Ô nhiễm vi nhựa và nguy cơ với sức khỏe con người (P1)

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

12/09/2019 00:11

730

Hạt vi nhựa (microplastic) được biết đến là những hạt nhựa nhân tạo, có kích thước rất nhỏ (khoảng nhỏ hơn 1mm). Hạt vi nhựa thường được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm vệ sinh cá nhân tẩy da chết, sữa rửa mặt, kem đánh răng, và trong nghiên cứu y sinh và khoa học sức khỏe. Từ lâu, các hạt vi nhựa đã được biết đến có khả năng gây ô nhiễm môi trường rất cao, tuy nhiên, gần đây các hạt vi nhựa đang dấy lên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các hạt vi nhựa đã được phát hiện có trong nước biển, hải sản và cá, cũng như trong nước uống. Gần đây, trong một nghiên cứu trên Tạp chí Frontiers in Chemistry, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích 259 mẫu nước đóng chai của 11 nhãn hiệu thông dụng khác nhau từ 19 địa điểm tại chín quốc gia. Họ đã tìm thấy 93% trong số đó có chứa các hạt vi nhựa với trung bình 325 hạt vi nhựa trong mỗi lít nước được bán ra. Kết quả nghiên cứu đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải vào cuộc điều tra sự an toàn của nước đóng chai. Và mới đây các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nồng độ cao của các hạt vi nhựa ngay cả trong tuyết ở Bắc Cực và dãy An-pơ (Alps).

Một nghiên cứu của Tiến sĩ Melanie Bergmann và Tiến sĩ Gunnar Gerdts từ Viện nghiên cứu Alfred Wegener (AWI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Cực Helmholtz ở Đức được công bố vào ngày 14 tháng 8 trên tạp chí Science Advances (Tiến bộ khoa học) cho thấy: bầu khí quyển hấp thụ các hạt vi nhựa nhỏ này, vận chuyển chúng qua khoảng cách rất xa và sau đó trả lại chúng vào không khí qua tuyết.

Nhóm TS. Melanie Bergmann và TS. Gunnar Gerdts, đã cung cấp dữ liệu quốc tế đầu tiên về vi nhựa trong tuyết, và cũng chứng minh rằng nồng độ đáng kể của loại vật liệu nhân tạo này có thể được phát hiện ở các địa điểm cực kỳ xa xôi như Bắc cực và núi cao An-pơ. Nghiên cứu này rất được giới khoa học quan tâm bởi cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về chủ đề và số lượng, các hạt vi nhựa được vận chuyển trong khí quyển.

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nature Geoscatics (Địa chất tự nhiên) vào tháng 4 năm nay cho thấy tại một vùng núi xa xôi ở Pyrenees (một dãy núi phía tây nam châu Âu), hơn 350 hạt microplastic được tìm thấy trong nước mưa tự nhiên mỗi ngày trên một mét vuông - mặc dù không có thành phố lớn hay khu công nghiệp nào gần đó. Năm 2015, các nhà khoa học Pháp cũng đã chứng minh rằng nước mưa và nước thải ở Paris có chứa các hạt vi nhựa.

TS. Melanie Bergmann cho rằng: "Rõ ràng là một số lượng lớn vi nhựa theo tuyết vào trong không khí. Có lẽ, chúng đến từ tận châu Âu". Lý thuyết này được hỗ trợ bởi các nghiên cứu cũ hơn về hạt phấn hoa. Các hạt phấn hoa cũng có thể phát tán đến tận Bắc Cực trong không khí. Phấn hoa có kích thước tương tự như các hạt vi nhựa. Bụi của sa mạc Sahara cũng có khả năng bao phủ khoảng cách từ 3500 km trở lên, đến tận Đông Bắc Đại Tây Dương.

Với các điều kiện khí tượng, không có nghi ngờ gì về suy đoán của các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Alfred Wegener rằng phần lớn các hạt vi nhựa ở châu Âu, và đặc biệt là ở Bắc Cực, được tìm thấy trong không khí và tuyết. "Cách thức phát tán độc đáo này cũng giải thích mức độ cao của vi nhựa mà chúng tôi đã tìm thấy trong các nghiên cứu trước đây về băng biển Bắc Cực và biển sâu", TS. Melanie Bergmann nói.

