Ô nhiễm vi nhựa và nguy cơ với sức khỏe con người (P2)

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

16/09/2019 00:11

547

Hạt vi nhựa (microplastic) được biết đến là những hạt nhựa nhân tạo, có kích thước rất nhỏ (khoảng nhỏ hơn 1mm). Hạt vi nhựa thường được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm vệ sinh cá nhân tẩy da chết, sữa rửa mặt, kem đánh răng, và trong nghiên cứu y sinh và khoa học sức khỏe. Từ lâu, các hạt vi nhựa đã được biết đến có khả năng gây ô nhiễm môi trường rất cao, tuy nhiên, gần đây các hạt vi nhựa đang dấy lên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các vi hạt Varnish (véc-ni), Cao su, Polyetylen và Polyamide

Trong nghiên cứu của mình, TS. Melanie Bergmann và các đồng nghiệp đã phân tích các mẫu tuyết từ các tảng băng từ eo biển Fram (tuyến đường biển giữa Biển Greenland ở Bắc Đại Tây Dương và biển Wandel ở Bắc Băng Dương). Để so sánh, họ đã sử dụng các mẫu tuyết từ các địa điểm xa xôi ở dãy An-pơ của Thụy Sĩ và các địa điểm đông dân ở châu Âu, chẳng hạn như Bremen và Bavaria (2 thành phố lớn của Đức).

Quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier đã được sử dụng để xác định mvi nhựa trong 20 trên 21 mẫu. Mặc dù nồng độ vi nhựa của tuyết ở Bắc Cực thấp hơn đáng kể (14.400 hạt/lít) so với tuyết gần một con đường ở dãy núi An-pơ của Bavaria, Đức (154.000 hạt/lít), nhưng con số này vẫn là rất đáng kể.

Nồng độ vi nhựa cao trong tuyết được ghi nhận ở tất cả các địa điểm - ngay cả ở những vùng xa xôi của Bắc Cực, trên quần đảo Svalbard (cực bắc của Nauy) và trong tuyết của những tảng băng trôi.

Thành phần polymer của các hạt vi nhựa được tìm thấy rất khác nhau, nhưng vecni, cao su, polyetylen và polyamide chiếm ưu thế.

Theo các nhà nghiên cứu, việc phát hiện một lượng lớn các hạt vi nhựa bất ngờ này trong tuyết mới của các khu vực bị cô lập nhất trên thế giới nhấn mạnh mức độ ô nhiễm độc hại trong bầu khí quyển của trái đất.

Nồng độ vi nhựa được tìm thấy bởi TS. Melanie Bergmann, TS. Gunnar Gerdts và các đồng nghiệp cao hơn nhiều lần so với các nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác đã tiến hành trước đây. Điều này được lý giải bởi TS. Gunnar Gerdts như sau: "Thứ nhất, tuyết cực kỳ hiệu quả khi rửa hạt vi nhựa từ khí quyển. Thứ hai, có thể là do quang phổ hồng ngoại chúng tôi sử dụng, cho phép chúng tôi phát hiện ngay cả những hạt nhỏ nhất - lên tới kích thước chỉ 11 micron."

TS. Gunnar Gerdts và các đồng nghiệp đã làm tan tuyết, đổ nước nóng chảy qua bộ lọc và kiểm tra dư lượng tồn lại trong bộ lọc bằng kính hiển vi hồng ngoại. Trái ngược với các nghiên cứu khác trong đó hạt vi nhựa được sàng lọc bằng tay dưới kính hiển vi, TS. Gunnar Gerdts và các đồng nghiệp đã chọn một phương pháp tiên tiến hơn: "Chúng tôi đã tự động hóa và tiêu chuẩn hóa công nghệ để loại bỏ các lỗi đôi khi xảy ra khi phân tích thủ công.”

TS. Gunnar Gerdts kết luận: "Điều quan trọng và mong mỏi của chúng tôi là chủ đề vi nhựa phải được nghiên cứu càng nhiều càng tốt trong các ngành học và kết quả mang lại lợi ích chung".

 

Nguy cơ 'thấp' từ các hạt vi nhựa trong nước uống - WHO

Vào ngày 22 tháng 8 năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một kết luận tạm thời về nguy cơ vi nhựa trong nước uống. Đánh giá này kết luận xác nhận sự tồn tại của vi nhựa trong nước uống song không có bằng chứng cụ thể về việc các hạt vi nhựa này gây nguy hiểm cho con người: Vi nhựa có trong nước uống có nguy cơ gây hại ‘thấp’ cho sức khỏe con người ở mức hiện tại, và cần nhiều nghiên cứu hơn để trấn an người tiêu dùng.

WHO cho biết: Các hạt vi nhựa xâm nhập vào nguồn nước uống chủ yếu thông qua nước thải và một phần là do quá trình đóng chai và/hoặc bao bì như nắp nhựa.

Ông Bruce Gordon, ban môi trường, xã hội và sức khỏe cộng đồng, WHO cho biết: “Thông điệp hàng đầu để trấn an người tiêu dùng sử dụng nước uống trên toàn thế giới là: Dựa trên đánh giá của chúng tôi, thì rủi ro là thấp”.

WHO đã không khuyến nghị theo dõi thường xuyên đối với hạt vi nhựa trong nước uống. Chúng ta nên dành nguồn lực cho các nghiên cứu tập trung vào các vấn đề khác, chẳng hạn như những gì xảy ra với các chất phụ gia hóa học trong các hạt vi nhựa khi chúng đi vào đường tiêu hóa.

