Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
866
Làm sao tìm việc khi không hề có kinh nghiệm?
Hè năm 2010, từ tháng 5 đến hết tháng 8, mình vào thực tập ở bộ phận bào chế thuốc vô trùng (Sterile Product Division) ở bệnh viện Massachusetts General Hospital. Điều mình muốn phổ biến cho mọi người, nhất là các bạn sinh viên du học ở Mỹ, là làm sao để tìm được công việc đầu tiên khi résumé của mình không có kinh nghiệm đi làm?
Ý thức được đó là điều bản thân còn thiếu, nên khi chuẩn bị cv cũng như đi phỏng vấn, mình đã phải chuẩn bị câu trả lời mình nghĩ sẽ được hỏi. Nhìn vào cái resume trống lốc chưa đủ 1 trang thấy cũng hơi nản, nhưng nghĩ lại thì công việc đầu tiên, người tuyển dụng cũng thông cảm 1 phần bạn là sinh viên non nớt. Mình phải lợi dụng điều đó mà cho họ thấy tuy là không có cơ hội đi làm, nhưng mình luôn tìm những cơ hội khác để rèn luyện kĩ năng. Kinh nghiệm là tốt, nhưng điều nhà tuyển dụng cần tìm là kĩ năng và khả năng giải quyết vấn đề trong nhiều tình huống (problem-solving skill) và khả năng làm việc với nhóm mỗi người một tính (team work).
Mình đã dùng những kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa, làm việc nhóm, tổ chức sự kiện trong trường để highlight những kĩ năng trên và sẽ áp dụng trong môi trường làm việc như thế nào để thuyết phục bệnh viện nhận mình đi làm. Kinh nghiệm của bạn không cần phải liên quan đến ngành dược mà có thể là team sports, campus organizations, ngay cả hoạt động cộng đồng của nhà thờ mà bạn tham gia tích cực hay lãnh đạo. Bây giờ khi đi phỏng vấn sinh viên, mình cũng không nề hà chuyện thiếu kinh nghiệm cho lắm. Vì có thể trường ở vùng hẻo lánh ít cơ hội đi làm hay lí do gì đấy. Điều quan trọng hơn là xem em sinh viên đó có cố gắng bù đắp những khoảng thiếu đó hay không, hay chỉ đổ thừa cho số phận không chủ động làm gì hết.
Ngày đầu tiên đi làm
Massachusetts General Hospital là một trong top 2 bệnh viện lớn và tốt nhất ở Mỹ với 200 năm tuổi nên được vào làm là một vinh dự và kinh nghiệm rất quý báu. Thế công việc trong phòng vô trùng là gồm những gì? Mình chuẩn bị thuốc trong môi trường phòng kín vô trùng để đưa lên phòng của bệnh nhân truyền vào tĩnh mạch, hoặc là thuốc rửa vết thương cho bệnh nhân bị bỏng, thuốc nhỏ mắt, thuốc dùng trong phòng mổ, v.v. Tất cả những trường hợp trên đều cần quy trình chuẩn bị hết sức nghiêm ngặt, đảm bảo không bị nhiễm khuẩn gây nguy hiểm cho bệnh nhân (chả ai muốn thuốc truyền vào máu chứa tạp chất cả!).
Bộ phận này được trang bị phòng kín vô trùng (clean room), có máy lọc không khí hoạt động liên tục. Mỗi nhân viên mới phải được huấn luyện trong vòng 6 tuần, bắt đầu bằng việc đi theo quan sát (shadow) người cũ, rồi làm có sự quan sát và người kí tên cùng trên sản phẩm mình làm cho đến ngày hoàn thành training mới được hoạt động một mình. Trước khi vào phòng clean room thì có phòng ngăn cách để rửa tay thật sạch theo đúng quy cách, che kín từ tóc cho đến chân. Ngay cả quy trình chuẩn bị cũng phải theo thứ tự. Chân mang booty trùm vào giày trước, tóc phải mang lưới (hairnet), rồi mặc áo vào (gown), che khẩu trang, mang găng tay. Tất cả những điều này đều phải theo luật USP 797 của ngành dược.
Lúc ban đầu rất hăm hở, vì được huấn luyện nhiều thứ khác nhau. Trước khi hòa thuốc vào nước muối sinh học (saline) hay đường (glucose mixture) tùy theo nhu cầu của bệnh nhân, mình đều phải tính toán liều lượng bao nhiêu ml thuốc chứa bao nhiêu mg, hòa vào như thế nào để không bị đông, thuốc nào trước thuốc nào sau. Có những thuốc có thể gây hại cho người chế biến thì phải được chuẩn bị trong một máy lọc không khí kín hơn, trước mỗi ca thì phải lau rửa máy lọc như thế nào, phải đặt hàng ra sao, v.v. Ngoài những thuốc làm theo đơn, cũng có compounding hàng loạt để dùng trong bệnh viện. Vì bệnh viện rất to nên mua thuốc về chiết ra dùng dần vài ngày là hết. Có lần mình tính nhầm, nên quăng ống tiêm đi để pha lại cũng chẳng suy nghĩ gì. Anh technician kế bên cười cười hỏi “Em có biết 0.5 mL thuốc đó giá bao nhiêu không? 1,000 đô đó”.
Sau 4 tháng thì công việc có vẻ ngày nào cũng như ngày khác. Sáng 6 giờ rưỡi vào, 3 giờ chiều tan. Được 15 phút uống cà phê và nửa tiếng ăn trưa. Đến giữa tháng 8 thì mình đã náo nức muốn trở vào đi học. Đi làm gặp đồng nghiệp thì vui nhưng công việc không còn thử thách mình nữa. Và mặc dù đi làm không có bài tập về nhà như lên lớp, nhưng có một cái gì đó lặp đi lặp lại, mình cảm thấy đầu óc từ từ lười biếng không vận động như khi đi học. Vì vậy các bạn nếu còn đang đi học thì hãy biết trân trọng. Đôi khi mình cũng lười làm bài, học bài đi thi, thấy nản. Nhưng còn được đi học là được tiếp cận với kiến thức, mở mang đầu óc liên tục, và quan trọng hơn nữa là được tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa có cùng chí hướng như mình.
—
Từ kinh nghiệm đi làm này, quan sát dược sĩ hành nghề trong môi trường dispensing pharmacy, mình nhận ra là công việc ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác trong tầng hầm của bệnh viện khuôn khổ vài chục mét vuông suốt ngày không thấy mặt trời như vậy không phù hợp với mình. Tuy lương tốt việc nhàn nhưng không có thử thách. Trong những kĩ năng kinh nghiệm mình học được khi đi thực tập, có lẽ việc nhận ra được mình thích gì và không thích những gì là quý báu nhất.
Nguồn: https://thetinypharmacist.org/
Tin liên quan
TRUNG THU MÙA WFH
18 - SepOctNovDec