Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
832
Mới đây, bài chia sẻ "Nghỉ đi, đừng sợ!" của tác giả Hạ Chi đã được chia sẻ rất nhiều trên MXH. Từng là cây viết quen thuộc được yêu mến tại một tạp chí dành cho giới trẻ trong suốt nhiều năm liền nhưng sau đó, Hạ Chi bất ngờ chuyển hướng sang làm Marketing. Sau 3 năm gắn bó với công việc, cô tiếp tục nghỉ việc và chuyển sang một công ty mới. Hiện tại, Hạ Chi đang là Creative Strategy Manager tại một công ty quảng cáo, sáng tạo.
Tác giả Hạ Chi
Quan điểm: "Mình tự nói với bản thân, khi mà mỗi ngày thức dậy không còn thấy muốn làm việc nữa, mà chỉ lấy mệt mỏi, áp lực, thì điều duy nhất cần làm là dừng lại" của cô nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của cư dân mạng.
Nghỉ việc là một quyết định khó khăn với bất kì ai
Khi được hỏi rằng thông điệp của cô có phải là đang khuyến khích các bạn trẻ nhảy việc thoải mái không, Hạ Chi cho biết: "Chấm dứt một mối quan hệ, dù là nghỉ việc - nghỉ chơi hay nghỉ yêu thì cũng gây mất mát cho cả hai phía. Phía công ty thì mất nguồn lực, mất đi sự đầu tư vào nhân sự đó. Phía nhân viên thì mất chỗ làm, mất lương, mất mối quan hệ. Vậy nên, nghỉ việc nên là một quyết định có cân nhắc và tính toán. Tuy nhiên, quan điểm của tôi vẫn là: Đã không thấy yêu thích việc mình đang làm nữa, thì hãy dừng lại".
Hạ Chi quan niệm rằng công việc không bao giờ chỉ là công việc. "Chúng ta đi làm 8 tiếng mỗi ngày, đi ngủ 8 tiếng và 8 tiếng còn lại cho mọi sinh hoạt khác. Nếu chỉ làm việc để sinh sống thì ta lỗ to vì đang đánh đổi 1/3 thời gian quý báu của cuộc đời chỉ để giữ an toàn cho 1/3 thời gian còn lại. Như vậy, để tối ưu thời gian - tôi phải "sống" trong cả 8 tiếng làm việc. Muốn vậy, phải chọn công việc mà mình có thể vui vẻ để làm".
Theo cô, khi đã không còn sự vui vẻ đó nữa, mỗi ngày bạn đi làm sẽ thấy chán nản, căng thẳng, "khó ở". Bạn sẽ không muốn đầu tư thêm cho những gì mình làm. Bạn không còn năng lượng để sáng tạo, để học hỏi nữa. Tức là mỗi ngày, bạn sẽ chết dần đi trong 1/3 thời gian. Lúc đó thì dù bạn có đang làm công việc trong mơ của nhiều người, buổi sáng bạn cũng không muốn thức dậy để đi làm.
Được biết, Hạ Chi đã từng phân vân cả năm trước khi dám nghỉ việc. Cô chia sẻ mình mất nhiều thời gian vì sợ và tiếc: sợ thất nghiệp, sợ không có tiền, sợ sự thay đổi, sợ làm lại từ đầu, tiếc tâm sức mình đã bỏ ra. Nhưng rồi, cô vẫn quyết định: "Nhảy đi. Rồi tính tiếp".
Trước khi nghỉ việc, ai cũng phải đối diện với tâm lí sợ và tiếc
Để khép lại bài chia sẻ "Nghỉ đi, đừng sợ" của mình, Hạ Chi viết:
"Nghĩ rằng cái đang có đây, dù làm mình đau là mệt, là cái phao cuối cùng giữa bể đời.
Không phải đâu.
Buông phao đi, sẽ thấy trời cao đất rộng, thoả chí tang bồng.
Phải can đảm về phía mình trước, rồi vũ trụ sẽ đáp lời".
