Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
730
Đặc điểm của Millennial chính là: Họ là một thế hệ dễ chuyển việc, họ cũng đòi hỏi cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và yêu cầu của họ về một môi trường làm việc lí tưởngcũng khác so với thế hệ trước. Nhưng chừng nào thì những điều này là đúng và tốt, mà chừng nào thì chúng lại trở thành hàng rào ngăn cản ta lớn lên?
Thùy Lâm 25 tuổi, đã tốt nghiệp đại học được gần 3 năm, nhưng đến nay cô ấy vẫn là một freelancer, với lí do "không phù hợp với môi trường công sở 8 tiếng". Lâu lâu, cô ấy lại khuấy động Facebook bằng việc khoe một chỗ làm mới vô cùng phù hợp, một công việc mà cô tin rằng sẽ gắn bó lâu dài. Nhưng chỉ cần chưa đến 2 tháng, nàng sẽ lại tung ảnh ăn chơi nhảy múa, tuyên bố đã nghỉ việc, "tế" toàn bộ công ty cũ bằng một bài đăng dài và "hại não" người đọc trên mạng xã hội.
Giống như cô nàng đi làm chỉ để tìm thêm một lí do nghỉ việc mới: "Bị trù dập", "sếp thiên vị", "đồng nghiệp dốt", "muốn sống cuộc đời riêng ngoài công sở"... Có một thời gian, nàng tham gia một khóa học dài hạn, nhưng cũng đứt gánh giữa đường với lí do "Mâu thuẫn với bạn học trong lúc làm việc nhóm".
Đây là một ví dụ điển hình trong tâm lý học về một người bị "cắm chốt" ở một giai đoạn trong cuộc đời. Không thể thay đổi thành con người mới thoả mãn những yêu cầu hoàn toàn khác của giai đoạn tiếp sau trong sự phát triển.
Thùy Lâm là một câu chuyện mà nếu chỉ nghe qua lời giải thích từ phía cô nàng, bạn sẽ thấy "Ừ thì ai chẳng có lúc như thế". Nhưng một khi thực sự suy xét, bạn sẽ nhận ra đây là một ví dụ điển hình trong tâm lý học về một người bị "cắm chốt" ở một giai đoạn của cuộc đời, không thể thay đổi để trở thành một con người mới, thỏa mãn những yêu cầu hoàn toàn khác của giai đoạn tiếp sau của sự phát triển. Cụ thể ở đây là giai đoạn trưởng thành.
Thùy Lâm chính là một người trẻ không thể đương đầu với những trách nhiệm của sự trưởng thành, nghĩa là đón nhận thách đố từ cuộc đời, nhận lãnh nỗi đau, rèn ý thức kỉ luật, từ bỏ những ấu trĩ và cố chấp của bản thân, rời xa sự tự do của lối sống phóng túng. "Không phù hợp với môi trường công sở" chính là không thể rèn bản thân vào kỉ luật của giờ giấc, nội quy, deadline.
"Bị trù dập" không gì khác hơn là không thích nghi được với các mối quan hệ công sở, điều hòa được cư xử bản thân trong sự phức tạp của đa dạng cá tính. Nghiêm trọng hơn, chính là không thể từ bỏ được tình trạng ấu trĩ trẻ con: Cố chấp với "sự tài giỏi" của bản thân và từ chối việc đáp ứng đòi hỏi từ bên ngoài.
Đôi khi, điều ấy còn có nghĩa là cư xử tùy tiện, làm việc không nguyên tắc, lệch lạc về các giới hạn. "Muốn sống cuộc đời riêng ngoài công sở" chẳng qua chính là lười biếng. "Mâu thuẫn với bạn cùng nhóm trong lúc làm việc" nghĩa là không chấp nhận nổi việc bị thế giới làm lơ hoặc khước từ "cái tôi tài giỏi" của mình.
Một điều cần phải khẳng định ở đây là tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những khủng hoảng của giai đoạn "tiền-trưởng thành" này, và bằng cách này hay cách khác, ai cũng phải quằn quại để lột xác và tiếp tục bước đi. Đó là những đòi hỏi đương nhiên của sự phát triển tâm lý người. Nhưng với Thùy Lâm, ta có thể dễ dàng nhận thấy cô nàng không bao giờ ở lại đủ lâu trong một hoàn cảnh ngặt nghèo để học được cách lớn lên.
