Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
542
Thị trường đầy tiềm năng
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 2010 đến nay, doanh thu ngành dược luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này cho đến năm 2022. Tuy ngành dược trong nước đã có bước tiến mạnh mẽ, nhưng mới chỉ đáp ứng được 52,5% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại phải thông qua nhập khẩu.
Hiện tại Việt Nam có khoảng 180 doanh nghiệp (DN) sản xuất dược phẩm (bao gồm cả DN trong nước và DN FDI), khoảng 194 nhà máy thuộc 158 DN đạt chuẩn GMP- WHO (thực hành tốt sản xuất thuốc). Sản xuất trong nước chủ yếu là các dạng bào chế đơn giản, sản xuất các loại thuốc generic (sản xuất trực tiếp tiêu thụ trong nước và gia công thuê cho các DN nước ngoài). Trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 60.000 tấn nguyên liệu dược phẩm các loại, trong đó 80% - 90% nguyên liệu dược phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện nay, khi Việt Nam chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng và thực chất vào nền kinh tế toàn cầu, mức độ mở cửa của ngành dược sẽ ngày càng lớn. Xu hướng M&A giữa các DN dược trong nước và các DN nước ngoài diễn ra mạnh mẽ cả trong lĩnh vực sản xuất lẫn phân phối.
Đơn cử như Abbott (Mỹ) sở hữu 51,7% cổ phần của Domesco và mua lại Công ty cổ phần Dược phẩm Glomed; Taisho Pharmaceutial (Nhật Bản) cũng đã tăng sở hữu tại Công ty Dược Hậu Giang lên 34,3%; Adamed Group (Ba Lan) cũng đã chi 50 triệu USD để thâu tóm 70% cổ phần của Đạt Vi Phú (Davipharm)... Ông Ramesh Anand, Chủ tịch Hiệp hội DN Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết các DN Ấn Độ có mối quan tâm ngày càng tăng trong việc đầu tư và kinh doanh với Việt Nam, bởi đây là một thị trường tiềm năng và là cầu nối để tiếp cận toàn bộ khu vực Đông Á.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh và năng động ở châu Á, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe có chất lượng đang tăng lên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một điểm đến thu hút đối với khách du lịch quốc tế và du lịch chăm sóc sức khỏe. Số lượng trung tâm chăm sóc sức khỏe đang tăng lên để phục vụ sự gia tăng của khách du lịch nước ngoài. Do đó, Việt Nam là thị trường quan trọng đối với các sản phẩm thảo dược và dược liệu Ấn Độ. Trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế, Ấn Độ xác định Việt Nam là thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng.
M&A ngành dược sẽ tiếp tục sôi động
Các chuyên gia cũng nhìn nhận rằng, ngành dược được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh 10% - 15%/năm trong các năm tới và quy mô thị trường trong năm 2019 sẽ đạt giá trị 7,3 tỷ USD. Việc thực hiện M&A góp phần giúp các DN Việt Nam không chỉ nâng cao kỹ năng quản trị DN mà còn mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, phát triển mạng lưới phân phối…
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, bên cạnh sự thành công thì các thương vụ M&A cũng tiềm ẩn những rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến tranh chấp, kiện tụng và đổ bể. Vì vậy, trước khi thực hiện bất cứ một thương vụ nào, DN, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ đối tác, lịch sử hoạt động, cũng như hiểu biết rõ các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là sau khi đã ký kết. Đặc biệt, để cạnh tranh thành công và có thể không phải “bán mình”, các DN trong nước buộc phải chi các khoản đầu tư lớn vào công nghệ, dây chuyền sản xuất, quản lý hàng tồn kho, gia tăng năng lực marketing, hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, phải tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM, cho biết hiện nay DN Việt Nam đã vươn rộng hơn và xa hơn tới những thị trường mới. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và DN tham gia đầu tư. Các DN dược kỳ vọng việc bắt tay với DN nước ngoài sẽ mang thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN sản xuất dược phẩm trong nước, hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn (như EU-GMP, PIC/S…); việc kết nối với các nhà bán lẻ lớn sẽ giúp hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm.
Song, các DN nước ngoài đang chiếm ưu thế nhờ tiềm lực tài chính mạnh mẽ, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), bề dày kinh nghiệm. Do đó, ngoài việc mạnh tay đầu tư cho sản xuất thì các DN trong nước cần đẩy mạnh hợp tác để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tăng cơ hội tiếp cận ở phân khúc cấp cao, cũng như xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Minh Hải
Sài Gòn Giải Phóng
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec