Hành trang cho một buổi phỏng vấn thành công

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

18/09/2019 00:10

768

Nếu bạn đã có một sự chuẩn bị tốt, bạn cũng đã có một bản CV ghi điểm với nhà tuyển dụng (NTD), và bạn nhận được một cuộc hẹn phỏng vấn từ phía công ty (chúc mừng bạn), theo bạn, bạn đã đi được bao nhiêu % để chạm tới công việc bạn mơ ước? Có lẽ là 30%.

Vậy điều gì sẽ quyết định việc NTD sẽ chọn bạn hay không? phần lớn còn lại nằm ở các buổi phỏng vấn. Vậy làm thế nào để chinh phục được NTD chỉ trong vài phút nói chuyện ngắn ngủi?

1. Tìm hiểu thông tin

 

“Biết người, biết ta, trăm trận, trăm thắng”, hãy tìm hiểu tất cả những gì có thể: công ty, sản phẩm, vị trí, địa bàn, sếp, đối thủ cạnh tranh,….  NTD có thể hỏi bất kỳ thứ gì họ muốn, và sự hiểu biết sẽ giúp chứng minh sự nhanh nhạy, cũng như khả năng thu thập thông tin của bạn. Hơn nữa, việc hiểu rõ những yếu tố trên sẽ giúp bạn định hướng câu trả lời phù hợp hơn với nhu cầu của NTD.

Chắc chắn câu hỏi đang hiện lên trong đầu các bạn đó là: “Làm thế nào để có được những thông tin này?”. Thường thì bạn có thể tìm thấy trên trang web của các công ty, hãng. Những buổi định hướng nghề nghiệp cũng là một kho kiến thức và cơ hội cho những mối quan hệ mà bạn không nên bỏ qua. Sau đó nữa, vai trò của “Middle men” (người trung gian- người giới thiệu) được thể hiện. Không ai hiểu rõ những thông tin trên bằng chính một nhân viên đang làm việc cho công ty. Với những trường hợp không có Middle men, bạn cũng đừng ngần ngại liên hệ với những anh chị mà bạn biết, rất nhiều người sẵn sàng dành cho bạn 15 phút để chia sẻ những gì bạn cần, và đó cũng có thể sẽ là một điểm cộng cho sự chủ động và tự tin của bạn trong công việc.


 

2. Bài giới thiệu bản thân

Câu đầu tiên trong buổi phỏng vấn thông dụng nhất đó là: “Em hãy giới thiệu về mình?”. Vậy nên, bạn hãy chuẩn bị một bài giới thiệu ngắn về bản thân (Với công ty trong nước, bạn có thể chuẩn bị bằng tiếng Việt, với công ty nước ngoài, bạn nên chuẩn bị bằng tiếng Anh) từ 45-60 giây. Chỉ cần đầy đủ những thông tin cơ bản: Tên, tuổi, công việc hiện tại (là sinh viên thì nói rõ năm, trường), mong muốn làm việc cũng như mục đích của buổi phỏng vấn này (và nên nhớ tập trung nói về  công việc bạn đang được phỏng vấn).  Bạn có thể điểm xuyết một số thông tin bạn muốn, còn những thông tin cụ thể hơn, NTD sẽ hỏi bạn trong lúc phỏng vấn.
 

3. Chuẩn bị sẵn đáp án cho những câu hỏi thường gặp

NTD có thể hỏi bất kỳ điều gì họ thích và họ cho là có thể giúp họ đánh giá bạn. Và những người đi trước vẫn thường kể với nhau vô vàn những câu hỏi hóc búa đến mức chẳng ai nghĩ nó liên quan đến buổi phỏng vấn. Nhưng đừng vì điều đó mà quên đi rằng: Có tới hơn 50% các câu hỏi trong buổi phỏng vấn sẽ nằm trong motif có trước nhằm đảm bảo yếu tố công bằng giữa các ứng viên.

Vậy tại sao chúng ta không chuẩn bị trước câu trả lời cho những câu hỏi thông dụng này?

