Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
649
1.Bạn có thấy mệt mỏi, thiếu sinh khí với công việc hiện tại hay không?
2.Thu nhập hàng năm của bạn có tăng thêm không? Hãy ngẫm xem nó tăng được bao nhiêu %. Bao nhiêu lần bạn thấy chán nản khi nhìn vào số dư tài khoản và nhận ra “bằng tuổi này rồi mà chưa tích lũy được gì?”
3.Sức khỏe bạn thế nào nhỉ?
Leo núi, đi chùa du xuân đầu năm tý tẹo mà mệt phờ? Cân nặng vẫn đang tăng không kiểm soát? Thẳng thắn đi, sức khỏe của bạn thật sự đang tỷ lệ nghịch với số tiền bỏ ra để mua thuốc rồi đó.
4. Ba năm qua, thử đánh giá lại xem bản thân đã trau dồi thêm được kỹ năng hoặc kiến thức nào rồi? Nếu không, phải chăng mình đã quá chủ quan về việc nâng cao năng lực của bản thân.
5.Nếu đã lập gia đình, hãy xem 3 năm qua hạnh phúc mà bạn có được ở mức nào? Tự vấn trong đầu thôi, không cần phải gào toáng lên đâu. Bình thường, nhàn nhạt, hay mâu thuẫn xung đột triền miên?
Nếu bạn đã có con, thử suy nghĩ xem có lúc nào bạn cảm thấy bất lực trước vấn đề dạy dỗ con cái không?
“Có những người chết ở tuổi 25 nhưng đến 75 tuổi mới được mang đi chôn cất".
Chỉ cần hỏi 5 câu hỏi, tôi có thể nhận định được sơ bộ người trước mặt “còn sống" hay không.
Vì sao? Nghe có vẻ rùng mình nhưng thực ra câu nói có ý niệm ngầm, tượng trưng cho một đời “tẻ nhạt” của con người.
25 tuổi, người ta mới chỉ bắt đầu những bước đi quan trọng trong công việc, lao động và cống hiến. 25 tuổi, cũng là thời gian ta có lấy sự cường tráng nhất, có một trái tim dồi dào nhiệt huyết để xứng đáng nhận lấy những thứ tươi đẹp nhất. Vậy mà nhiều lắm những người trẻ lại "chết", vào độ tuổi 25. Một "cái chết" trong tâm hồn, không chết về thể xác, mà "chết" về lí tưởng, khát vọng cuộc sống. 25 tuổi, không cống hiến, không lao động, ăn chơi và hưởng thụ, vô nghĩa và nhạt nhẽo… tất cả đã xây nên một "cái chết" thích đáng và hợp lẽ.
Từ thời gian đó trở đi ta gần như đã trở thành một người vô nghĩa, vô hình, vô giá trị; rồi tận 60 năm sau ta mới được mang đi chôn cất. Chôn cất cuộc đời vô nghĩa của mình.
Khủng hoảng tuổi 25: Tuổi trẻ - bất an và thất vọng.
Một nghiên cứu gần đây của các nhà tâm lý học Anh Quốc cho thấy giới trẻ hiện nay đang phải đối mặt với một trạng thái khủng hoảng tuổi 25. Loại khủng hoảng tâm lý này được phát triển theo 4 pha:
Pha 1: Bắt đầu bằng việc bạn có cảm giác bị gò bó vào một loại công việc (bạn không thích lắm) hoặc một mối quan hệ tình cảm lâu dài hoặc cả hai. Trạng thái này bất thình lình xảy ra khi bạn bắt đầu có cảm giác lý trí rằng mình đang bị ràng buộc, bạn có thể rũ bỏ nó nhưng trái tim lại bảo không nên. Thế là bạn cảm thấy bất an, loay hoay và bế tắc.
Pha 2: Xảy ra khi bạn nghĩ liên tục về một vấn đề đang bế tắc và loay hoay tìm cách để thay đổi sự thực. Tâm lý (trái tim) và thể chất (lý trí) của bạn lúc này sẽ bị phân chia rạch ròi, sẽ có nhiều cảm xúc khác nhau xuất hiện bên trong bạn. Bạn bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai, về những điều mới mẻ và bắt đầu tìm kiếm điều mình thực sự quan tâm, đi tham khảo và tự nhận định mọi thứ xung quanh bằng cảm quan riêng của mình.
