Nỗ lực chế tạo vắc-xin và thuốc phòng chống dịch COVID-19

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

12/03/2020 00:07

463

Dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Hiện tại, chưa có phương pháp hoặc phác đồ nào chứng minh được sự hiệu quả điều trị đối với loại virus SARS-CoV-2 này.

Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu và thử nghiệm trên khắp thế giới về vắc-xin và thuốc để chống lại loại virus mới này.

Đối với vắc-xin

Vắc-xin hoạt động bằng cách giúp hệ miễn dịch nhận biết và chống lại các loại virus hoặc vi khuẩn khi chúng xâm nhập. Việc Trung Quốc công bố sớm chuỗi trình tự gene của SARS-CoV-2 đã cho phép các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới bắt đầu việc nghiên cứu vắc-xin mà không cần phân lập mẫu virus sống.

Một số nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp “plug-and-play”, tức là tạo vắc-xin thông qua vật chất di truyền (RNA hoặc DNA) đặc trưng cho từng loại virus. Ở Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ lại sử dụng phương pháp khác được phát triển bởi Công ty U.S. Biotech Moderna Inc. Các nghiên cứu này đều được tài trợ từ các nhóm khẩn cấp y tế toàn cầu gọi là Liên minh các phát minh để phòng chống dịch bệnh (CEPI). Công ty Novavax Inc cho biết, họ đã tạo ra thành công một loại vắc-xin tiềm năng cho Coronavirus và hiện đang được tiếp tục đánh giá thử nghiệm.

Các công ty dược phẩm lớn khác bao gồm Sanofi và Johnson & Johnson cũng đang trong quá trình nghiên cứu với sự hỗ trợ của Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh Hoa Kỳ (Barda). Còn ở Trung Quốc, nơi vụ dịch bùng phát, các quan chức cho biết họ cũng đang thử nghiệm nhiều loại vắc-xin được tạo ra bằng các phương pháp khác nhau như vắc-xin tái tổ hợp.

Cuộc đua tìm vắc-xin phòng ngừa SARS-CoV-2.

Thuốc và phác đồ điều trị

Để đẩy nhanh việc phát triển các phác đồ điều trị, các bác sĩ lâm sàng hiện đang sử dụng một số loại thuốc hiện có với hy vọng tìm ra hợp chất có tác dụng chống lại SARS-CoV-2. Thuốc galidesivir của Công ty Biocstall Enterprises Inc. hoạt động bằng cách tác động vào khả năng sao chép của virus đã cho thấy triển vọng trong việc điều trị hiệu quả và an toàn ở những người tình nguyện hỗ trợ bởi Cơ quan Nghiên cứu và phát triển y sinh Hoa Kỳ (Barda).

Trong khi đó, Công ty Regeneron Enterprises Inc. đang phát triển loại thuốc miễn dịch REGN3048-3051 - một sự kết hợp của 2 loại kháng thể được lấy từ những con chuột biến đổi gene để tạo ra kháng thể giống với con người.

Công ty Gilead Science Inc. lại thử nghiệm thuốc remdesivir trong việc điều trị virus Corona, bước đầu đã cho thấy hiệu quả khi thử nghiệm ở khỉ. Họ đã hợp tác với các nhà nghiên cứu Trung Quốc để tiến hành 2 thử nghiệm lâm sàng được điều phối bởi Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản tại Bắc Kinh. Các nghiên cứu dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4 năm nay.

Tại Trung Quốc, thuốc kaletra - một loại thuốc điều trị HIV, hay ở Nhật Bản, thuốc favipiravir cũng đang được thử nghiệm. Các thuốc này đã cho thấy hiệu quả sơ bộ trong một thử nghiệm lâm sàng ở 70 bệnh nhân tại thành phố Thâm Quyến.

Ngoài ra, thuốc chống sốt rét chloroquine phosphate cũng đang được thử nghiệm tại 10 bệnh viện ở Trung Quốc với hơn 100 bệnh nhân. Kết quả sơ bộ cho thấy nó có một số tác dụng nhất định ở các bệnh nhân viêm phổi do SARS-CoV-2.

Một phương pháp khác được các nhà khoa học Trung Quốc thử nghiệm là truyền máu của những người đã khỏi bệnh cho những người đang mắc bệnh. Được biết, đây là một kỹ thuật được sử dụng trong việc phòng chống bệnh dại, bạch hầu và các bệnh nhiễm trùng khác. Cho đến nay, 11 bệnh nhân bị viêm phổi nặng đã cho thấy sự cải thiện đáng kể với phương pháp điều trị này mà không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các nhà nghiên cứu và các công ty dược phẩm trên toàn thế giới hiện đang nỗ lực từng ngày trong cuộc đua phát minh ra vắc-xin và các phương pháp điều trị hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2. Theo dự đoán của các chuyên gia, có thể mất hơn 1 năm nữa mới có thể sản xuất được vắc-xin. Hy vọng rằng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt ở Trung Quốc và các nơi khác sẽ cho các nhà khoa học đủ thời gian có thể phát triển được vắc-xin và các phương pháp điều trị hiệu quả khác.

Hà Xuân Nam

((Theo medscape.com))

Tags

Tin liên quan