Loay hoay bài toán xúc tiến thương mại
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới như: sâm Ngọc Linh, Tam thất hoang, Bách hợp,.. trong đó, sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, cao hơn cả những loại sâm quý được nghiên cứu sử dụng lâu đời trên thế giới như sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay ngành công nghiệp dược liệu Việt Nam vẫn chưa đủ lớn mạnh để xây dựng nên các thương hiệu dược liệu hoặc dược phẩm, đặc biệt là ở thị trường quốc tế. Số dược liệu Việt Nam có thể khai thác, thương mại hóa và xuất khẩu được vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Báo cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50-60 nghìn tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu.
Ông Phạm Vũ Khánh Cục trưởng Cục Quản lý Y, dược cổ truyền cho rằng, mặc dù có tiềm năng thế mạnh lớn, nhưng hiện nay Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trở thành hàng hóa có giá trị cao và được sử dụng rộng rãi.
Nói về vấn đề này, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu quan điểm: Việt Nam có nhiều dược liệu có tiếng nhưng một trong những điểm hạn chế là chưa làm tốt khâu xúc tiến thương mại. Việc sản xuất, chế biến, đưa sản phẩm y dược cổ truyền ra thị trường chưa được kết nối tốt.
Bên cạnh đó, điểm hạn chế của nhành Dược liệu nước ta cũng được nhiều chuyên gia chỉ rõ, nhiều dược liệu quý của Việt Nam được xuất thô sang nước ngoài, sau khi họ đã chiết xuất hết các chất có bên trong dược liệu. Loại dược liệu này lại được đưa sang Việt Nam với giá bán khá rẻ nhưng lại được tiêu thụ mạnh. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trong cộng đồng ra sử dụng rộng rãi; thậm chí nhiều bài thuốc quý đã bị mai một, thất truyền hoặc bị đánh cắp, giả mạo.
Xúc tiến thương mại qua Hội chợ Dược liệu 2019
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền; quảng bá, giới thiệu sâu rộng các sản phẩm dược liệu sạch, an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng và nâng cao ý thức trách nhiệm của DN đối với vấn đề an toàn, sức khỏe trong quá trình SX, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền.
Ngày 20/3, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức khai mạc Hội chợ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 2019. Hội chợ được diễn ra từ 17h30 ngày 20/3, kéo dài đến ngày 25/3.
Với quy mô khoảng 150 gian hàng của nhiều tổ chức, đơn vị đến từ các địa phương, cơ sở trồng dược liệu, DN sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Hội chợ được tổ chức với chủ đề “Nam dược trị nam nhân, Đông y liệu đông bệnh” theo định hướng phát triển thị trường với dược liệu là dược liệu ở trong nước.
Thông qua Hội chợ dược liệu, Bộ Y tế mong muốn các nhà kinh doanh, sản xuất và chế biến dược liệu trong nước tích cực trao đổi, tìm hiểu thị trưởng, tìm hiểu đối tác, liên doanh, liên kết đầu tư để phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường dược liệu đạt tiêu chuẩn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Về phía Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Quốc Toản - quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhấn mạnh: Hội chợ là hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm, các dịch vụ; Kết nối giao thương, phát triển thị trường các ấn phẩm dược liệu và y học cổ truyền, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu chất lượng cao.
Bàn về giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường ngành dược liệu, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần tìm biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến, thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp. Cùng với việc tổ chức một số trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu có quy mô lớn, các tổ chức, doanh nghiệp cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, dược cổ truyền mong rằng, trong khuôn khổ hội chợ Dược liệu 2019, sẽ diễn ra các hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác giữa các địa phương, nhà sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền; các sự kiện quảng bá, giới thiệu dược liệu, sản phẩm y dược cổ truyền của các đơn vị tham gia hội chợ, qua đó, giới thiệu sâu rộng các sản phẩm dược liệu sạch an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng…
Tại hội chợ, các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác, đầu mối phân phối dược liệu có thể kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm y học cổ truyền. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền cho các doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác, kinh doanh dược liệu.
Thanh Xuân