Bạn bắt đầu nhấn ga với quyết định của bản thân, nhưng không rõ rằng mình đang đi lên, đi xuống hay lại đi lòng vòng. Khi đối mặt với khó khăn, bạn sẽ gặp phải phản ứng từ bên ngoài (cha mẹ, công việc, người yêu,...) và bạn bắt đầu cuống cuồng giải quyết bế tắc do mình tự tạo ra. Bạn sẽ trải qua một khoảng thời gian khó khăn, cảm giác như đang lao vào một cơn bão, mức độ cơn bão tuỳ thuộc vào cách xử lí của bạn - mọi thứ sẽ rối tung lên và bạn vật lộn trong cơn bão đó, cho đến khi bạn bắt đầu bình tĩnh trở lại để thấu đáo hơn - đây là giai đoạn vô cùng quan trọng.
Pha 3: (khi cơn bão tan) là chu kì bạn bắt đầu định hình ra một điều gì đó và có hướng lên kế hoạch xây dựng một cuộc sống mới, một kế hoạch mới cho mình.
Pha 4: Là lúc bạn bắt đầu củng cố và thực thi kế hoạch đó, bạn đã tìm ra được rõ ràng đam mê, niềm vui và giá trị của bản thân. Lúc này bạn dám thực thi những điều mới mẻ bất chấp thất bại hay thành công.
Không ai phân định được rõ ràng độ tuổi khủng hoảng này chính thức bắt đầu từ bao nhiêu, nó có thể chạy dài từ khoảng 20 tuổi đến 30 tuổi (có khi lên đến 35), tuỳ vào việc trải nghiệm sống (vào đời) của bạn sớm hay trễ. Thông thường, trạng thái này xảy ra khi bạn bắt đầu bước chân vào thế giới người lớn thực sự, sau khi rời khỏi ghế nhà trường và lao vào kiếm việc, đi làm một khoảng thời gian (từ 2-3 năm- hoặc có thể hơn nhưng không quá 5 năm).
Theo nghiên cứu, đây là giai đoạn ta chập chững bước ra khỏi vùng an toàn, ta muốn khám phá, trải nghiệm trước khi lao vào giai đoạn lập gia đình và dành dụm cho kế hoạch ổn định như mua nhà hay các thứ khác liên quan.
Nhưng hầu hết giới trẻ hiện nay đang vật lộn với công việc nhàm chán không như mình mong đợi. Cảm thấy bất an, thất vọng về điều gì đó, cô đơn thường trực và có áp lực vô hình nào đó không hình dung được về tương lai, môi trường sống bất ổn xung quanh mình.
Vì thế một "cái chết" lâm sàng từ những năm 25 tuổi đã không còn là chuyện của riêng ai nữa rồi.
Nhưng cũng sẽ có những cuộc đời khác? Là có những người chết từ tuổi 25, nhưng họ lại được sinh ra lần nữa vào năm 30 tuổi.
Phải, có những người chết ở độ tuổi 25 - một "cái chết" thê thảm và day dứt, vẫn là "cái chết" trong tâm hồn chứ không phải thể xác.
Họ đã chết vì thành công không được như mong đợi, vì hoài bão chưa đủ chín đã bị dập tắt, họ chết vì không vượt qua được những khó khăn trong quá trình chinh phục chính bản ngã của mình.
Thế nhưng, họ lại được hồi sinh một lần nữa ở độ tuổi 30. Khi con người ta đi qua tuổi trẻ, ai đó đã vượt qua sự vô nghĩa, vô giá trị và sự lười nhác, hưởng thụ vô bổ của tuổi trẻ, để tạo ra thành công cho chính bản thân mình; họ tìm được cho bản thân một vị trí, và họ biết họ là ai. Vì thế 30 tuổi, họ như được sinh ra thêm một lần nữa…
Bây giờ hãy tự vấn bản thân mình, rốt cuộc ta đang “sống hay đã chết lâm sàng”?
Tiểu Lý - Theo Trí Thức Trẻ/ Cafebiz
Tin liên quan
TRUNG THU MÙA WFH
18 - SepOctNovDec