Mối nguy kháng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

02/04/2021 00:11

683

Kháng sinh thông dụng điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trước đây có thể kém hiệu quả do kháng thuốc, gây nhiều khó khăn, nên cần sử dụng hợp lý.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Phác đồ điều trị kháng sinh đối với các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng đang đối mặt với không ít thách thức.

Nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng thường gặp ở người lớn và trẻ em dưới hai dạng là nhiễm khuẩn hô hấp trên và nhiễm khuẩn hô hấp dưới. Nhiễm khuẩn hô hấp trên hay gặp là viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan có mủ do vi khuẩn, viêm họng. Nhiễm khuẩn hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...

Phó giáo sư, tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc cho biết, thách thức lớn nhất đến thời điểm hiện tại đối với điều trị nhiễm khuẩn nói chung và nhiễm khuẩn hô hấp nói riêng là vi khuẩn kháng thuốc. Vi khuẩn kháng thuốc phát triển với tốc độ nhanh chóng và ở mức độ đáng báo động hơn nhiều so với thời điểm cách đây 15, 20 năm, kể cả vi khuẩn gây bệnh thông thường.

Nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn hô hấp ở cộng đồng thường gặp là vi khuẩn phế cầu streptococcus pneumoniae, vi khuẩn gram âm như haemophilus influenzae (HI) và moraxella catarrhalis... Những vi khuẩn này bình thường rất nhạy cảm với kháng sinh.

Phó giáo sư Hoàng Anh chia sẻ thêm, có những nhóm kháng sinh được coi là lựa chọn ưu tiên cho điều trị nhiễm khuẩn hô hấp như nhóm kháng sinh beta lactam (như amoxicilline, ampicilline...), kháng sinh nhóm cephalosporine hay nhóm kháng sinh macrolid (erythromycin, azithromycin) trong trường hợp bệnh nhân dị ứng với kháng sinh beta-lactam. Tuy nhiên, kết quả các nghiên cứu trên các chủng vi khuẩn phân lập từ nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng ở Việt Nam hiện nay cho thấy, vi khuẩn gây bệnh đã đề kháng với các kháng sinh thông dụng này ở mức độ cao.

Phó giáo sư Hoàng Anh lấy ví dụ với vi khuẩn phế cầu. Những nghiên cứu đa trung tâm ở châu Á - Thái Bình Dương trên chủng vi khuẩn phế cầu hay gặp ở Việt Nam có tỷ lệ kháng thuốc luôn đứng đầu trong các nước. Vi khuẩn này kháng nhóm beta-lactam tỷ lệ khoảng 10-20%, kháng với nhóm macrolide trên 80%. Vi khuẩn thứ hai thường gặp ở nhiễm khuẩn hô hấp trẻ em là hemophilus influenza (HI). Tỷ lệ kháng của HI với nhóm beta lactam thông thường như amoxicilline có thể lên đến 60%.

Điều này dẫn đến mối nguy là những kháng sinh thông dụng cách đây 20 năm, bây giờ hiệu quả kém đi rất nhiều, thậm chí có thể điều trị thất bại, cần sử dụng kháng sinh mới hơn, các loại kháng sinh dự trữ vốn chỉ được dành cho các trường hợp vi khuẩn kháng lại kháng sinh thông thường. Nếu không có chiến lược quản lý kháng sinh phù hợp thì trong tương lai cả kháng sinh dự trữ và các kháng sinh mới cũng sẽ dần mất đi tác dụng, Phó giáo sư Hoàng Anh nói thêm.

Phác đồ sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn hô hấp

Theo Phó giáo sư Hoàng Anh, muốn phác đồ điều trị bằng kháng sinh hiệu quả phải tuân thủ nghiêm ngặt 5 nguyên tắc gồm:

- Chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn. Kháng sinh không có tác dụng trên virus, căn nguyên chính thường gặp trong các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng. Sử dụng kháng sinh khi không có đủ bằng chứng nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính dẫn đến lạm dụng kháng sinh.