Phần lớn các hạt vi nhựa trong nước có đường kính lớn hơn 150 micromet và được đào thải ra khỏi cơ thể, chỉ các hạt nhỏ hơn có khả năng xuyên qua thành ruột và đến các mô khác, tuy nhiên việc hấp thu các hạt nhỏ hơn này dự kiến ​​cũng rất hạn chế. Những lo ngại về sức khỏe đã tập trung vào các hạt nhỏ hơn, Jennifer De France, chuyên gia của WHO và là một trong những tác giả báo cáo cho biết.

Đối với những hạt kích thước nhỏ nhất này, những bằng chứng khoa học thực sự rất hạn chế, chúng ta cần biết nhiều hơn về sự hấp thu, sự phân bố và tác động của chúng, cô nói. Đồng thời, cũng cần nhiều nghiên cứu hơn về những rủi ro từ việc tiếp xúc với hạt vi nhựa trên toàn môi trường - trong nước uống, không khí và thực phẩm hàng ngày, cô nói thêm.

"Chúng ta rất cần biết tác động của hạt vi nhựa tới sức khỏe, bởi chúng đã xuất hiện ở khắp mọi nơi - kể cả trong nước uống", Tiến sĩ Maria Neira, giám đốc bộ phận y tế công cộng của WHO cũng cho biết. "Dựa trên những thông tin hạn chế mà chúng tôi có được, ô nhiễm vi nhựa trong nước uống hiện nay dường như chưa gây ra nguy cơ sức khỏe. Nhưng chúng ta sẽ cần cảnh giác và tìm hiểu thêm. Quan trọng nhất, chúng ta cũng cần ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới".

Tiến sĩ Alice Horton, một nhà nghiên cứu về hạt vi nhựa tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia Anh, phát biểu về các phát hiện của WHO: “Không có dữ liệu nào cho thấy rằng vi nhựa gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng vô hại”. “Điều quan trọng là đặt mối quan tâm về việc tiếp xúc với vi nhựa từ nước uống vào bối cảnh: chúng ta đang tiếp xúc rộng rãi với vi nhựa trong cuộc sống hàng ngày thông qua rất nhiều nguồn, trong đó nước uống chỉ là một”.

Một nghiên cứu của tổ chức từ thiện vì môi trường WWF International cho biết vào tháng 6 năm nay: Ô nhiễm nhựa phổ biến trong môi trường đến mức bạn có thể ăn 5 gram mỗi tuần, tương đương với việc ăn một chiếc thẻ tín dụng. Nghiên cứu này cũng cho biết nguồn tiêu thụ nhựa lớn nhất là nước uống, và một nguồn chính khác là động vật có vỏ.

Bởi có quá ít nghiên cứu về hạt vi nhựa trong nước uống, đến thời điểm này khoa học cũng chưa biết chúng có tiềm ẩn các nguy cơ lớn hơn hay không. Còn quá nhiều điều mà chúng ta chưa biết về tác động của hạt vi nhựa tới sức khỏe, báo cáo của WHO khuyến khích thực hiện nhiều hơn các nghiên cứu như vậy. Sự khan hiếm dữ liệu gây khó khăn cho việc đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào, nếu có nhiều hơn các nghiên cứu về mối liên hệ giữa hạt vi nhựa và sức khỏe, kết luận của WHO có thể sẽ khác.

Trong nước uống có nhiều tác nhân gây hại thực sự đáng lo ngại hơn hạt vi nhựa rất nhiều chẳng hạn như những vi sinh vật, virus, vi khuẩn, cũng như một số chất gây ô nhiễm hóa học như chì,... Mối đe dọa sức khỏe tổng thể lớn nhất trong nước là từ mầm bệnh vi khuẩn - bao gồm từ chất thải của người và gia súc xâm nhập vào nguồn nước - gây ra bệnh tiêu chảy chết người, đặc biệt là ở các nước nghèo thiếu hệ thống xử lý nước, WHO cho biết.

WHO khuyến cáo các nhà cung cấp nước và cơ quan quản lý nên ưu tiên loại bỏ mầm bệnh vi khuẩn và hóa chất có nguy cơ đối với sức khỏe con người. Điều này “một công đôi việc”: hệ thống xử lý nước thải và nước uống vừa giúp xử lý dư lượng tồn dư của phân và hóa chất, đồng thời cũng hiệu quả trong việc loại bỏ vi nhựa.

Xử lý nước thải có thể loại bỏ hơn 90% hạt vi nhựa khỏi nước thải. Xử lý nước uống thông thường thậm chí có thể loại bỏ các hạt vi nhựa nhỏ hơn micromet. Một tỷ lệ đáng kể dân số toàn cầu hiện không được hưởng lợi từ việc xử lý nước và nước thải đầy đủ. Bằng cách giải quyết vấn đề nước bị ô nhiễm phân, cộng đồng có thể đồng thời giải quyết mối quan tâm liên quan đến vi nhựa.

Ông Bruce Gordon nhấn mạnh: Khoảng 2 tỷ người uống nước bị nhiễm phân, gây ra gần 1 triệu ca tử vong hàng năm. Đó nên trở thành tâm điểm của các cơ quan quản lý trên toàn thế giới.

DS Nguyễn Hải Đăng

Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/917200

https://www.reuters.com/article/us-health-water/plastic-particles-in-drinking-water-present-low-risk-who-idUSKCN1VC003

Tags

Tin liên quan