Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
2680
1. Có một câu chuyện thế này:
Một anh chàng rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn. Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện và đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp làm gì với số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:
- Tôi sẽ chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần Ngài cho tôi sống thêm một năm.
- Không được. Thần Chết lắc đầu.
- Vậy tôi đưa Ngài một nửa. Ngài cho tôi sống thêm nửa năm nữa, được không? Anh ta tiếp tục van xin.
- Không được. Thần Chết vẫn không đồng ý.
Anh ta vội nói:
- Vậy… tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?
- Không được. Thần Chết vừa nói vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.
Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng:
- Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.
Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh ta run rẩy viết một dòng:
- Xin hãy ghi nhớ: "Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một giây".
Bạn thấy đấy, giá trị của cuộc sống không nằm ở đồng tiền. Giá trị của cuộc sống nằm ở những năm tháng chúng ta đang trải qua, ở những điều mà chúng ta đã trải nghiệm. Vậy mà rất nhiều người trong chúng ta lại đang hoang phí thời gian mình có, một số người than thở vì tình, một số người lại ngồi khóc lóc cho những chuyện vụn vặt…
Mục đích của câu chuyện này nhằm nhấn mạnh vai trò của thời gian và cách chúng ta sử dụng chúng cuộc sống.
Thứ nhất, khi bạn còn chưa làm được gì có ích cho đời, thì cũng đừng làm những điều vô vị.
Thứ hai, dù bạn làm việc cật lực cả đời để kiếm tiền nhưng bạn không biết cách sử dụng chúng cho những điều tốt đẹp thì thời gian cũng là vô ích.
Hãy nhớ rằng, tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ nhưng không thể mua được thời gian, chính vì vậy, bạn phải học cách sử dụng chúng sao cho thật hợp lý bởi bạn chỉ có một cuộc đời này mà thôi.
2. Theo quan sát của tôi, rất nhiều bạn trẻ mắc một căn bệnh chung, đó là lãng phí thời gian. Bởi họ đang có đặc quyền là tuổi trẻ. Họ có sức khỏe, có thời gian, nhưng thiếu đi vốn sống và kinh nghiệm. Để rồi tới khi lớn khôn, từng trải thì lại tiếc vì không còn đủ sức khỏe và thời gian.
Thử hỏi, ở tuổi này, có bao giờ bạn nghĩ về những thứ đã trôi qua mà không thể lấy lại được, những thứ nghĩ lại chỉ còn là những kỷ niệm đẹp nhưng không thể một lần chạm tay với tới.
Nghĩ xem đã bao giờ bạn dự định học Tiếng Anh, nhưng lại trì hoãn để xem nốt bộ phim yêu thích hoặc một gameshow truyền hình đang đến hồi gay cấn.
Bạn đã từng mong muốn học thêm một kỹ năng mới để gia tăng trình độ cho bản thân, nhưng đi làm tới năm thứ 7, thứ 8, bạn vẫn ra rả về mong ước cùng những lời chém gió cóp nhặt được trên mạng?
Bạn lên kế hoạch đọc 1 cuốn sách/tuần. Nhưng rốt cuộc cả năm vừa rồi, giá sách phủ bụi và bạn chẳng buồn động tay tới bất cứ cuốn nào.
Thói quen trì hoãn luôn làm bạn thoải mái và hài lòng trong ngắn hạn, còn trong dài hạn nó đem đến một tương lai mịt mờ u ám. Cả một tuổi xuân màu hồng trở nên xám xịt bởi thói quen trì hoãn. Thời gian vô hình, vô tình vùn vụt trôi đi, chỉ một mình bạn đứng lại, với nền kiến thức cũ rích và không chút vốn liếng kỹ năng. Đồng nghĩa, ước mơ của bạn sẽ mãi mãi bị trì hoãn.
Tôi chơi khá thân với một đàn anh khóa trên từ ngày còn ngồi trên giảng đường đại học. Trong khi nhóm bạn của anh ấy thích tụ tập điện tử, bia rượu, yêu đương... thì suốt 4 năm đại học, nơi anh ấy thường xuyên lui tới nhất là thư viện, giảng đường và học việc tại các công ty vừa và nhỏ.
Bạn bè trêu chọc anh là "cù lần", là "mọt sách", anh chẳng mấy quan tâm. Có lần anh nói với tôi: "4 năm đại học trôi nhanh như chớp mắt, nêu không tranh thủ tận dụng từng giây, từng phút, sau này chắc chắn sẽ hối hận".
Quả nhiên, ra trường, với thành tích học tập khủng cùng kinh nghiệm dắt túi ở những công ty nhỏ trước đây, anh được nhiều công ty lớn để mắt tới với mức lương rất cao. 2 năm sau anh được đề bạt lên làm quản lý và hiện nay đã là giám đốc khối của một tập đoàn lớn, khi tuổi đời mới bước sang con số 32.
