DƯỢC LÂM SÀNG – Bác sĩ nghĩ thế nào?

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

07/08/2020 00:06

765

Chúng ta đều đã được nghe nhắc khá nhiều về cụm từ “dược lâm sàng” nhưng những hiểu biết về ngành nghề này đối với sinh viên có lẽ chưa toàn diện. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về công việc này, chúng ta hãy cùng nghe những chia sẻ của bác sĩ Trần Văn Khanh và bác sĩ Vũ Trí Thanh

 

PMZ:  Anh nghĩ như thế nào về vai trò của ngành dược trong bệnh viện, đặc biệt là ngành dược lâm sàng?

BS Khanh: Theo thông tư 22 của Bộ Y tế có quy định về vai trò của ngành dược trong bệnh viện. Theo đó dược chia ra thành nhiều mảng, trong đó có dược lâm sàng. Khoa dược là một trong những khoa không thể thiếu trong bệnh viện, nó cung cấp toàn bộ thuốc cho bệnh nhân cả nội trú lẫn ngoại trú đồng thời đảm nhiệm nhiều mảng khác như vật tư, y tế tiêu hao, chế phẩm máu, chỉ khâu… Thuốc thì không  ngừng thay đổi cho nên nếu có sự phối hợp tốt giữa các nhà lâm sàng và các bác sĩ để thường xuyên trao đổi thông tin về thuốc thì sẽ đem lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu tính trên tổng doanh thu của bệnh viện thì dược đã chiếm từ  40- 60% cho thấy vai trò không nhỏ của dược về mặt kinh tế. Đồng thời một dược sĩ lâm sàng giỏi thì sẽ tham mưu cho ban giám đốc các phác đồ điều trị tối ưu nhất.

BS Thanh: Trong quy chế bệnh viện của Bộ y tế, Bác sĩ là người chịu trách nhiệm chính trong quá trình khám, chẩn đoán và kê toa thuốc, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho người bệnh. Mục tiêu chính của công tác Dược lâm sàng chính là sự nâng cao độ an toàn của kê toa thuốc, tăng hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ của thuốc. Dược sĩ có nhiệm vụ cung cấp cho người bệnh những thuốc tốt nhất. Ngoài ra, dược sĩ cung cấp đầy đủ thông tin cho người bệnh về cách sử dụng, liều lượng thuốc, tương tác thuốc, những tác dụng có hại của thuốc. Dược sĩ sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở các mức độ khác nhau, tham gia vào hội đồng đạo đức, vào giám sát thử nghiệm các thuốc mới cũng như tư vấn cho Bộ y tế về các chính sách sử dụng và lưu hành thuốc, xây dựng danh mục thuốc quốc gia.

PMZ:Giữa bác sĩ và dược sĩ lâm sàng (DSLS) có mối quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình điều trị. Với tư cách là một bác sĩ, anh nghĩ gì về mối quan hệ này?

Bs Thanh:  Đúng là giữa bác sĩ và DSLS có mối quan hệ rất mật thiết bởi lẽ họ đều có chung một đối tượng điều trị, đó là bệnh nhân. Trong điều trị bệnh, có rất nhiều phương pháp: nội khoa, ngoại khoa hoặc cả hai. Đa số trường hợp có sử dụng thuốc. Người bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và kê toa. Người Dược sĩ sẽ cung cấp thuốc. Chất lượng điều trị thuốc sẽ phụ thuộc vào chỉ định đúng hay sai, chất lượng thuốc tốt hay kém, sử dụng đúng liều, đúng cách không, có bị phản ứng phụ của thuốc không. Như thế, Bác sĩ và DSLS có vai trò quan trọng như nhau và cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để có được kết quả điều trị tối ưu.

Bs Khanh: Dược sĩ lâm sàng có vai trò rất quan trọng. Bác sĩ thì sẽ chuẩn đoán tìm ra bệnh, kê toa thuốc rồi dược sĩ lâm sàng sẽ xem xét lại về các tương tác thuốc, hiệu quả điều trị. Chính vì vậy mà có thực tế là một số bác sĩ cảm thấy họ bị kiểm soát bởi dược sĩ. Cho nên các dược sĩ lâm sàng nên trao đổi thường xuyên, liên tục với các bác sĩ đồng thời như ở bệnh viện anh có tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về dược, bình bệnh án để tạo thêm sự liên kết giữa bác sĩ và dược sĩ. Khi anh còn ở bệnh viện đại học y dược thì các thầy cũng tổ chức những buổi chuyên đề như vậy và còn mời sự tham gia của dược đó là thầy Dũng (trưởng bộ môn dược lâm sàng- khoa dược Đại học y dược TP HCM-PMZ)

PMZ: Anh có nhận xét gì về thuận lợi và khó khăn của DSLS ở Việt Nam ?

