LẮNG NGHE CHIA SẺ CỦA MỘT DƯỢC SĨ LÂM SÀNG

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

06/05/2020 00:06

1243

Nếu trước đây, người Dược sĩ chỉ nghiên cứu những vấn đề xoay quanh viên thuốc thì ngày nay, người Dược sĩ làm công tác Dược lâm sàng không chỉ am hiểu về kiến thức chuyên môn, mà họ còn đảm nhiệm việc thông tin, tư vấn đầy đủ và chính xác cho bác sĩ, điều dưỡng, và bệnh nhân. Đây là một ngành nghề đang và hứa hẹn sẽ mang đến nhiều triển vọng cho ngành Dược nước ta. Để mọi người biết rõ hơn về ngành Dược lâm sàng, hãy theo dõi bài này nhé

- Những năng lực và kĩ năng một Dược sĩ Dược lâm sàng

Đối với một dược sĩ công tác trong lĩnh vực Dược lâm sàng, mình cần có những yêu cầu tối thiểu về năng lực. Đầu tiên, đó là năng lực chuyên môn. Ví dụ như tụi em sẽ có những kiến thức nền về Dược, về thuốc và về bệnh, cũng như là những thứ liên quan về thuốc thì bắt buộc Dược sĩ mình phải biết rồi!

Và bên cạnh kiến thức về chuyên môn thì tụi em cũng cần phải có những kĩ năng riêng nữa. Ví dụ như phải có những kĩ năng về giao tiếp, bởi vì bạn sẽ là người giao tiếp với bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân. Ở mỗi đối tượng khác nhau, mình cần có kĩ năng phù hợp với từng đối tượng đó. Hoặc kĩ năng về đàm phán và thuyết phục chẳng hạn khi bạn có vấn đề gì đó cần trao đổi với bác sĩ, và kĩ năng tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân nữa v.v…

 

 Công việc hàng ngày của một Dược sĩ Dược lâm sàng

Có 2 mảng: Một là Dược sĩ lâm sàng phụ trách đối tượng bệnh nhân nội trú và hai là phụ trách bệnh nhân ngoại trú.

Về công việc của Dược sĩ phụ trách bên mảng nội: Công việc này sẽ theo những việc vừa là thường quy (routine), vừa là phát sinh trong ngày. Một công việc thường ngày nhất là dược sĩ mình sẽ đi thăm khám (“đi buồng”) cùng với bác sĩ ở một khoa nào đó mà mình đã được phân công. Rồi sau khi “đi buồng” xong sẽ cùng với bác sĩ ngồi xuống, bác sĩ kê đơn, mình rà soát lại xem đó là ca bệnh mới hay cũ. Nếu đó là ca bệnh cũ thì mình xem có thay đổi gì so với ngày hôm qua, còn nếu như có ca bệnh mới thì mình phải thu thập thông tin từ đầu xem ca đó mình cần thêm gì và can thiệp những gì. Việc “đi buồng” này chiếm khoảng 2 tiếng vào buổi sáng (7g-9g sáng), sau đó các em sẽ cùng ngồi với bác sĩ cỡ 2 tiếng nữa (9g-11g), khoảng thời gian buổi chiều sẽ coi lại những ca mình đã can thiệp và tra cứu tài liệu, thông tin.

 

Những điều cần lưu ý

Điều đầu tiên quan trọng nhất khi làm công việc này chính là xác định rõ vai trò, vị trí của dược sĩ DLS là một tư vấn viên trong các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc, nghĩa là nhiệm vụ của bạn là đề xuất ý kiến và thuyết phục, còn quyền quyết định nằm ở bác sĩ điều trị. Điều này sẽ khiến bạn đỡ thất vọng khi không thống nhất được ý kiến với bác sĩ điều trị hoặc từ đó cách tiếp cận sẽ mềm mỏng hơn, tránh gây cảm giác “lấn sân”, gây cảm giác không thoải mái với bác sĩ điều trị.