Ví dụ như: Tại sao em biết đến công ty? Em biết gì về vị trí này? Điểm mạnh/điểm yếu của em là gì? Tại sao anh/chị nên chọn em? Kế hoạch ngắn hạn/dài hạn của em là gì? Em mong muốn mức lương bao nhiêu,…

 

Nguyên tắc 3 phút đầu tiên:Bạn phải nắm rõ nguyên tắc này, dù cho bạn có phỏng vấn 15 phút- 60 phút hoặc 90 phút. Chỉ cần 3 phút đầu tiên NTD đã có gần như 50%-70% quyết định có muốn chọn bạn hay không. (Chúng ta vẫn thường dùng trực giác của mình khi đánh giá vấn đề- nhà tuyển dụng đã có quá nhiều kinh nghiệm và việc nhìn ra bạn …từ xa cũng là chuyện dễ hiểu).

Ấn tượng 3 phút đầu tiên thường rất quan trọng. 

Nên nhớ, dù là câu hỏi trong motif hay phát sinh ngoài lề, thì nhà tuyển dụng luôn có mục đích của họ. Họ chỉ có vài phút phỏng vấn để tìm hiểu xem ứng viên có phù hợp với công việc đang cần không, và chẳng ai rảnh rỗi để phí phạm thời giờ đó cả, bởi vậy, hãy cố gắng suy nghĩ về mục đích của câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra để có được câu trả lời thông minh nhất. Có một phương pháp rất hay để chuẩn bị cho những câu hỏi/trả lời dạng này đó là: Bạn hãy đóng lần lượt 2 vai: Ứng viên và nhà tuyển dụng. Một khi đặt mình vào vị trí của NTD, bạn sẽ phần nào hiểu được mục đích của những câu hỏi, hiểu được NTD muốn nghe gì, hay sau câu trả lời của bạn, NTD sẽ hỏi tiếp câu gì (đa phần các NTD luôn cố gắng xoáy vào những câu trả lời của bạn, một phần để xem các bạn xử lý thế nào khi gặp áp lực, một phần họ muốn bạn bộc lộ một cách chân thực và sâu sắc).

 Suy nghĩ khác biệt-Think different

Tôi vẫn thường thấy mỗi sinh viên năm cuối đều thủ cho mình một cuốn sổ nhỏ với những câu hỏi/trả lời thông dụng trong phỏng vấn. Điều đó là cần thiết, nhưng hãy nhớ nguyên tắc: “Câu hỏi chung, trả lời riêng”. Trong phỏng vấn, đây là điểm khác biệt khá lớn so với thi cử: Không có câu trả lời đúng, chỉ có câu trả lời phù hợp.

Bởi vậy, hãy trả lời theo cách của bạn, chứ đừng copy những đáp án có sẵn (trên các trang web tuyển dụng) . Đó là cách để tạo cho bạn sự khác biệt, cũng như dễ dàng ứng phó với những tình huống đào sâu của NTD. Tôi biết có những NTD có 10,15,20 năm phỏng vấn các ứng viên, với kinh nghiệm phỏng vấn hàng trăm, hàng nghìn người như vậy, chỉ cần chưa đến 3 phút để họ nhận ra bạn đang nói dối.

Hãy là chính mình: Cố gắng tỏ ra chuyên nghiệp là điều tốt, nhưng bạn phải giữ lại chút gì đó là bản thân mình, đừng đi quá giới hạn chuyên nghiệp bằng cách… nói dối nhà tuyển dụng đến khi họ dùng chiến thuật dồn chân tường. Đây là một trong những chiến thuật NTD dùng để biết con người thật của bạn đằng sau những câu hỏi đầy hóc búa, và thường dẫn bạn đi vào ngõ cụt với mục đích: “Tìm khả năng linh hoạt thoát hiểm trong tình huống xấu nhất của bạn ra sao (khả năng thoát càng cao tỉ lệ đậu càng lớn) hay chỉ biết chết đứng như Từ Hải.

4. Luyện tập.

 

Để có được một phong thái tự tin, chuyên nghiệp, cũng như cách nói chuyện, trả lời phỏng vấn trôi chảy, việc tập nói trước gương, hoặc phỏng vấn thử với bạn bè (một người đóng NTD, một người đóng ứng viên- luyện tập nghiêm túc), tôi cho là rất cần thiết. Việc này sẽ giúp bạn nhận ra và cải thiện những khuyết điểm trong giao tiếp cũng như ngôn ngữ cơ thể, đồng thời giúp bạn kiểm soát sự hồi hộp. Hơn thế nữa, tích lũy kinh nghiệm phỏng vấn thử sẽ giúp bạn tự tin và linh hoạt hơn rất nhiều khi phỏng vấn thật.

