Ngành dược dịch chuyển tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

25/08/2019 00:01

773

Các chuỗi bán lẻ dược phẩm không ngừng mở rộng quy mô, những thay đổi về chính sách hay sự gia tăng đầu tư vào ngành dược đang mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường BMI, ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt quy mô 7,7 tỉ USD vào năm 2020, với mức tăng trưởng hàng năm 10,3% giai đoạn 2017-2020. Theo báo cáo Triển vọng đầu tư tư nhân 2019 vừa công bố hồi tháng 5, Grant Thornton đánh giá đây là 1 trong 6 ngành hấp dẫn đầu tư tư nhân nhất tại Việt Nam trong năm tới.

Thị trường dược phẩm Việt Nam dựa vào tiềm năng quy mô số dân lên đến trăm triệu người với tốc độ già hóa ngày càng nhanh, trong khi mức thu nhập của người dân đang được cải thiện. Grant Thornton cũng nhận định đầu tư vào ngành y tế nói chung và lĩnh vực dược nói riêng sẽ bùng nổ theo làn sóng khởi nghiệp công nghệ đang trở thành xu thế chiếm lĩnh.

TS.Ngô Anh Ngọc trao đổi tại hội thảo sáng 23.8. Ảnh: BTC

Tại hội thảo bàn về sự tăng trưởng, mô hình kinh doanh và xu hướng chuyển dịch trong ngành dược do công ty tư vấn Babuki tổ chức cuối tuần rồi, các đại biểu ví ngành này như "nồi nước đang nóng lên" và cơ hội chỉ dành cho những ai kịp "nhảy ra khỏi đó".

Theo dược sĩ Ngô Anh Ngọc, CEO của Babuki, sự chuyển dịch này tạo nhiều cơ hội cho các công ty Việt Nam. Với mức tăng hàng năm hai con số nhưng thị trường phân mảnh, vài công ty lớn nhất cũng chỉ có doanh thu vài ngàn tỉ đồng, chưa đến 5% thị phần. "Thị trường càng phân tán thì cơ hội càng nhiều,” theo ông Ngọc.

Các cơ hội nằm ở nhiều khâu trong ngành dược, từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ. 

Về phân phối, sự thay đổi chính sách đang tác động lớn đến các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Trước đây các công ty này không được nhập khẩu dược phẩm nhưng được mở kho, nay thì ngược lại được phép nhập sản phẩm nhưng không được mở kho.

Sự thay đổi này lại thành cơ hội cho các công ty phân phối Việt Nam. Với định hướng chuyên môn hóa để cạnh tranh, các hãng phân phối lớn như Zuellig Pharma hay DKSH chuyển hướng tập trung vào phát triển sản phẩm, tạo xu hướng chuyển lại công đoạn phân phối cho đối tác. 

Điều đó tạo ra cơ hội cho các công ty có năng lực về chuỗi, từ kho bãi, giao nhận, kinh nghiệm đấu thầu ở bệnh viện cho đến kinh nghiệm cạnh tranh người dùng, các mối quan hệ khách hàng…

Tuy nhiên đây cũng là thách thức lớn, theo ông Ngọc, tại Việt Nam chưa có nhiều công ty đáp ứng cùng lúc các điều kiện như vậy. "Một công ty phân phối tốt có thể M&A với công ty có nhiều kinh nghiệm trong ngành dược để tận dụng cơ hội mới ở thị trường phân phối,” ông Ngọc nhận định.

Đối với lĩnh vực sản xuất, theo bà Nguyễn Hoài Thu – trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp công ty chứng khoán Rồng Việt, trong tương lai gần, doanh nghiệp sản xuất dược Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thuốc nhờ nhiều quốc gia có chính sách thúc đẩy các loại thuốc generic (thuốc tương tự biệt dược gốc và đã hết thời hạn bảo hộ phát minh).

Bà Thu ví dụ với chính sách thúc đẩy giảm chi phí trên mỗi bệnh nhân, chính phủ Nhật đang ưu tiên sử dụng các loại thuốc generic để giảm giá thành thuốc. “Nhiều công ty dược của Nhật tìm kiếm đối tác gia công thuốc tại Việt Nam, có thể tạo ra xu thế xuất khẩu thuốc trong thời gian tới vì đa số công ty dược tại Việt Nam đều là nhà sản xuất,” theo bà Thu.

Về bán lẻ, cơ hội đến từ sự gia tăng mạnh số lượng các chuỗi dược phẩm gần đây, như Long Châu, Pharmacity, Phano, VinFa... Các thương hiệu này sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa các chuỗi bán lẻ và đẩy quy mô lên vài ngàn trong những năm tới, làm thay đổi bộ mặt bán lẻ của ngành này. Các chuỗi này được đánh giá sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của kênh OTC (thuốc không kê đơn).

Nhận định về sự thay đổi của thị trường dược theo các hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết, các doanh nghiệp cho rằng lợi thế có thể thấy rõ là giảm thuế nhập khẩu, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm chất lượng từ các thị trường phát triển, giúp đa dạng nguồn cung và tạo ra nhiều lựa chọn tốt hơn cho người dân.

Tuy nhiên TS.Ngọc cho rằng đây cũng là thách thức lớn bởi các sản phẩm dược nhập khẩu thường chịu thuế khoảng 15% sẽ giảm về 0%, khiến độ cạnh tranh khắc nghiệt hơn với sản phẩm trong nước. "Trong cuộc chiến về giá và chất lượng, các công ty trong nước bắt buộc vừa nâng cao chất lượng vừa giữ nguyên mức giá thì mới duy trì được sự hài lòng của người tiêu dùng,” ông Ngọc khuyến cáo.

Theo bà Thu, doanh nghiệp dược cần định hình rõ chiến lược kênh, ví dụ chú trọng kênh bệnh viện (ETC) hay kênh nhà thuốc (OTC). Các tiêu chuẩn đang ngày càng chặt chẽ, mức độ đòi hỏi ngày càng cao hơn. Chẳng hạn hiện để đấu thầu kênh thuốc vào bệnh viện, doanh nghiệp chỉ đạt chuẩn WHO-GMP là chưa đủ mà phải nâng cấp lên chuẩn EU-GMP hay PIC/S–GMP.

“Khi đã có nguồn đầu tư, vấn đề quan trọng của các doanh nghiệp dược là phải định hình rõ chiến lược. Xu thế của doanh nghiệp dược tất yếu là tập trung nhiều hơn vào việc sản xuất thuốc có giá trị cao, vì thế cần xác định đầu tư cho R&D là quan trọng, nếu chỉ cạnh tranh về giá thì rất khó để tồn tại,” bà Thu khẳng định. 

Bích Trâm - ForbesVietnam

Tags

Tin liên quan