Nhảy việc cuối năm – bài toán đánh đổi!

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

01/12/2020 00:08

612

Thời điểm cuối năm và bài toán nhảy việc là nên hay không nên dường như chưa bao giờ hết “hot” với mọi người đi làm. Vậy đâu là những điểm bạn cần cân-đong-đo-đếm trước khi đưa ra quyết định cho mình?

 

Bạn đã làm việc ở công ty hiện tại một thời gian dài. Mọi thứ ở công ty đều gần như hoàn hảo: sếp và đồng nghiệp như người một nhà; công việc hàng ngày đã quá quen thuộc, thậm chí trở thành sở trường của bạn; chỗ ăn trưa, đường đi làm, bãi đậu xe,… đều quá gần gũi. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, lương tháng 13, thưởng Tết đang đến gần. Bạn có đủ lí do để lướt qua những cơ hội việc làm mới như một “người dưng”. Và nhảy việc cuối năm liệu có thực sự là một nghịch lí?

Nhảy việc cuối năm – bài toán đánh đổi giữa tiền thưởng với thu nhập tương lai

Vào thời điểm cuối năm, đợi lương tháng 13 – thưởng Tết hay nắm bắt cơ hội việc làm trong mơ? Trả lời cho câu hỏi này thực chất là bạn đang tính toán bài toán đánh đổi giữa tiền thưởng với thu nhập tương lai.

Theo tổ chức Legal Technology Solutions (LTS), với một nền kinh tế phát triển tốt, nhân viên khi nhảy việc sẽ được tăng ít nhất 20% lương, so với mức tăng mỗi năm chỉ từ 5 – 10%

Một bài viết trên Forbes cũng cho biết nếu bạn ở lại một vị trí nhiều hơn hai năm với mức lương không thay đổi, tổng số lương của cả cuộc đời bạn sẽ bị giảm đến 50%.

Tương tự, giả sử mức lương hiện tại của bạn là 10 triệu VNĐ. Hãy thử làm một bài toán nhỏ với tổng thu nhập năm 2018 của bạn (I18) để xem quyết định nghỉ việc cuối năm có thực sự là khôn ngoan:

  • Trường hợp 1: Bạn ở lại công ty và được một khoảng tiền thưởng Tết trung bình bằng 1 hoặc 2 tháng lương của bạn. I18 sẽ tầm khoảng 130 – 140 triệu đồng.
  • Trường hợp 2: Bạn tìm được một cơ hội việc làm khác vào tháng 11, với mức lương tầm 15 triệu VNĐ và bắt đầu làm việc từ tháng 12. Bạn mất đi khoản thưởng Tết, và I18 trong trường hợp này rơi vào khoảng 125 triệu đồng.

Khoảng chênh lệch lớn nhất giữa hai trường hợp trên là 15 triệu đồng, một khoảng tiền không hề nhỏ. Nhưng hãy thử nhìn xa hơn, mức thu nhập năm 2019 của bạn sẽ vượt lên ít nhất 60 triệu đồng khi ở thời điểm đó bạn quyết định nhảy việc. Như vậy nhảy việc cuối năm là một nghịch lí sinh lời.

Nhảy việc cuối năm – cú lội ngược dòng với xu thế tuyển dụng

Không quá lạ lẫm khi thị trường tuyển dụng Việt Nam sau Tết Âm Lịch, rơi vào quý 1 và quý 2 hàng năm lúc nào cũng được đánh giá là sôi động bùng nổ, tất nhiên cũng là thời kì “khắc nghiệt” nhất trong năm bởi đa số người đi tìm việc có tâm lí đợi thưởng và nhảy việc sau Tết. Đặc biệt, theo một báo cáo của chuyên về tuyển dụng, tại TP. Hồ Chí Minh, để có việc làm, 1 lao động phải ‘chọi’ với 48 người khác. Trong đó, những ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao là hành chính/thư ký, tiếp theo là kế toán, sản xuất, cấp quản lý điều hành.