Dưới đây là nguyên văn bài của Hạ Chi:
"Hồi năm 2013, mình làm báo thấy hết vui. Hết vui tức là không nhìn được công việc mình làm tạo ra giá trị gì. Không thấy được mình sẽ phát triển tiếp như thế nào. Không còn cảm thấy vui vẻ khi bước vào cơ quan nữa. Viết bài mà cực như đi cày. Từ lúc mình thấy hết vui tới lúc mình nghỉ việc là khoảng 6 tháng. Lại mất thêm 1 năm nữa mới thực sự rời bỏ lĩnh vực báo chí. Mình mất nhiều thời gian vì SỢ.
- Sợ thất nghiệp, không có tiền
- Sợ không biết làm gì tiếp theo, lỡ như mình chỉ có mỗi khả năng viết lách, nhảy qua cái khác làm dở như hạch thì sao.
- Sợ mất những gì đang có. Bao gồm mất danh xưng "phóng viên", "cây bút", "chủ mục". Mất vị thế. Mất mối quan hệ.
- Sợ sự thay đổi.
- Sợ phải làm lại từ đầu.
Sau đó thì mình làm marketing. Và làm suốt 3 năm ở công ty cũ. Tháng 5 năm ngoái, mình lại nghỉ việc ở đó. Và mình cũng mất cả năm từ lúc thấy cần phải dừng lại đến khi thực sự dừng lại. Chung quy vẫn là SỢ những nỗi sợ như trên, và thêm TIẾC. Ở lại càng lâu thì càng tiếc. Tiếc tâm sức đã bỏ ra.
Mình đã muốn tìm kiếm một nơi dừng chân mới, rồi mới dám nghỉ. Nhưng sau đó mình đổi ý. Mình tự nói với bản thân, khi mà mỗi ngày thức dậy không còn thấy muốn làm việc nữa, mà chỉ lấy mệt mỏi, áp lực, thì điều duy nhất cần làm là dừng lại.
Nhảy đi. Rồi tính tiếp.
Vì ở lại, chịu đựng, là phản bội chính mình và không công bằng với những người đang làm việc cùng mình.
Nghỉ đi, dù chưa biết chặng tiếp theo làm gì.
Cũng giống như khi không yêu nhau được nữa, người ta cần rời đi.
Dù rất có thể, rời đi rồi sẽ sống một mình và rất lâu rất lâu nữa mới tìm được một mối quan hệ mới.
Mình quyết định rằng với mình, "làm việc" là một dạng tình yêu, một mối quan hệ cần tôn trọng. Sự tôn trọng thể hiện bằng việc mình chấp nhận cái giá của sự tự do. Chẳng hạn như... thất nghiệp.
Nhưng mình chỉ nghỉ được đúng 1 tuần. Và tìm được một tình yêu mới. Một an bài may mắn.
Sau những lần dừng lại như vậy, mình học được cách ra quyết định kiên định và dũng cảm hơn. Quan điểm của mình là:
- Cái bánh đang ăn không ngon nữa, thì không ăn tiếp. Mình tôn trọng vị giác và bao tử của mình trước.
- Những mối quan hệ không phù hợp thì không tiếp tục. Mình tôn trọng cảm giác của bản thân và thời gian của cả hai.
- Việc không muốn làm sẽ không làm. Cái gì không muốn nhận thì sẽ nói không. Vì mình sẽ không thể làm cho đàng hoàng. Và sẽ có người thực sự muốn làm, làm tốt hơn mình.
Mình là người ra quyết định và chịu trách nhiệm. Mình không phải là nạn nhân. Thế nên cái gì mình làm, sẽ làm với niềm vui, với lòng biết ơn, với tinh thần rực rỡ nhất. Và chấp nhận trả giá.
Viết - nhân đọc bài báo về cô giáo im lặng 3 tháng lên lớp. Và nhớ về vài người mình biết, đi làm mỗi ngày như một chuyến lưu đày. Mình không tin người hạnh phúc với công việc đang làm có thể cư xử như vậy. Nhưng không hạnh phúc mà vẫn quyết định làm tiếp, thì lại là sợ và tiếc. Như mình từng.
Nghĩ rằng cái đang có đây, dù làm mình đau là mệt, là cái phao cuối cùng giữa bể đời"
Không phải đâu.
Buông phao đi, sẽ thấy trời cao đất rộng, thoả chí tang bồng.
Phải can đảm về phía mình trước, rồi vũ trụ sẽ đáp lời.
Tin liên quan
TRUNG THU MÙA WFH
18 - SepOctNovDec