Thứ 2 là cách giao tiếp, trao đổi với bác sĩ và các nhân viên y tế khác trong quá trình làm việc. Trước hết hãy lắng nghe xem bác sĩ mời DLS hội chẩn với mục đích gì: lựa chọn thuốc, điều chỉnh liều, tìm thuốc thay thế khi bị dị ứng, hay chỉ đơn giản là kí vào biên bản hội chẩn… Khi đã xác định xong, tập trung giải quyết vấn đề theo yêu cầu, ngoài ra nếu có bất kì đề xuất nào khác, thì nên gợi ý ở dạng câu hỏi để xem mức độ quan tâm của người khác đối với vấn đề mình đề xuất.

Thứ 3 chính là phải mạnh dạn trao đổi, chia sẻ thông tin trong quá trình làm việc. Khi có bất kì một trường hợp nào còn vướng mắc, hãy chia sẻ ngay với các dược sĩ khác để xem ý kiến của họ trong trường hợp này. Khi có cơ hội hãy nói chuyện với các bác sĩ điều trị, với các chị điều dưỡng, hay cả những lĩnh vực khác như vi sinh, hóa sinh, huyết học…bạn sẽ thu hoạch được những thông tin bất ngờ.

Thứ 4 chính là nguồn tài liệu tham khảo. Có hai loại: một loại chi tiết đầy đủ nhưng cồng kềnh, không phải lúc nào cũng mang theo bên cạnh; một loại nhỏ gọn, tiện dụng nhưng thông tin lại khá ngắn gọn. Những tài liệu có tính tin cậy cao, uy tín, cập nhật thường đều đòi hỏi phải trả một chi phí khá lớn. Để có được những tài liệu này với thu nhập vô cùng “hạn chế” như mình thì cách duy nhất là mạnh dạn “xin xỏ”. Nghe chỗ nào có sách hay, có tài liệu tốt là mình xin ngay, bất kể là ai. Một kinh nghiệm nho nhỏ nữa là để hạn chế tối thiểu tình trạng “đứng hình” khi đi hội chẩn do gặp phải vấn đề mình chưa biết hoặc chưa có kinh nghiệm thì hành trang của một dược sĩ DLS nhất thiết phải có là: một điện thoại smartphone có đăng ký kết nối và cài đặt một số phần mềm miễn phí như: medscape… và nếu có điều kiện thì xin xỏ thêm được những quyển dạng bỏ túi, tra cứu nhanh như “The Sanford Guide to Antimicrobial Therapy”…

Kinh nghiệm thứ 5: Ở Việt nam hầu hết các DS đều hoạt động DLS kiêm nhiệm, nên không phải lúc nào cũng có mặt ở khoa lâm sàng. Nếu có điều kiện, hãy xem lại những bệnh nhân mà mình đã được mời hội chẩn vài ngày sau đó. Điều này sẽ giúp mình đánh giá được hiệu quả của tư vấn mình đưa ra trước đó. Có nhiều khi cùng một tình trạng bệnh nhưng đáp ứng điều trị ở người này mà lại không hiệu quả với người khác. Thêm vào đó, việc mình theo dõi bệnh cũng khiến cho bác sĩ có cái nhìn thiện cảm hơn và hợp tác với mình tốt hơn.

Và cuối cùng, dù trang bị đầy đủ tâm lý và kiến thức thế nào thì cũng sẽ có lúc thất bại hoặc hiệu quả công việc không đánh giá được một cách rõ ràng sẽ làm bạn nản lòng, vậy thì phương thuốc cuối cùng chính là sự kiên trì và nổ lực không ngừng. Mình vẫn còn nhớ một bác sĩ đã từng nói, hàng tháng đều chờ xem “Tập san thông tin thuốc” của tổ DLS, không phải vì mong chờ nội dung trong đó, mà là vì tò mò muốn xem thử tại sao hàng loạt tập san khác ra vài số rồi thôi còn cái tập san này nó tồn tại lâu đến thế. Mình luôn tâm niệm “Hạnh phúc là con đường đi đến chứ không phải là đích đến” nên luôn tự nhủ nổ lực hàng ngày, tiếp tục cố gắng và tin tưởng vào một tương lai khởi sắc hơn của DLS.

Nguồn thông tin:nhipcauduoclamsang.com/

 

 

 

Tags

Tin liên quan