BS Thanh: Thuận lợi lớn nhất là Bộ y tế đã có chủ trương đúng đắn trong việc triển khai công tác Dược lâm sàng, tiến hành đồng thời với việc chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng thuốc trong bệnh viện; thực hiện Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị, tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng thuốc hợp lý; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị, duy trì công tác bình bệnh án, phân tích sử dụng thuốc tại các khoa…Các trường Đại học Y Dược đã chính thức đưa DSLS đã trở thành 1 ngành được đào tạo chính qui. Một số bệnh viện triển khai DSLS, tập huấn về thực hành DLS cho các dược sĩ, tập huấn kiến thức về sử dụng thuốc, phân tích sử dụng thuốc trong các ca lâm sàng.

Tuy nhiên cũng có không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là nguồn nhân lực. Nhu cầu DSLS rất lớn, nhưng số lượng DSLS còn quá ít, chương trình đào tạo còn thiên về lý thuyết, chưa có nhiều trải nghiệm và gắn bó với thực tế lâm sàng. Khó khăn thứ 2 là chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa Bác sĩ và DSLS. Từ trước đến nay, chỉ có bác sĩ quyết định chọn lựa, theo dõi dùng thuốc, khoa dược chỉ lo việc cung ứng thuốc; lo công tác quản lý chuyên môn (cấp sao cho đúng phiếu lĩnh theo kiểu “3 tra – 3 đối”, đúng các qui định về thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc độc, qui chế kê đơn…Người Dược sĩ chỉ làm việc tại khoa dược, thỉnh thoảng mới xuống khoa lâm sàng với tư cách kiểm tra, thỉnh thoảng có chuyện bàn góp với bác sĩ các vấn đề chuyên môn  dùng thuốc tại các buổi giao ban. Vì vậy, Bác sĩ cần có cái nhìn mới về DSLS về chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm quyền hạn và phương pháp làm việc. Cần có sự đào tạo và đào tạo lại cho các DS làm công tác DLS. Mỗi DS lâm sàng BV cần phải trau dồi về chuyên môn và kỹ năng thông tin, thường xuyên cập nhật kiến thức để làm tốt vai trò là những chuyên gia về thuốc.

PMZ: Theo chia sẻ của anh thì dược lâm sàng có vai trò khá quan trọng nhưng tại sao đa số sinh viên ra trường lại ít đi theo con đường này?

Bs Khanh: Sinh viên được đào tạo trong trường đại học rất chung chung và tổng quát, đào tạo tất cả các chuyên ngành cho nên sinh viên chưa có được các kiến thức đủ cho ngành này. Đây là một ngành cần có kiến thức sâu và rộng, cần đào tạo chuyên sâu sau đại học nữa. Đồng thời chưa có sự định hướng cụ thể, tư vấn cho sinh viên về ngành nghề này dẫn đến sinh viên không có những hiểu biết rõ về công việc này

PMZ: Vậy theo anh cần làm gì để khắc phục vấn đề trên?
Bs Khanh: Thực tế hiên nay là dược lâm sàng đang thiếu, một số bệnh viện thiếu nhưng không có người để tuyển. Vấn đề như anh nói ở trên là sinh viên dược chưa định hướng đúng về tầm quan trọng của mình khi vào làm cho các bệnh viện. Cho nên theo quan điểm của cá nhân anh thì  trước khi sinh viên ra trường nên tổ chức các buổi định hướng  nghề nghiệp cũng như các khóa tập huấn cho sinh viên, giúp sinh viên có cách nhìn nhận đúng đắn về vai trò cũng như nhiệm vụ của nghành này, đồng thời những sinh viên muốn học lên cao học sẽ có những lựa chọn thích hợp.

PMZ: Đối với những sinh viên đang có định hướng đi theo dược lâm sàng, theo anh cần phải trang bị những gì?

BS Thanh: Đầu tiên anh nghĩ quan trọng nhất là sự đam mê, là niềm yêu thích đối với công việc của một DSLS. Thứ hai, khi xác định theo đuổi DLS, thì cần phải gắn bó với lâm sàng ,với bệnh viện, với bác sĩ, đồng thời phải cố gắng không ngừng tìm tòi,cập nhật và nâng cao kiến thức để phục vụ cho công tác điều trị.Quan trọng không kém đó là cần phải có những kiến thức về kinh tế y tế bởi lẽ Việt Nam là một nước đang phát triển, chi phí bình quân về y tế cho đầu người thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, hơn thế trong chi phí khám chữa bệnh thì chi phí cho thuốc là có thể nói là chi phí lớn nhất. Như vậy, dưới góc độ là DSLS, mình cần có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ với bác sĩ, với bệnh viện và nhất là với bệnh nhân.