Tip: các bạn có thể lập thành một nhóm nhỏ khoảng 5 người, 1 làm ứng viên, 3 làm nhà tuyển dung và 1 làm quan sát viên để đánh giá bạn trong suốt quá trình phỏng vấn (thời gian quy định khoảng 10-15 phút 1 lần phỏng vấn).

Tuy nhiên, bạn cũng đừng bất ngờ khi buổi phỏng vấn thật sẽ diễn ra hoàn toàn khác với những gì bạn đã chuẩn bị, và đôi khi NTD cũng không hỏi bất kỳ một câu nào trong list câu hỏi soạn sẵn của bạn. Đây là lúc kỹ năng giao tiếp và ứng biến được phát huy tối đa.

5. Nhận điện thoại từ NTD:

Không biết nói lời cảm ơn là một trong những lỗi thường gặp của các bạn sinh viên khi nhận điện thoại hẹn phỏng vấn. Với những vị sếp khó tính, họ thường trực tiếp gọi điện hẹn ứng viên hoặc ngồi cạnh nhân viên văn phòng khi họ lên lịch phỏng vấn. Việc đầu tiên của các bạn là phải luôn lễ phép trong cuộc điện thoại, hỏi đầy đủ và rõ ràng về thời gian, địa điểm của buổi phỏng vấn và cảm ơn vì đã gọi điện cho bạn. Còn nếu không, chúc mừng bạn đã có một điểm trừ lớn trong mắt NTD.

Trong trường hợp bạn có cuộc gọi nhỡ từ công ty, mà khi bạn gọi lại, chỉ nhận được lời chào tự động. Đừng ngần ngại, hãy tới văn phòng của công ty hỏi rõ về trường hợp của mình, NTD luôn thích sự chủ động đến từ các ứng viên. Cơ hội đã ít, đừng để nó trôi qua một cách vô nghĩa.

Tips: Hãy học kĩ năng quan sát, bạn phải nhớ rõ tên, chức vụ của người gọi, hoặc người phỏng vấn mình (bạn có thể giật mình quên trong lúc nghe điện thoại nhưng nên nhớ hãy thủ sẵn một cây bút và sổ ghi chép nhỏ kế bên khi phỏng vấn để ghi lại những thông tin bạn cảm thấy quan trọng trong suốt quá trình phỏng vấn- bạn sẽ không thể nào nhớ hết được 100%  lượng thông tin xảy ra trong suốt thời gian phỏng vấn). Trong suốt buổi phỏng vấn, hạy xin namecard của NTD  để trả lời email cảm ơn hoặc gọi cho NTD hỏi thăm về kết quả sau khi phỏng vấn. (hầu hết phần lớn sinh viên mới ra trường thường không nắm được thủ thuật này).

6. Trang phục trước giờ G.

Đồ công sở là lựa chọn an toàn nhất. Với nam, nên là quần âu tối màu, áo sơ mi, và giày công sở tối màu. (Nếu thích lịch thiệp hơn bạn có thể thắt cravat và mặc thêm vest).

Với nữ, có thể tuỳ biến hơn với váy . Bạn có thể chọn giày hoặc guốc có chiều cao vừa phải 3-5cm. Và đương nhiên, nên trang điểm nhẹ và xịt thêm một chút nước hoa.

Một bộ trang phục phá cách cũng là một phương án giúp bạn gây ấn tượng với NTD, nhưng nên nhớ có tới 70% NTD không thích các ứng viên ăn mặc quá thời trang.

Hãy đến trước giờ hẹn ít nhất 15 phút, để chắc chắn bạn không bị muộn và có thêm thời gian để chỉnh lại trang phục trong toilet.

Bằng tất cả những bước trên, bạn đã có một hành trang tương đối đầy đủ để tự tin đứng trước NTD như một ứng viên chuyên nghiệp. Nhưng bạn sẽ phải làm gì? NTD sẽ “quay” bạn như thế nào? Trả lời như thế nào là đúng? Hãy cùng chờ đợi bài viết tiếp theo trong Series dành cho Sinh viên Dược năm cuối của Namud nhé!

Nguồn: namudinsider.com

Tags

Tin liên quan