Mỗi khi gặp chuyện không vừa ý, cô nàng lập tức bỏ chạy, và phủ lên sự thất bại ấy bằng những hình ảnh long lanh của một chuyến đi xa xôi, hoặc bằng những status bàn chuyện "đạo lý làm người" của một "nạn nhân" bị tập thể vô minh nào đấy khước từ.
Và đâu đó trong thế hệ Millennial (sinh ra vào khoảng giữa năm 1980 tới 2000), đặc biệt là lớp cuối của thế hệ này - vốn mỏng manh hơn, lại sinh trưởng trong một thế giới giàu có đủ đầy hơn, ta sẽ thấy rất nhiều những Thùy Lâm như thế.
Trước khi đi vào những câu chuyện "em đi xa quá" của thế hệ Millennial, có lẽ chúng ta cần công bình nhìn nhận sự khác biệt và tính độc đáo của thế hệ này.
Đặc điểm của Millennial chính là: Họ là một thế hệ dễ chuyển việc, họ cũng đòi hỏi cân bằng giữa công việc và cuộc sống, và yêu cầu của họ về một môi trường làm việc lí tưởngcũng khác so với thế hệ trước. Quan trọng nhất, họ là một thế hệ chịu áp lực khủng khiếp từ mạng xã hội.
Cụ thể, theo một khảo sát của Anphabe, thế hệ Millennial quan trọng việc cân bằng công việc và cuộc sống hơn là mức lương trong công việc. Còn trong một báo cáo của Nielsen được thực hiện trực tuyến với hơn 30.000 nghiệm thể đến từ 60 quốc gia trên toàn cầu, thì kết quả cho thấy so với thế hệ X, tỉ lệ Millennial có khả năng rời bỏ công việc của mình sau hai năm cao gấp 2 lần.
Mặt khác, theo một nghiên cứu của tập đoàn Deloitte từ năm 2016 thì gần 75% thế hệ Millennial cho rằng chính sách "làm việc tại nhà" hoặc "làm việc từ xa" là quan trọng và lý tưởng nhất.
Mặt khác, theo một nghiên cứu của tập đoàn Deloitte từ năm 2016, thì gần 75% thế hệ Millennial cho rằng chính sách "làm việc tại nhà" hoặc "làm việc từ xa" là quan trọng và lý tưởng. Như vậy, đây đã là những đặc tính mang ý nghĩa khác biệt thế hệ, và từ lâu, thế giới đã công nhận tính độc đáo này để thiết lập nên những môi trường làm việc lý tưởng cho giới trẻ và bày ra ngàn lẻ một kế sách để giữ chân nhân sự.
Mặc dù vậy, trong bất kỳ một đàn nào, luôn có những con dễ dàng lạc bầy và sống theo kiểu những chiếc ốc vít lỏng lẻo chỉ chực chờ rơi khỏi bản lề. Có những người trẻ đi quá xa và lệch lạc so với đặc tính thế hệ. Vậy thì, khi nào là đúng, mà khi nào là "xa"?
Những đặc tính của Millennial mang đến cho họ nhiều lợi thế so với lớp người trước. Chuyển việc thường xuyên (nhưng ít nhất 2 năm ở một nơi) giúp người trẻ giàu kinh nghiệm. Họ năng động và tự chủ. Việc cân bằng đời sống cá nhân giúp họ có những trải nghiệm sống thú vị và quay lại phục vụ cho công việc, ví dụ như sức sáng tạo, sự hiểu biết, mạng lưới mối quan hệ rộng. Mong đợi của họ về một môi trường công sở linh hoạt, cho phép làm việc tại nhà hoặc làm việc từ xa cho thấy người trẻ có thể sẵn sàng làm việc ở bất cứ nơi đâu…
Nhưng tất cả những đặc tính này chỉ đúng khi cá nhân ấy hiểu rằng bất kì một công việc nào cũng đòi hỏi sự dấn thân đến tận cùng. Và quyết định ra đi nào cũng đòi hỏi lòng can đảm đối diện những câu hỏi đau đớn thậm chí ê chề nhất.
Nếu bạn chỉ làm việc ở một doanh nghiệp được 1-2 năm, thì 1-2 năm ấy đòi hỏi một sự dấn thân kiên quyết vào việc học hỏi, đương đầu với khó khăn, học cách làm việc nhóm. Để đảm bảo rằng sau bấy nhiêu thời gian, bạn bước đi khi đã là một người lớn hơn so với ngày bạn bước vào.
