Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
550
Sau 6 tháng đầu năm, đứng đầu cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong danh sách các doanh nghiệp dược đang niêm yết là CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG).
Quý II, doanh thu thuần và giá vốn hàng bán đều không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong khi doanh thu thuần chỉ tăng nhẹ 1% lên 933 tỷ đồng thì giá vốn hàng bán giảm nhẹ 2% xuống còn 497 tỷ đồng.
Sau khi loại trừ các chi phí và cộng lợi nhuận khác, DHG thu về 190 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) kỳ này tăng đột biến chiếm 51,2 tỷ đồng làm cho lãi sau thuế giảm 25% so kỳ trước chỉ còn 139 tỷ đồng.
Được biết, quý I/2018, DHG chưa tính thuế TNDN do đang trong quá trình sáp nhập công ty con vào công ty mẹ, toàn bộ phần thuế này được cộng dồn vào quý II nên thuế TNDN hiện hành quý 2 bị đội lên 25,3 tỷ đồng. Ngoài ra, việc sáp nhập này làm phát sinh thuế TNDN hoãn lại đối với hàng tồn kho (lãi chưa thực hiện) 25 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng, DHG tạo ra 1.842 tỷ đồng doanh thu, tăng 1,9% so với cùng kỳ tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại giảm 13,9% xuống 310 tỷ đồng. Với mục tiêu đạt 4.369 tỷ đồng doanh thu và 820 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm 2018, DHG mới thực hiện 42% kế hoạch doanh thu và 44% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Cùng chung cảnh ngộ lợi nhuận thụt lùi sau 6 tháng đầu năm như Dược Hậu Giang còn có CTCP TRAPHACO (mã TRA), CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL) và CTCP S.P.M (mã SPM).
Sau 6 tháng, Dược Cửu Long tạo ra tạo ra 381 tỷ đồng doanh thu đồng thời thu về hơn 9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dù doanh thu nửa đầu năm vẫn tăng 3,4% nhưng DCL lại ghi nhận khoản sụt giảm lợi nhận lớn nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết lên tới 78%. Riêng trong quý II, DCL ghi nhận 193 tỷ đồng doanh thu và 2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 9,8% và 92,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khác với Dược Cửu Long, Traphaco ghi nhận sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận khi chỉ tạo ra 798 tỷ đồng doanh thu thuần sau 6 tháng, giảm 7,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 48,6% xuống còn 56 tỷ đồng. Riêng trong quý vừa qua, lợi nhuận sau thuế của Traphaco còn chưa bằng 1/3 số lãi quý II năm 2017.
Tưng tự, SPM - doanh nghiệp có doanh thu và và lợi nhuận 6 tháng nhỏ nhất trong số các doanh nghiệp dược đang niêm yết cũng ghi nhận 181 tỷ đồng doanh thu và 4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức giảm tương ứng 58,6% và 50%. Đây cũng là mức sụt giảm doanh thu lớn nhất trong số các doanh nghiệp được thống kê.
Ở chiều ngược lại, CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (mã DP3) có mức tăng trưởng lợi nhuận khá nhất nhóm ngành cũng chỉ ở mức 19,4%. Cụ thể quý II, DP3 ghi nhận 110 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ thu về hơn 34 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với quý II/2017. Sau 6 tháng, DP3 tạo ra 235 tỷ đồng doanh thu đồng thời thu về 53 tỷ đồng lãi sau thuế.
Lần lượt xếp sau DP3 về tốc độc tăng trưởng doanh thu có CTCP Dược phẩm OPC (mã OPC) với 15,9%, CTCP Dược phẩm IMEXPHARM (mã IMP) với 6,7% và CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (mã PMC) với 4,3%.
CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã DMC) gần như "dậm chân" tại chỗ với 107 tỷ đồng lãi sau thuế, doanh thu 6 tháng tăng nhẹ 4,7% lên mức 640 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng trong quý II, doanh thu của DMC vẫn tăng 4,8% lên 348 tỷ đồng tuy nhiên lãi sau thuế lại giảm 5,6% so với cùng kỳ xuống còn hơn 55 tỷ đồng.
Biên lãi gộp đang bị thu hẹp
Đứng đầu đà giảm lãi gộp là Dược Cửu Long với hơn 17,7%, từ mức biên 32,8% nửa đầu năm 2017 về chỉ còn 26,4%. Tiếp đến là Traphaco ghi nhận lãi gộp giảm 16,3%, biên lãi gộp cũng giảm còn 51,1%. Ngoài ra Pharmedic, Dược phẩm OPC, Imexpharm, Domesco cũng đồng loạt ghi nhận sự sụt giảm biên lợi nhuận gộp.
Chỉ có 3 doanh nghiệp ghi nhận tăng biên lợi nhuận gộp là Dược phẩm Trung ương 3, Dược Hậu Giang và SPM.
Đáng chú ý, Dược phẩm Trung ương 3 vừa kết thúc quý II/ 2018 với mức lãi kỷ lục trong lịch sử, doanh thu thuần đạt 110 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm giúp lợi nhuận gộp thu về đạt 75 tỷ đồng, tăng 66,6% so với cùng kỳ năm trước.
Gánh nặng chi phí bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp
Không chỉ biên lãi gộp bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp dược còn phải đối mặt với gánh nặng chi phí. Tiêu biểu như Dược Hậu Giang, chi phí bán hàng trong kỳ tăng 31 tỷ, chủ yếu gia tăng chi phí quảng cáo từ gần 20 tỷ đồng quý 2 năm ngoái lên 36,4 tỷ đồng. Ngoài ra chi phí trả cho nhân viên cũng tăng 11 tỷ đồng bên cạnh chi phí thuế tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.
Dược Cửu Long cũng có giải trình về tình hình điều chỉnh lãi ròng so với cùng kỳ là do chi phí bán hàng tăng vì đẩy mạnh xây dựng hệ thống, mở rộng thị trường; chi phí tài chính tăng mạnh do DCL phải ghi nhận chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi, đồng thời giá nguyên vật liệu và chi phí sản xuất tăng khiến lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.
Hay Traphaco, chi phí giá vốn tăng cao, chi phí lãi vay cũng tăng từ mức 800 triệu lên gần 3 tỷ đồng, cùng với mức tăng đáng kể từ chi phí quản lý, bán hàng khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn một nửa còn chưa đến 21 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt 18,6 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ.
Theo bizlive
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec