chi tiết hơn “Dù tôi biết việc nghỉ học ngang đối với nhiều người là điều xấu. Nhưng tôi biết bản thân mình sẽ phù hợp với việc học trực tiếp từ thế giới bên ngoài hơn là học thuần về lý thuyết.” Lees nói thêm rằng “Những câu trả lời bạn chuẩn bị phải thật sự khôn khéo để nhà tuyển dụng không có cách dồn bạn vào con đường cùng”

 

Biết ứng biến trong phòng phỏng vấn

Kể cả khi bạn đã chuẩn bị không thể kĩ càng hơn, bạn sẽ không thể đoán được điều gì có thể xảy ra một khi bạn bước vòng “chiến trường”. Lees cho rằng một ứng cử viên tốt sẽ biết điều chỉnh để phù hợp với tình hình. Hãy đặt ra những câu hỏi cho bản thân: Câu trả lời như vậy đã tốt chưa? Tông giọng của mình có quá trầm? Mình có đang nói quá nhiều không? “Rất nhiều nhà phỏng vấn thích nói nhiều và xem trọng việc bạn có lắng nghe họ hay không”. Vì vậy hãy thay đổi, ứng biến tùy thuộc vào tình hình.

 

Khi mọi chuyện đang diễn ra tồi tệ thì nên làm như thế nào?

Sẽ có những lúc bạn sẽ biết rằng cuộc phỏng vấn của bạn đang đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên hãy đừng quá đau khổ về những gì đã xảy ra, làm như vậy chỉ càng khiến bạn lạc lối hơn mà thôi. Thay vì vậy, hãy tập trung vào hiện tại. Tập trung trả lời những câu hỏi tiếp theo với sự tự tin và năng lượng như những câu hỏi đầu tiên. Bạn còn có thể chuyển hướng cuộc đối thoại để có thể nắm rõ tình hình hơn chẳng hạn như “Không biết nhưng gì tôi trả lời có phù hợp với công ty hay không?” và xem người phỏng vấn phản ứng như thế nào. Hãy đảm bảo rằng bạn không làm mọi chuyện xấu hơn nữa.

 

Những điểm cần phải nhớ

Nên:

  • Hãy tìm hiểu thông tin về yêu cầu công việc trước khi phỏng vấn.
  • Chuẩn bị những mẩu chuyện mô tả khả năng và tiềm năng của bạn cho công việc ứng tuyển.
  • Luyện tập kĩ càng 30 giây “vàng” đầu tiên của buổi phỏng vấn – nó có thể là yếu tố quyết định thành hay bại của bạn.

 

Đừng nên:

  • Hoảng loạn nếu cuộc phỏng vấn diễn ra tồi tệ – thay vì thế hãy tập trung vào việc trả lời những câu hỏi sắp tới một cách tốt nhất.
  • Đừng định hình cụ thể trước buổi phỏng vấn của bạn sẽ diễn ra như thế nào – hãy sẵn sàng ứng biến với tình huống đang diễn ra.
  • Đưa ra một câu trả lời chi tiết ngay từ đầu với những câu hỏi hóc búa – hãy để dành chi tiết cho tình huống khi bị nhà tuyển dụng hỏi thêm.

 

— HR Insider / Theo Harvard Business Review —

Tags

Tin liên quan