- Nếu kê đơn kháng sinh phải chọn kháng sinh hợp lý, có phổ tác dụng bao phủ được vi khuẩn gây bệnh. Chọn kháng sinh cần phải dựa trên đặc tính dược động học (khả năng thấm của kháng sinh vào ổ nhiễm trùng), dược lực học (tác dụng của kháng sinh trên vi khuẩn gây bênh), nguy cơ nhiễm vi sinh vật kháng thuốc và ảnh hưởng của kháng sinh trên các cơ địa người bệnh đặc biệt (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, tiền sử dị ứng thuốc, người bệnh có suy giảm chức năng gan, thận và mức độ nặng của nhiễm khuẩn). Quan điểm chọn kháng sinh mạnh nhất, đắt tiền nhất, phổ rộng nhất để điều trị các nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng là không phù hợp.

- Dùng kháng sinh đúng liều, đúng cách, đủ thời gian. Liều kháng sinh rất quan trọng, có khi cho liều kháng sinh dưới mức liều điều trị trước đây có thể có hiệu quả nhưng bây giờ do vi khuẩn kháng thuốc hoặc giảm nhạy cảm với kháng sinh hơn thì cần sử dụng với liều mới để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Lưu ý thời gian điều trị phải đủ, không được ngắn hay quá dài. Một phác đồ điều trị kháng sinh ít nhất 5 ngày, thông thường 7-10 ngày. Nếu không dùng đủ, dù các dấu hiệu lâm sàng được cải thiện nhưng chưa tiêu diệt hết vi khuẩn có thể quay lại gây tái phát nhiễm trùng. Khi bệnh tái phát, vi khuẩn đó đề kháng với những kháng sinh đã sử dụng trước đó.

Nếu cần phối hợp kháng sinh phải phối hợp kháng sinh hợp lý. Trong một số ít trường hợp nhiễm khuẩn nặng, bác sĩ điều trị khi chưa biết nguyên nhân vi khuẩn gây bệnh sẽ dựa trên đánh giá lâm sàng của mình đánh giá nguy cơ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc hoặc nhiễm nhiều loại vi sinh vật gây bệnh. Bác sĩ có thể sử dụng phác đồ phối hợp kháng sinh để bao phủ tối đa các vi sinh vật gây bệnh và đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn đầu điều trị.

Phác đồ phối hợp này sau đó cần được điều chỉnh theo đáp ứng lâm sàng và kết quả vi sinh (nếu có) trong quá trình điều trị. Điều này nhằm giảm thiểu áp lực kháng sinh không cần thiết và tránh các tác dụng không mong muốn của kháng sinh trên người bệnh.

Nếu không nắm được nguyên tắc, mục đích phối hợp kháng sinh rất dễ rơi vào tình trạng phối hợp kháng sinh không đúng, có thể làm đối kháng hoặc mất tác dụng của phác đồ kháng sinh. Nếu vô tình phối hợp kháng sinh có cùng tác dụng không mong muốn sẽ dẫn tới gia tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng không mong muốn liên quan đến kháng sinh hoặc tương tác thuốc với các thuốc khác đang được bệnh nhân sử dụng.

- Luôn theo dõi, đánh giá lại bệnh nhân cẩn thận trong quá trình điều trị. Một phác đồ kháng sinh không phải bệnh nhân cứ dùng phác đồ đó cho đến lúc nào hết thời gian điều trị. Thông thường, việc đánh giá người bệnh (khám lâm sàng, xét nghiệm thêm nếu cần thiết) thường sau khoảng 3 ngày để xem xét đáp ứng của bệnh nhân với phác đồ điều trị. Trường hợp bệnh nhân đáp ứng tốt có thể cân nhắc rút ngắn thời gian điều trị hoặc cần điều chỉnh phác đồ cho phù hợp và theo dõi thêm trong trường hợp ngược lại.

"Lựa chọn kháng sinh cần đảm bảo hợp lý và an toàn, có thể dễ nhớ hơn bằng quy tắc 4 chữ 'Đ' gồm đúng thuốc, đúng liều, đủ thời gian, đánh giá và theo dõi người bệnh đúng cách", Phó giáo sư Hoàng Anh nói thêm.

Bệnh nhân nên chủ động tìm hiểu thông tin, tư vấn của các bác sĩ và các dược sĩ liên quan đến các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng để được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình một cách tốt nhất trong những giai đoạn giao mùa.

Chung tay ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh là chương trình giáo dục bệnh dành cho công chúng được phối hợp thực hiện bởi Hội Hô hấp TP HCM và Văn phòng đại diện GSK Việt Nam.

Ngọc An - VNExpress

Tags

Tin liên quan