Và bạn để lại được những gì hoàn toàn khác biệt so với khi nơi ấy chưa hề biết bạn là ai. Nó khác với nhảy việc vì những lý do trời ơi đất hỡi như "mới chia tay người yêu", "làm việc nhiều mệt", "trầm cảm Thu-Đông", "cãi nhau trong cuộc họp", "bị đồng nghiệp nói xấu"...
Bên cạnh đó, để biết được bạn ra đi vì "cần sự mới mẻ", hay thực chất đây là một cuộc trốn chạy, thì bạn cần hiểu rằng mỗi cuộc khủng hoảng này đây chính là khúc quanh của cuộc đời, nơi bạn tự bẻ gãy mọi cố chấp ấu trĩ, hạ xuống hết mọi tường cao lũy dày của cái tôi cũ kĩ, để trả lời thành thật các vấn đề sau.
Bạn có đang muốn chuyển việc vì các nguyên nhân không tốt (thiếu cố gắng, chịu áp lực kém, tính thích nghi kém, lười biếng, không quản lí được cảm xúc cá nhân và không quản lí được bản thân)? Bạn có phải là một người tắc trách hay không? Bạn đã cố gắng đủ chưa, có xông pha đủ chưa, có dấn thân đến tận cùng chưa?...
Chúng ta chỉ ra đi khi không còn gì để học hỏi, nhưng nhiều người lại chọn đường thoái lui vì có quá nhiều thứ khúc mắc chưa giải quyết xong ở nơi chốn cũ. Bất cứ khi nào chúng ta thoái lui vì không thể đương đầu thì cũng là lúc ta rơi vào "cái bẫy", mà từ đó về sau dù ta tự bịt mắt và tưởng rằng mình đã đi rất xa thì thực chất ta vẫn còn đang loanh quanh ở cái hố trong cuộc trốn chạy năm nào.
Sự sai lệch trong cách sống và làm việc của một bộ phận giới trẻ ngoài việc các đặc tính thế hệ bị hiểu sai, còn có một nguyên nhân xuất phát từ đặc tính thời đại: Sự xuất hiện và bành trướng của mạng xã hội cùng áp lực của nó lên đời sống cá nhân.
Trong một cuộc khảo sát của Tổ chức Y tế Anh Quốc, thực hiện trên 2.000 người độ tuổi từ 22 đến 26 tuổi, kết quả cho thấy người trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực hơn so với thế hệ trước. Đặc biệt là dưới tác động của mạng xã hội, nó tạo ra áp lực phải sống ảo, thay vì trưởng thành thật. Cuộc khảo sát cho kết quả có đến 80% người trẻ cảm thấy áp lực nặng nề vì mạng xã hội.
Những hình ảnh long lanh và các câu chuyện huyền ảo bủa vây khắp mọi nơi chính là một nguyên nhân thúc đẩy người trẻ chẳng những mong muốn nhiều hơn mà còn phải nhanh hơn. Thế là họ tin rằng sẽ có lối tắt ở đâu đó mang họ đến với thành công, chứ không phải là tại đây, ngay những vấn đề đáng ghét và những con người cũng đáng ghét trong cuộc sống hiện tại này, ngay tại công sở buồn chán và áp lực làm việc kinh khủng này, ngay tại cái tôi còn ấu trĩ mà họ phải đập vỡ để xây lại này.
Họ nghĩ lối tắt để đến với thành công không cần phải thông qua sự trưởng thành. Vậy là thay vì dấn thân và đương đầu để lớn lên, họ thấy nhanh hơn nếu bỏ chạy và bập vào một cái gì đó mới mẻ hơn, trông có vẻ dễ dàng hơn.
Vậy đấy, thường thì, con người ta trưởng thành bằng cách rời bỏ nơi cũ đến một nơi mới, nhưng cũng lắm khi, phải là bằng cách quay trở lại nơi cũ bằng một con người mới! Dù tuổi trẻ của bạn có như một chú chim bay nhảy luôn muốn chuyền cành, thì cũng đừng bao giờ quên không có đường ngang nẻo tắt nào cho sự trưởng thành ngoài con đường dấn thân.
Khánh Linh
Tin liên quan
TRUNG THU MÙA WFH
18 - SepOctNovDec