Không kết nối dữ liệu dược quốc gia: Nhà thuốc dừng hoạt động

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

17/04/2019 00:08

620

Đồng Nai: Toàn tỉnh hiện có hơn 3 ngàn cơ sở kinh doanh thuốc, bao gồm các công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền…

Đến nay, có hơn 350/450 nhà thuốc đã kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia (đạt tỷ lệ gần 80%).
Hạn cuối để các nhà thuốc kết nối là ngày 30-4-2019, sau thời gian này, nhà thuốc nào chưa kết nối sẽ phải ngưng hoạt động. Đối với các quầy thuốc, dự kiến đến ngày 30-6-2019 phải hoàn thành việc liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Từ ngày 1-1-2020, quầy thuốc nào không thực hiện kết nối sẽ phải tạm ngưng hoạt động.

Ngày 30-4 là hạn cuối cùng để các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh phải kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia do Bộ Y tế quản lý. Nếu không kết nối, liên thông với hệ thống, các nhà thuốc buộc phải ngưng hoạt động.

* Hơn 350 nhà thuốc tại Đồng Nai kết nối dữ liệu dược quốc gia

Ông Nguyễn Duy Văn, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế) cho biết, thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 23-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư, quyết định của Bộ Y tế về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch và triển khai dự án công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế cũng chuyển danh sách các cơ sở cung ứng thuốc đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh cho Viettel chi nhánh Đồng Nai (đơn vị phối hợp tập huấn, đào tạo cho các nhà thuốc sử dụng thành thạo phần mềm, rà soát cơ sở hạ tầng mạng của các nhà thuốc); đồng thời ban hành văn bản, ra thông báo cho các cơ sở kinh doanh thuốc danh sách những nhà cung cấp phần mềm được Bộ Y tế phê duyệt kết nối để các nhà thuốc lựa chọn nhà cung cấp phần mềm phù hợp.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) sẽ có mật khẩu để theo dõi hoạt động mua bán thuốc của 63 tỉnh, thành phố. Còn Sở Y tế sẽ có mật khẩu để theo dõi hoạt động của các nhà thuốc, quầy thuốc trong tỉnh.

“Đến nay, sau nhiều lớp tập huấn và triển khai, đã có hơn 350/450 nhà thuốc trong tỉnh tham gia kết nối” - ông Nguyễn Duy Văn cho biết.

* Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Hiện có 40 nhà cung cấp phần mềm được Bộ Y tế phê duyệt kết nối và chuyển dữ liệu vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Tại Đồng Nai có 3 nhà cung cấp phần mềm đã được Bộ Y tế cấp mã tài khoản để liên thông dữ liệu, là Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel (Đại diện là Viettel chi nhánh Đồng Nai), Công ty cổ phần phần mềm Effect và Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Song Ân.

Bà Nguyễn Thị Loan, nhân viên của Viettel Đồng Nai phụ trách công nghệ thông tin trên lĩnh vực y tế chia sẻ, qua các lớp tập huấn cho thấy đa số chủ các nhà thuốc hiểu được yêu cầu, mục đích và lợi ích của việc kết nối dữ liệu dược quốc gia, còn một bộ phận nhỏ vẫn không muốn sử dụng phần mềm kết nối.

Nhân viên nhà thuốc Thảo Ân, phường Long Bình, TP.Biên Hòa sắp xếp lại các loại thuốc thuộc danh mục bán thuốc theo đơn. Ảnh: H.Dung
Nhân viên nhà thuốc Thảo Ân, phường Long Bình, TP.Biên Hòa sắp xếp lại các loại thuốc thuộc danh mục bán thuốc theo đơn. Ảnh: H.Dung

“Những ngày đầu khi chúng tôi đến giới thiệu phần mềm, nhiều chủ nhà thuốc cho rằng chúng tôi đang “bày” thêm việc cho họ nên tỏ thái độ không hợp tác. Sau khi Sở Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, nhiều chủ nhà thuốc đã nâng cao nhận thức và chấp nhận kết nối”  - bà Loan cho hay.

Đại diện của Viettel chi nhánh Đồng Nai cho biết thêm, sau khi tập huấn, nhà thuốc nào có nhu cầu, đơn vị cung cấp sẽ đến kiểm tra hạ tầng công nghệ thông tin của nhà thuốc (yêu cầu phải có máy tính để bàn/laptop có kết nối internet), nếu đủ điều kiện sẽ tiến hành tạo tài khoản kết nối. Mức giá sử dụng phần mềm mà Viettel chi nhánh Đồng Nai cung cấp cho khách hàng là 300 ngàn đồng/tháng với nhà thuốc và 150 ngàn đồng/tháng đối với quầy thuốc.

