Dược sĩ và việc tư vấn chăm sóc sức khỏe qua mạng xã hội

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

19/09/2019 00:01

545

Marketing là một công cụ thiết yếu cho bất cứ hoạt động của một doanh nghiệp, bao gồm ngành Dược và chăm sóc sức khỏe.

Trong những năm gần đây, có một sự thay đổi đáng kể trong các địa điểm hay nền tảng marketing đối với việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội (ví dụ: Facebook, Twitter, Instagram, Youtube…) giúp mở rộng khả năng tiếp cận với các đối tượng và chi phí tương đối rẻ. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ như cửa hàng địa phương, nhà hàng, nhà sản xuất nhỏ … tiến hành gần như tất cả các hoạt động tiếp thị của mình trên phương tiện truyền thông xã hội.


Năm 2014, Grindrod và cộng sự đã tiến hành đánh giá các hoạt động tiếp thị xã hội trong ngành Dược từ 2007-2013 và họ tìm thấy một số bài báo về phương tiện truyền thông xã hội, nhưng phần lớn được sử dụng trong việc giáo dục sinh viên. Và các tác giả cũng cho biết có tương đối ít các báo cáo về việc Dược sĩ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho mục đích tiếp thị. Điều đó không có nghĩa là không có Dược sĩ nào thực hiện truyền thông xã hội mà có thể vì chiến lược của một nhà thuốc có sự khác biệt nhất định so với các doanh nghiệp truyền thống khác. Một số dược sĩ đã tham gia vào Wiki nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng. Dược sĩ và sinh viên ở bang Virginia, Mỹ đã sử dụng Facebook và Twitter để quảng bá phòng khám tiêm phòng cúm do Dược sĩ cơ sở phụ trách. Các Khoa dược bệnh viện ở châu Âu đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để theo kịp các hoạt động với các cơ quan khác nhau của Hoa Kỳ như FDA và CDC. Một bệnh viện phi tập trung đã mô tả sự thành công của việc sử dụng Google Groups, Twitter và Facebook để hợp tác giữa các khoa và nỗ lực hợp tác của các học viên từ các tổ chức khác nhau sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhằm giúp đỡ lẫn nhau và giúp sinh viên học hỏi từ các ca lâm sàng.

Một nghiên cứu của Benetoli A và cộng sự (2017) điều tra vai trò của phương tiện truyền thông xã hội trong thực hành Dược, đặc biệt là chăm sóc bệnh nhân và cách Dược sĩ tương tác trực tuyến với bệnh nhân. Kết quả cho thấy hầu hết những người tham gia là Dược sĩ cộng đồng và họ không cung cấp dịch vụ cá nhân cho khách hàng thông qua phương tiện truyền thông xã hội, mặc dù hầu hết các Dược sĩ đều làm việc trong nhà thuốc với vai trò quản lý trang Facebook của nhà thuốc. Không có Dược sĩ nào "kết bạn" với khách hàng trên Facebook vì điều này được cho là làm mờ ranh giới giữa các mối quan hệ nghề nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, đôi khi họ cũng cung cấp lời khuyên và thông tin sức khỏe chung trên phương tiện truyền thông xã hội cho bạn bè và người theo dõi, đồng thời cải chính các thông tin sức khỏe sai lệch phổ biến trên Facebook. Bên cạnh đó, các video YouTube ngắn đã được sử dụng để hỗ trợ tư vấn cho bệnh nhân trong nhà thuốc cộng đồng.

ncdls

Các Dược sĩ tham gia nghiên cứu công nhận phương tiện truyền thông xã hội có tiềm năng và cần thiết cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc sử dụng nó để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân và cung cấp dịch vụ dược là rất bất tiện vì một số rào cản nhất định. Hầu hết các Dược sĩ thích các tương tác truyền thống, trực tiếp tương tác với bệnh nhân. Một số Dược sĩ cho rằng các Dược sĩ nói chung thường không thích rủi ro, họ phải liên tục làm việc để ngăn ngừa các lỗi y khoa như việc lạm dụng thuốc. Điều này định hình tính cách người Dược sĩ, dẫn đến họ rất thận trọng về việc thay đổi quy trình làm việc. Ngoài ra, một số người tham gia tin rằng việc cung cấp lời khuyên thông qua mạng xã hội mang thêm nhiều các trách nhiệm nghề nghiệp hơn.

An toàn của bệnh nhân là rất quan trọng. Các dịch vụ tiềm năng được cung cấp qua mạng xã hội có thể không hiệu quả và an toàn do các hạn chế của giao tiếp điện tử. Sẽ khó khăn khi làm bất cứ điều gì trực tuyến vì bạn không thấy bệnh nhân, thông tin hoàn toàn do bệnh nhân cung cấp chứ không phải bất kỳ loại quan sát hay phương pháp thu thập nào.

Hiện nay, tại Việt Nam, chưa có một báo cáo hay một nghiên cứu chính thức về việc dược sĩ tư vấn cho người bệnh qua mạng xã hội. Trên thực tế hình thức này đang hình thành và đang trở nên phổ biến trong cộng đồng y tế. Đơn cử là các trang fanpage trên Facebook của nhóm các Dược sĩ (các trang như Nhịp cầu dược lâm sàng, Hội dược sĩ bệnh viện Hồ Chí Minh…) đang dần được biết đến trong cộng đồng. Tuy nhiên các trang trên hoạt động mạnh về việc cung cấp thông tin về thuốc và các thông tin về y tế nói chung. Việc tương tác trong tư vấn các trường hợp sức khỏe cho các cá nhân vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, các Doanh nghiệp dược cũng đang bước đầu sử dụng mạng xã hội như một công cụ tương tác hiệu quả hơn với các khách hàng dưới hình thức là các trang fanpage trên Facebook hay các channel trên Youtube.

swipeRx

Nhìn nhận vấn đề mạng xã hội hiện nay đang rất phát triển, đi đôi những cơ hội là những bất cập còn tồn tại. Phương tiện truyền thông xã hội trong tương lai sẽ là một nguồn tiềm năng cần được khai thác hết để tiếp thị kinh doanh dược phẩm. Các nhà quản lý dược phẩm có thể thực hiện các chiến dịch y tế công cộng và giúp truyền bá nhận thức về sứ mệnh và giá trị của doanh nghiệp thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, người quản lý phải chú ý đến những hạn chế tiềm ẩn như bài đăng không mong muốn hoặc các loại hình tham gia khác từ các bên khác nhau và tham khảo ý kiến của một người có chuyên môn để đảm bảo cài đặt phù hợp khi sử dụng phương tiện xã hội. Bên cạnh đó, Dược sĩ cũng là chuyên gia y tế, cần được trang bị tốt chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để góp phần cải thiện thông tin liên quan đến thuốc – mạng xã hội, tìm hiểu từ các hoạt động trực tuyến của khách hàng và thiết kế các cách thức mới để chăm sóc cho cộng đồng và các cá nhân.
 

Nguồn: Trường Đại học Y Dược Huế

Tags

Tin liên quan