Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
1611
Thứ nhất cần phải nói rõ, nhân sự ngành Dược đã thừa vì số lượng đào tạo đã vượt qua nhu cầu tuyển dụng hàng năm, nhưng nhà tuyển dụng vẫn khó khăn trong việc tìm ra ứng viên phù hợp với vị trí tuyển dụng. Lý do là hầu hết sinh viên mới ra trường có nhiều thiếu sót trong thái độ, kỹ năng, quan hệ.
Có những đợt tuyển dụng Trình Dược Viên của công ty Dược Hậu Giang tại Nam Định, phỏng vấn sáu bạn học nhiều chuyên ngành khác nhau từ dược đến kinh tế nhưng cuối cùng chỉ chọn được một bạn. Hầu hết các bạn trượt trong đợt tuyển dụng là do không trả lời được những câu hỏi rất đơn giản như: ”Địa chỉ trụ sợ chính của doanh nghiệp ở đâu?”, “Sản phẩm chính của công ty là gì?”, “Giám đốc của doanh nghiệp tên là gì?”…. Cho nên ở đây các bạn đừng lo lắng việc quá nhiều người ứng tuyển vào một ví trí, mà hãy nên suy nghĩ làm thế nào mình thể hiện tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu tốt nhất cho doanh nghiệp.
Một vấn đề khác với sinh viên mới ra trường lo lắng là mình từ trước tới nay chỉ học kiến thức chuyên môn, không bao giờ đi học các khóa học rèn luyện thái độ, kỹ năng sống, cũng chưa có kinh nghiệm công việc làm việc và quan hệ nhiều thì làm sao kiếm được việc. Lo lắng này hoàn toàn đúng, vì trái ngược với thời gian cách đây hai đến ba năm, không doanh nghiệp nào muốn tuyển dụng một người chỉ biết học kiến thức chuyên môn mà không có kinh nghiệm công việc(kể cả công việc làm thêm), vì những người như này thường không có thái độ đúng đắn trong công việc(tự đánh giá mình quá cao, thiếu tính khiêm nhường, sẵn sàng nhảy việc…), thiếu kỹ năng mềm công việc(kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học hỏi,….) và quan hệ với các khách hàng tương lai. Để xử lý được vấn đề này chỉ có một cách duy nhất là bạn phải đi làm một số công việc có mức thu nhập thấp để tích lũy kinh nghiệm công việc thực tế và trong buổi phỏng vấn bạn phải thể hiện được thái độ tích cực, sẵn sàng xông pha trong công việc và cầu thị, chủ động học hỏi. Khi đó cơ hội được trúng tuyển sẽ cao hơn rất nhiều.
Khi bạn đã có một chút kinh nghiệm về công việc thực tế, lúc đó việc chuẩn bị phỏng vấn mới có ý nghĩa. Vậy trong vòng phỏng vấn các bạn phải chuẩn bị điều gì?
Điều đầu tiên các bạn cũng sẽ làm công việc tương tự như quy trình viết CV, đó là lên trên google search “Chuẩn bị phỏng vấn việc làm”. Sau khi dành tối thiểu 1 ngày để đọc về các điều cần chú ý, sau đó việc các bạn cần làm đó là viết kịch bản cho buổi phỏng vấn. Thông thường một buổi phỏng vấn sẽ thường trải qua 4 giai đoạn: Khởi động hỏi về thông tin cá nhân, hỏi về kinh nghiệm và kiến thức nghề nghiệp trong quá khứ và hiện tại, hỏi mô tả về công việc bạn ứng tuyển, kết thúc phỏng vấn và tạm biết. Bạn cần tìm hiểu kỹ trên mạng xem nhưng câu hỏi có thể xảy ra trong từng giai đoạn và xây dựng đề cương trả lời phỏng vấn. Đề cương càng kỹ càng, càng có tính đặc hiệu với đơn vị ứng tuyển thì khi trả lời phỏng vấn các bạn sẽ dễ dàng hơn. Nên nhớ rằng việc xây dựng đề cương thông thường chỉ giúp cho bạn chủ động trong 70% tình huống buổi phỏng vấn. Còn lại 30% các bạn sẽ hoàn toàn dựa vào năng lực giao tiếp của mình. Tuy nhiên với 70% chuẩn bị, bạn đã chủ động hơn rất nhiều so với việc thiếu chuẩn bị. Một điều rất quan trọng là các đơn vị luôn đánh giá cao nhất là các thái độ tốt, rồi mới đến kỹ năng mềm, rồi các quan hệ bạn có. Tuy nhiên để chứng minh những điều trên, bạn không thể chỉ nói “tôi thế này, tôi thế kia”, mà tất cả các phẩm chất tốt của bạn phải được chứng minh bằng những thành tích cụ thể, liên quan đến công việc.
Việc tiếp theo và quan trọng không kém là nhờ người trong người trong công ty hướng dẫn phỏng vấn và kiểm tra lại giúp bạn hồ sơ xin việc. Tốt nhất người này nên là người làm cùng ngành nghề và trong đơn vị bạn ứng tuyển.