Ghi nhận tại những nhà thuốc đã kết nối dữ liệu cho thấy bên cạnh những tiện ích mà các nhà thuốc có được như: kiểm soát lượng thuốc tồn kho, lượng thuốc bán ra, nhập vào thì việc kết nối với cơ sở dữ liệu còn tồn tại một số bất cập.

Một chủ nhà thuốc ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) chia sẻ, hiện tại Nhà nước chưa quản lý được nguồn thuốc, các công ty phân phối thuốc đến các nhà thuốc không đủ nên một số nhà thuốc phải mua thuốc ở chợ sỉ (tại TP.Hồ Chí Minh). Thuốc mua ở chợ sỉ thì không có hóa đơn, giấy tờ nên không có căn cứ để nhập thông tin vào hệ thống. Vì thế mà hiện nay dù nhà thuốc của bà có đến 800 loại thuốc nhưng chỉ nhập dữ liệu được hơn 100 loại thuốc.

Chủ một nhà thuốc khác ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) lại băn khoăn trước quy định bán thuốc theo đơn. Đây là quy định khiến nhiều nhà thuốc, quầy thuốc “méo mặt” vì trên thực tế có rất ít bệnh nhân sau khi đi khám bệnh ở bệnh viện về sử dụng hết thuốc bác sĩ kê cho rồi tiếp tục đem đơn đó ra nhà thuốc để mua thêm thuốc.

Mặt khác, trên thực tế, các phòng khám bên ngoài bệnh viện đều có bán thuốc. Do đó, những nhà thuốc không có bác sĩ trực tiếp khám bệnh sẽ không có đơn thuốc. “Tính ra sau 3 tháng kết nối, số thuốc tôi bán được theo đơn của khách hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay” - chủ nhà thuốc này nói.

Không những thế, nhiều nhà thuốc còn “than phiền” giá dịch vụ phần mềm hiện còn cao. “Mỗi tháng, ngoài tiền phí phần mềm chúng tôi còn phải tốn nhiều khoản phí khác Tôi rất đồng tình với chủ trương kết nối nhà thuốc nhưng Bộ Y tế nên đưa ra giải pháp và các đơn vị cung cấp phần mềm thu giá vừa phải để khích lệ các nhà thuốc thực hiện” - bà T., chủ nhà thuốc ở phường Long Bình
(TP.Biên Hòa) kiến nghị.

* Tăng cường hậu kiểm

Quản lý bằng phần mềm sẽ kết nối các nhà thuốc với Bộ Y tế và các sở y tế giúp cơ quan quản lý quản lý được nguồn gốc xuất xứ thuốc được bày bán trên thị trường. Phần mềm còn giúp tăng cường việc bán thuốc kê đơn, hướng đến chấm dứt tình trạng bán thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ. Các nhà thuốc cũng theo dõi được hoạt động mua bán thuốc như: nhập, xuất, tồn kho, tính lỗ, lãi, theo dõi hạn dùng, số lô của thuốc…

Thể hiện sự quyết tâm trong việc kết nối các nhà thuốc, lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế cho hay, Sở Y tế sẽ lập đoàn công tác đi kiểm tra thực tế. Sở sẽ dựa trên kết quả cập nhật trên phần mềm của nhà thuốc để kiểm tra xem những thuốc được bày bán trên kệ có được đăng ký trên hệ thống hay không. Nếu nhà thuốc vi phạm sẽ bị xử phạt. Do đó, các nhà thuốc cần nâng cao tính tự giác và lòng tự trọng nghề nghiệp để không phạm lỗi.

Trưởng phòng Nghiệp vụ dược Nguyễn Duy Văn cũng đề xuất Bộ Y tế cần tiến hành định danh và cải tiến phần mềm để các công ty, doanh nghiệp cung cấp thuốc có mã vạch để khi bán hoặc nhập thuốc vào hệ thống, các nhà thuốc chỉ cần quét mã vạch sẽ ra được thông tin liên quan đến thuốc. Các nhà thuốc chỉ phải kê khai giá thành mua vào và giá thành bán ra chứ không phải kê khai những thông tin khác liên quan đến thuốc.

Ngoài ra, hệ thống đơn thuốc cần phải được chuyển vào hệ thống dữ liệu dược quốc gia. Khi bệnh nhân mang đơn thuốc đến, nhà thuốc chỉ cần bấm mã vạch của đơn thuốc thì đơn thuốc đó sẽ xuất hiện trong hệ thống và bán thuốc. Quy định về bán thuốc không đơn nên bỏ quy định phải kê khai thông tin cá nhân của người bệnh để tránh phiền hà cho người bệnh, nhân viên bán thuốc cũng đỡ mất thời gian để thu thập thông tin khách hàng…

Hạnh Dung

Tags

Tin liên quan