PMZ: Bây giờ cho phép chúng em hỏi một chút về công việc của các anh nhé! Có tấm vé vào Đại học Y Dược, rồi học và trở thành bác sĩ là con đường đầy chông gai. Nhưng các anh đã vượt qua tất cả, không chỉ vậy anh đã từng là Bí thư Đoàn của ĐHYD. Vậy đâu là bí quyết để làm được tất cả những điều đó?

BS Thanh: Thực ra anh không hề có bí quyết, chỉ là suy nghĩ đơn giản khi muốn làm tốt bất cứ một việc gì thì đầu tiên cần phải có sự yêu thích. Từ khi còn học cấp 2, anh rất thích công tác Đoàn và muốn trở thành một Bác sĩ giỏi. Muốn đạt được ước mơ của mình, anh đã cố gắng rất nhiều, sắp xếp thời gian hợp lý và xây dựng cho mình một phương pháp học hiệu quả. Trong học tập, anh đã “Học hết sức”, và cũng đã “Chơi hết mình” khi tham gia hoạt động Đoàn. Hoạt động Đoàn đã giúp anh rèn luyện được rất nhiều điều, từ tác phong đến bản lĩnh, tư duy nhạy bén cùng với sự năng động, sáng tạo trong công việc. Đồng thời, qua công tác Đoàn, giúp anh có thêm nhiều bạn bè, mỗi người bạn là một tấm gương ở nhiều lĩnh vực khác nhau để anh học hỏi. Kí ức thật đẹp về một thời hoạt động Đòan cùng với rất nhiều những người đàn anh và bè bạn là vốn quí nhất mà anh có được.

Bs Khanh: Chính là cần phải có tâm huyết, đam mê, kĩ năng cũng như phải có sự hài hòa giữa công việc chung và công việc riêng. Quỹ thời gian là giống nhau nên mình cần phải biết sắp xếp thời gian một cách hợp lí nhất. Để như vậy thì cần dành  nhiều thời gian hơn, dậy sớm hơn một chút, thức khuya hơn một xíu, quan trọng vẫn là trách nhiệm học tập của mình nên không thể lơ là. Đồng thời với vai trò là một bí thư đoàn trường anh luôn giữ sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, không hứa những việc ngoài khả năng của mình, đảm bảo tốt nhất cho lợi ích của sinh viên. Và việc tham gia nhiều các hoạt động xã hội, từ thiện có thể làm quỹ thời gian của anh eo hẹp hơn nhưng nó lại tạo cho anh cơ hội tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là người già, trẻ em cũng góp phần không nhỏ để hoàn thiện cái tâm của người bác sĩ.

PMZ: Cuối cùng anh có điều gì muốn nhắn nhủ với thế hệ sinh viên chúng em không ?

Bs Khanh: Sinh viên trường mình luôn nhận được sự đánh giá cao của các nhà tuyển dụng. Năm nhất, năm hai các em có thể hơi kênh kiệu quá nhưng một số em đến năm năm, năm sáu lại mất đi sự tự tin cần có do lượng kiến thức cần nắm bắt quá nhiều. Vậy các em cần có sự hài hòa giữa tự tin, khiêm tốn, và thật thà, phát huy tốt nhất những  gì mình đã được học. Đồng thời cần có sự trung thành với nghề, với lí tưởng cách mạng của Đoàn cũng như góp phần vào sự lan tỏa sức trẻ của mình trong cộng đồng. Niềm tin đối với nghề là quan trọng, có thể hiện nay báo chí  đưa nhiều tin không hay về một hoặc một số cá nhân nhưng đó cũng chỉ như những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn bao người thầm lặng hi sinh cho sự nghiệp cao quý này, đáng quý biết bao. Các em cứ cố gắng thì xã hội cũng sẽ đền đáp các em xứng đáng.

BS Thanh: Anh chỉ có một lời khuyên chân thành đó là các bạn đã chọn cho mình ngành Y Dược là một ngành nghề rất cao quí, các bạn cần phải có sự đam mê và cố gắng rất nhiều trong học tập, học cả đời  và không ngừng rèn luyện y đức để trở thành một Thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên.

PMZ: Cảm ơn hai anh về buổi nói chuyện thú vị này!

nguồn: pharmagazine

Tags

Tin liên quan