Ngành dược quý I: Kinh doanh bất lợi, cổ phiếu bất ổn

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

29/04/2020 00:06

676

Ngành dược được đánh giá là ngành có thể được hưởng lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế quý I/2020, doanh thu và cổ phiếu của khối này lại kém hơn kỳ vọng...

Theo dữ liệu từ FiinPro, hầu hết các doanh nghiệp ngành dược đều báo lãi tăng trong quý I năm nay trong đó, doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất ngành dược là Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) với 177 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019. Với kết quả trên, công ty hoàn thành 27% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tổng hợp kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp ngành dược. Nguồn: FiinPro

Công ty cho biết, nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao trong dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các sản phẩm tăng sức đề kháng giúp doanh thu tăng 12%, lên 858,5 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn tổ chức hệ thống phân phối và kết nối khách hàng tốt, tập trung bán các sản phẩm chủ lực, triển khai dự án tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất giúp tiết giảm chi phí.

Công ty Pymepharco (HoSE: PME) đứng thứ 2 về lợi nhuận quý đầu năm. Pymepharco ghi nhận 75 tỷ đồng, tăng 8% - mức tăng khiêm tốn so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Công ty Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) cho biết, doanh thu quý I đạt 304 tỷ đồng, tăng 11% và lợi nhuận sau thuế là 41 tỷ đồng, tăng 13%. Imexpharm cho biết doanh nghiệp đã cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào các sản phẩm chủ lực có giá trị và lợi nhuận biên cao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tiếp tục mở rộng thị trường và kết thúc các chương trình bán hàng, nhờ đó, thúc đẩy lợi nhuận tăng.

Imexpharm kỳ vọng hoạt động kinh doanh sắp tới tăng trưởng mạnh nhờ kênh ETC (kênh bệnh viện). Cụ thể, doanh thu năm 2020 dự kiến đạt 1.750 tỷ, tăng 23,3% cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế là 260 tỷ đồng, tăng 17%. Như vậy, doanh nghiệp ngành dược đã hoàn thành 17% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận.

Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng chung của toàn ngành dược, 3 doanh nghiệp là Dược phẩm Domesco (HoSE: DMC), Dược phẩm Agimexpharm (UPCoM: AGP) và Dược phẩm Trung Ương 2 (UPCoM: DP2) báo lãi giảm trong quý I trong đó, cái tên đáng chú ý nhất là Dược phẩm Domesco. Doanh nghiệp công bố doanh thu giảm 6% còn 290 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid-19 lên doanh số bán hàng. Cộng thêm các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lên, công ty báo lãi gần 43 tỷ đồng, giảm 15%.

Domesco cho biết, chi phí tăng do đảm bảo thu nhập cho người lao động và tăng chi phí trang bị phòng chống dịch, chi phí khác để đảm bảo sức khỏe và môi trường làm việc trên toàn hệ thống công ty.

Khó khăn do dịch Covid-19

Ngành dược được dự báo tăng trưởng nhờ đặc điểm dân số Việt Nam già hóa, xu hướng tiêu dùng chăm sóc sức khỏe... Tuy nhiên, ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 gây tác động đến nguồn nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Từ đó, các doanh nghiệp dược có thể phải chuyển qua nhập khẩu từ các khu vực khác với giá thành cao hơn.

Trong báo cáo thường niên năm 2019, ban lãnh đạo Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định - Bidiphar (HoSE: DBD) cho biết, nguyên liệu chính cho sản xuất chủ yếu là nhập khẩu (chiếm hơn 80%). Trung Quốc là nhà cung cấp các nguyên vật liệu lớn nhất thế giới trong khi hàng loạt nhà máy không thể hoạt động do dịch bệnh Covid-19 khiến cho tình trạng chậm trễ hoặc không giao hàng, nguyên liệu tăng giá. Đa số các nhà sản xuất đều tạm ngừng báo giá, các hợp đồng đã ký kết trước đó thì lùi lịch giao hàng hoặc chưa có lịch giao hàng vì thiếu hụt nguồn cung.