Điều cuối cùng mà sinh viên ngành Dược cần chú ý là khi đến với buổi tuyển dụng, các bạn cần ăn mặc đẹp và trang điểm một chút. Đành rằng khi học đại học, các bạn không quan tâm nhiều đến vẻ bề ngoài của mình. Tuy nhiên khi đi phỏng vấn các bạn nên nhớ câu ngạn ngữ “Quen trọng dạ, lạ trong quần áo”. Người ta sẽ đánh giá các bạn chỉ trong vài giây ban đầu tiếp xúc, bề ngoài không đẹp, không trang trọng sẽ bị mất thiện cảm và rất khó gây dựng được trong vòng 15-30 phút phỏng vấn.
Chú ý đầy đủ các việc trên, cơ hội trúng tuyển công việc có thu nhập cao sẽ là khoảng 80%. Nhưng vẫn có nhiều bạn khi đi phỏng vấn trả lời rất trôi chảy, đến khi về thì mãi không được gọi đi làm. Có 2 lý do chính như sau:
- Bạn tốt nhưng không phù hợp với doanh nghiệp. Tùy theo từng công ty sẽ có phong cách làm việc hoàn toàn khác nhau. Tôi có một học viên, sau khi phỏng vấn trượt vị trí TDV OTC tại một doanh nghiệp lớn của Việt Nam thì bạn lại trúng vị trí TDV ETC của một hãng nước ngoài. Lý do là bạn ấy có phong cách nhẹ nhàng, không quá xông xáo thì sẽ phù hợp với vị trí TDV ETC hơn là OTC(phải xông pha, đi lại nhiều).
- Những gì bạn trả lời cho nhà tuyển dụng hoàn toàn dựa trên việc học thuộc, vay mượn thông tin từ người khác. Như tôi đã nói, việc viết CV và phỏng vấn tuyển dụng chỉ như mũi đinh. Mũi đinh có sắc mà các bạn không có thân đinh vững chắc, thì đinh sẽ bị gẫy. Mũ đinh không đầy đặn thì cái đinh sẽ không thể dùng để treo quần áo hay màn được. Vậy thân đinh và mũ đinh là gì, chính là 4 yếu tố mà tôi đã từng nói: Thái độ, kỹ năng, quan hệ và thành tích. Có 4 cái này cứng mà phỏng vấn hơi đuối vẫn được tuyển dụng như thường. Còn không có 4 cái này thì trả lời có hay đến mấy, nhà tuyển dụng cũng sớm nhận ra các thủ thuật bạn đã học để che dấu sự thật về bản thân và do đó từ chối tuyển dụng bạn
Tôi có thể kể kinh nghiệm cho các bạn về lần duy nhất tôi ứng tuyển làm TDV ETC tại một doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, tôi bị loại ngay ở vòng 2, không phải tôi trả lời không tốt, mà rõ ràng nhà tuyển dụng nhìn ngay là ngoài thái độ tốt, tôi chưa có kỹ năng bán hàng, không có quan hệ nhiều ở Việt Nam, không có thành tích cụ thể trong bán hàng… cho nên dù trả lời hay, thái độ đầy thuyết phục và tự tin, tôi vẫn trượt như thường. Nhưng ngược lại khi tôi nộp hồ sơ tuyển dụng làm giảng viên, mặc dù không quen biết ai trong trường, nhưng do tính chủ động tôi đã chủ động liên lạc với Phụ trách Bộ môn của tôi và được nhận ngay sau hai cuộc phỏng vấn với tổng thời gian khoảng 30 phút. Lý do rất đơn giản vì tôi có thái độ tốt chủ động tích cực, kiến thức chuyên ngành tốt học ở CHLB Đức, kỹ năng mềm có khả năng giao tiếp, thuyết trình tự tin, thành tích đi làm thêm trong và ngoài nước, có khả năng xây dựng quan hệ tốt với những người trong trường… Quan trọng nhất tôi đã thể hiện được mình phù hợp với công việc giảng viên.
Như vậy tôi đã trình bày cho các bạn các bước để phỏng vấn tìm việc làm có mức thu nhập cao. Để làm điều đó, bắt buộc bạn phải có đủ 4 yếu tố là thái độ tốt, kỹ năng công việc tốt, quan hệ tốt và thành tích tốt, những điều này chỉ có thể có khi bạn đã đi làm thêm. Khi đấy, bạn có thể bắt đầu việc chuẩn bị bằng cách tìm kiếm trên google “Hướng dẫn phỏng vấn tìm việc”, xây dựng kịch bản trả lời phỏng vấn, nhờ người quen phỏng vấn thử và nộp hồ sơ. Khi làm các bước trên, cơ hội trúng tuyển của bạn sẽ tăng lên đến 80%. 20% còn lại phụ thuộc vào phong cách của bạn có phù hợp với doanh nghiệp hay không, hay những điều bạn trả lời phỏng vấn là từ năng lực thật hay chỉ là từ những thủ thuật phỏng vấn bạn học. Chúc các bạn sớm tìm được công việc phù hợp với bản thân.
Trích từ: " LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÌM ĐƯỢC VIỆC LÀM CÓ MỨC THU NHẬP TỪ 15 – 30 TRIỆU – PHẦN 3 – KỸ NĂNG PHỎNG VẤN " - maixuanbach.com
Tin liên quan
TRUNG THU MÙA WFH
18 - SepOctNovDec