Vậy nếu theo tổng kết nghiên cứu về chiến lược của hai giáo sư Kim và Mauborgne tại Viện INSEAD của Pháp, chiến lược “Đại dương xanh” là chiến lược tìm kiếm cho mình những cơ hội trong một môi trường không có cạnh tranh hoặc sự cạnh tranh là không cần thiết, thì có thể nói thời điểm cuối năm này chính là “đại dương xanh” của người tìm việc, là cơ hội đón đầu những cơ hội việc làm và giảm tỉ lệ chọi của mình xuống thấp nhất có thể, đặc biệt là ở những trung tâm kinh tế lớn và nhiều sự cạnh tranh.

Hơn nữa, đa số ứng viên khi đi xin việc thường khá dễ dàng chấp nhận các điều khoản mà nhà tuyển dụng đưa ra nhằm sớm vượt qua phỏng vấn và có được công việc. Tuy nhiên vào thời điểm này, bạn có nhiều cơ hội hơn để đàm phán với nhà tuyển dụng. Hãy tận dụng điều này để đề xuất các yêu cầu chính đáng của bạn về lương, thưởng, công việc, hợp đồng…

Nhảy việc cuối năm – từ bỏ cơ hội thăng tiến hay bắt lấy cơ hội “định giá” bản thân

Nhiều người đi làm vẫn tin vào nguyên lí làm việc càng lâu, cơ hội thăng tiến càng lâu. Không ít người đi làm thường nhắc bản thân rằng đợi làm đủ 2 năm, hay 3 năm để chờ cơ hội được thăng chức mà bỏ qua nhiều cơ hội việc làm mới. Tuy nhiên, ở thời đại mới hiện nay, đó đã trở thành lỗi thời ở các công ty, tập đoàn lớn.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia tuyển dụng và người đi làm có kinh nghiệm, mỗi người đi làm chúng ta nên xem xét hết các cơ hội công việc mới nếu có, và mỗi năm nên cập nhật CV, đi phỏng vấn 1-2 lần để “định giá” lại bản thân, đánh giá xem với kinh nghiệm, kỹ năng của mình hiện tại thì thị trường lao động đánh giá thế nào, để nhận biết bản thân mình thực sự giỏi hay chưa giỏi mảng nào, từ đó có thể cập nhật, phát triển bản thân nhiều hơn. Đi phỏng vấn đồng thời cũng là là cơ hội tốt nhất để tìm hiểu về thang lương, môi trường làm việc, văn hóa của các công ty.

Tuy nhiên, bất kì quyết định nào cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro. Những quyết định nhảy việc quá vội vàng lại càng tăng khả năng người tìm việc ứng tuyển cho những vị trí công việc không phù hợp với thế mạnh và kì vọng của bản thân. Hơn nữa, vào thời điểm cuối năm, nhiều công ty có khối lượng công việc tăng đột biến, thiếu hụt nhân lực nhiều khả năng sẽ dẫn đến phát sinh những vị trí tuyển dụng tạm thời, không lâu dài hoặc chưa có lộ trình thăng tiến, phát triển rõ ràng cho nhân viên mới sẽ là một lí do đáng để bạn cân nhắc trước khi quyết định từ bỏ khoảng lương thưởng trước mắt và vội vàng nhảy việc trước Tết.

Vậy nên, nếu môi trường làm việc hiện tại vẫn là một nơi bạn có thể ở lại trong khoảng thời gian chỉ vài tháng mà không tồn tại những mâu thuẫn hoặc sự không thỏa mãn quá lớn, lựa chọn ở lại và hoàn thành tốt công việc của mình trong thời gian đó, và cân nhắc cẩn thận cho một cơ hội việc làm mới sau Tết đôi lúc sẽ là những quyết định đúng đắn hơn rất nhiều trước khi đi đến bài toán đánh đổi để nắm bắt những cơ hội nói trên.

Dù lựa chọn như nào cũng luôn cần những sự đánh đổi nhất định! Hãy phân tích thật kỹ và vững tin với lựa chọn của bản thân mình!

Tags

Tin liên quan