 

Nguy cơ khi hít phải

“Hạt vi nhựa nguy hiểm như thế nào đối với con người chúng ta?” TS. Gunnar Gerdts xác nhận rằng: Cho tới nay, hầu như không có nghiên cứu nào được thực hiện về vấn đề này. Ông nói: "Chúng tôi luôn mong muốn phân tích kỹ hơn về bầu không khí, bởi vì việc này đóng một vai trò quan trọng, nhưng nghiên cứu phụ thuộc vào rất nhiều thứ, bao gồm cả tài trợ."

TS. Melanie Bergmann cho biết: "Khi chúng tôi phát hiện ra rằng một lượng lớn hạt vi nhựa được vận chuyển bằng không khí, câu hỏi đặt ra một cách tự nhiên là mức độ chúng ta hít phải vi nhựa như thế nào và chúng ta bị ô nhiễm theo cách này. Một vài kết quả cũ từ nghiên cứu y học đã cung cấp những manh mối đầu tiên".

Trả lời phỏng vấn với đài truyền hình CNN, Giáo sư Frank Kelly, giám đốc trung tâm nghiên cứu môi trường tại trường đại học King, London, hiện đang nghiên cứu về vi nhựa trong không khí tại London, nhấn mạnh: "Vi nhựa không chỉ tiếp cận con người qua biển, mà còn qua không khí. Đó là điều. Câu hỏi đặt ra là nồng độ của chúng trong không khí là bao nhiêu".

GS. Frank Kelly và các đồng nghiệp đã nghiên cứu 50 học sinh tại Trường tiểu học Lordship Lane ở Haringey, phía bắc London và đưa ra kết luận rằng sự phát triển phổi của trẻ em đang bị ức chế do sự giải phóng vi nhựa từ lốp xe hơi. GS. Frank Kelly giải thích: "Chúng tôi nhận thấy rằng một số thành phần giải phóng ra khi mòn phanh, cùng với vi nhựa từ lốp xe, sẽ gây ra các phản ứng bất lợi trong phổi, theo thời gian sẽ không tốt cho sức khỏe của con người".

TS. Gunnar Gerdts cũng xác nhận, không có ước tính cụ thể về nguy cơ hít phải: "Hầu như không có nghiên cứu nào về nguy cơ hít phải các hạt vi nhựa trong không khí".

Một trong số ít các phân tích và thí nghiệm là một nghiên cứu của Đan Mạch được công bố trên tạp chí Scientific Reports vào tháng 6 năm nay. Nghiên cứu cho thấy: Ở mức độ nào thì bầu khí quyển trong nhà vẫn bị nhiễm các hạt vi nhựa. Nghiên cứu sử dụng mô hình nhiệt hô hấp manikin (một mô hình giải phẫu của cơ thể con người). Các mẫu được lấy từ ba căn hộ và được phân tích bằng Quang phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (Quang phổ FTIR). Tất cả các mẫu đều bị nhiễm vi hạt, với nồng độ từ 1,7 đến 16,2 hạt trên một mét khối. Nghiên cứu kết luận rằng các hạt vi nhựa đại diện cho một tỷ lệ rất nhỏ của các hạt trong không khí trong nhà có thể bị hít phải và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Về thành phần của các hạt vi nhựa được tìm thấy, polyester (chủ yếu là polymer tổng hợp) chiếm ưu thế trong tất cả các mẫu (81%), tiếp theo là polyetylen (5%) và nylon (3%).

(còn tiếp)

DS Nguyễn Hải Đăng

 

Nguồn: https://www.medscape.com/viewarticle/917200

https://www.reuters.com/article/us-health-water/plastic-particles-in-drinking-water-present-low-risk-who-idUSKCN1VC003

https://www.who.int/news-room/detail/22-08-2019-who-calls-for-more-research-into-microplastics-and-a-crackdown-on-plastic-pollution

Tags

Tin liên quan