Thêm vào đó, thời gian vận chuyển hàng hóa bị kéo dài do khoảng 80% thương mại hàng hóa toàn cầu thực hiện qua đường biển. Trung Quốc là nơi có 7 trên 10 cảng với lưu lượng tàu ra vào lớn nhất thế giới. Để hạn chế lây lan của dịch bệnh Covid 19, Trung Quốc đã ra quyết định phong tỏa, cách ly một số thành phố đồng nghĩa với việc tàu biển không thể cập cảng. Do đó, quá trình bốc dỡ và xếp hàng hóa diễn ra với tiến độ chậm cùng với số lượng lớn tàu vận chuyển và container kẹt ở các cảng Trung Quốc. Xu hướng giá cả thị trường cũng khó dự đoán do ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tương tự Bidiphar, chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng bày tỏ lo ngại dịch Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng hoạt động sản xuất hoạt chất đầu vào (API) tại Trung Quốc, từ đó giảm biên lợi nhuận gộp của các sản phẩm tự sản xuất của Dược Hậu Giang trong năm 2020.

Mặt khác, sự phụ thuộc cao vào kênh nhà thuốc đầy cạnh tranh và danh mục sản phẩm ít khác biệt sẽ hạn chế tăng trưởng doanh thu của công ty. VCSC cũng cho rằng mạng lưới phân phối của Dược Hậu Giang ở kênh nhà thuốc đã gần như bão hòa, cơ hội tăng trưởng từ mở rộng điểm bán sẽ không còn nhiều.

Theo một báo cáo của chứng khoán FPT, các doanh nghiệp không có đủ nguồn nguyên liệu dự trữ như Dược Hậu Giang, Domesco, SPM có thể bị ảnh hưởng nhiều. Dịch bệnh kéo dài sang quý II có khả năng khiến các doanh nghiệp này phải tìm các nguồn cung khác ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, có giá thành cao hơn và làm giảm biên lợi nhuận gộp. Tỷ lệ nguyên liệu tồn kho /chi phí nguyên liệu sử dụng cuối năm 2019 của Domesco chỉ là 9%, Dược Hậu Giang là 13,8% và SPM là 14,6% - thuộc nhóm thấp nhất trong các doanh nghiệp sản xuất thuốc.

Cổ phiếu tăng trưởng không như kỳ vọng

Trong báo cáo nghiên cứu của các công ty chứng khoán, dược phẩm là ngành được đánh giá cao giữa đại dịch Covid-19. Vì vậy, cổ phiếu dược phẩm được tin là ngành hiếm hoi có thể giúp nhà đầu tư gia tăng lợi nhuận. Thế nhưng, thực tế không phải như vậy.

Cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang và DHT của Dược phẩm Hà Tây có nhiều phiên tăng trần nhưng chỉ duy trì trong khoảng thời gian ngắn. Tính chung hơn 3 tháng đầu năm 2020, DHT vẫn đi lùi.

Trong khi đó, cổ phiếu IMP của CTCP Dược phẩm Imexpharm là mã duy trì được tăng trưởng dương nhưng tốc độ tăng vẫn khiêm tốn.

Chốt phiên chiều ngày 28/4, IMP dừng ở mức 53.600 đồng/cổ phiếu, tăng 5.200 đồng/cổ phiếu so với thời điểm đầu năm 2020. Vốn hóa thị trường của IMP hiện đạt hơn 2.600 tỷ

Mã cổ phiếu MKV của Dược thú y Cai Lậy còn thê thảm hơn khi không thể “tan băng”. MKV có chuỗi ngày bất động ở mức giá 10.800 đồng/cổ phiếu. MKV không có biến động về giá khi không có bất cứ giao dịch nào phát sinh trong thời gian dài.

Đức Hậu - Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Tags

Tin liên quan