Trong khi bạn bè của anh ấy ca thán rằng, sở dĩ họ không thể thành công như anh vì họ kém may mắn. Nhưng chẳng có may mắn nào từ trên trời rơi xuống cả. Tất cả những gì anh ấy đạt được đều là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng, kiểm soát bản thân chặt chẽ tới mức khắc nghiệt. Anh ấy nói một câu tôi nhớ mãi: "Họ than trách không thể thành công vì nghèo khó, không tiền bạc, không quan hệ... bủa vây, nhưng thực chất, họ thất bại vì không biết kiểm soát thời gian, kỷ luật bản thân. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, đó mới là điều nên làm".
Tôi đọc được ở đâu đó, đại ý rằng, những người thông minh và bản lĩnh, là người không chỉ biết cách trân trọng thời gian của mình mà còn phải tránh xa những người rảnh rỗi, không cho họ cơ hội bóp chết ý chí và tương lai của bản thân.
Tài năng của bạn cũng giống như một con dao, càng mài càng sắc, càng để lâu càng hoen gỉ. Muốn làm nên việc lớn, đừng để thời gian trôi qua lãng phí mà hãy nắm chặt mọi cơ hội.
Một chi tiết nhỏ làm nên một câu chuyện kỳ vĩ. Một giây phút nhỏ, một khoảnh khắc nhỏ có thể làm nên thành tựu vĩ đại.
3. Vậy làm thế nào để quản lý thời gian một cách hiệu quả? Theo lời khuyên của những người thành đạt, các bạn nên bắt đầu học cách quản lý thời gian theo ngày, càng chi tiết, tỉ mỉ càng tốt. Quản lý tốt mỗi ngày, tự khắc bạn rèn bản thân vào một guồng thói quen nhịp nhàng.
1. Thức dậy đúng giờ
Nghe thật đơn giản và có phần tức cười, nhưng thực ra, thức dậy mỗi sáng là việc đầu tiên trong ngày có thể làm lãng phí quỹ thời gian của mỗi người. Bất kể bạn cố tình ngủ nướng thêm một lúc hay chẳng may lỡ tay tắt nhầm chuông báo thức để rồi thức dậy trễ mất 30 phút, rời khỏi giường ngủ đúng lúc vào mỗi sáng luôn là một việc khó làm. Hãy thử dậy sớm từ 5 giờ sáng, khởi động với vài động tác thể dục hoặc bài tập chạy bộ, bạn đã có thể nạp cho bản thân một nguồn năng lượng cho ngày mới.
Với những người ưa thích ngủ nướng, phương án vô cùng đơn giản là đặt chuông báo thức ra xa khỏi tầm tay bạn. Bằng cách này, nếu muốn tắt chuông báo thức thì bạn sẽ buộc phải thực sự rời khỏi giường và sẽ không trở lại.
2. Chuẩn bị bữa sáng khi nấu bữa tối
Ai cũng vội vàng vào mỗi sáng bởi đây là thời điểm bận rộn nhất trong ngày. Những người đúng giờ thường luôn có kế hoạch cho buổi sáng của bản thân ngay từ tối hôm trước. Giày và chìa khoá của họ sẽ được đặt ngay ngắn gần cửa ra vào. Bữa trưa cho ngày hôm sau được gói cẩn thận và đặt sẵn trên bàn
Một vài người thậm chí còn chuẩn bị trước quần áo cho ngày hôm sau. Việc chuẩn bị cẩn thận sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đồng thời giúp chúng ta ra khỏi nhà đúng giờ.
3. Biết rõ thời điểm làm việc hiệu quả nhất trong ngày của bản thân
Những người giỏi việc sắp xếp thời gian biết cách phân bố sức lực cho từng thời điểm trong ngày". Nếu bạn cảm thấy đầu óc mình minh mẫn nhất vào buổi sáng, hãy giành nó cho những công việc khó nhằn nhất. Bằng cách bố trí lịch làm việc để đạt hiệu suất tối đa, bạn sẽ không bị xuống sức hay tốn thời gian cho những việc không thực sự phù hợp.
4. Hoàn thành công việc đúng lúc
Thông thường, những người không biết kiểm soát thời gian thường đặt mình vào trạng thái "việc này chưa xong việc khá đã tới". Ngược lại, những người sử dụng thời gian hợp lý luôn lên kế hoạch trước cho những việc sẽ làm và nắm rõ họ sẽ giành bao nhiêu thời gian cho từng việc.
Nếu trả lời được câu hỏi "Mất bao lâu để làm việc này?" ngay từ đầu, bạn sẽ thấy việc quản lý thời gian thật đơn giản.
5. Tạo cho bản thân những thói quen
Một mặt thống kê các thói quen tốt và cố gắng duy trì nó: Dậy sớm, tập thể dục, đọc sách, chuẩn bị tài liệu, chuẩn bị quần áo, đồ ăn...
Ngoài ra, một việc tối quan trọng là bạn nên lập ra danh sách các thói quen xấu tiêu tốn thời gian, phá hủy các mục tiêu và hạn chế thành công của bạn. Sau khi lập ra danh sách thì bạn hay loại bỏ từng thói quen một ra khỏi cuộc sống của bạn một cách logic. Cách tốt nhất để loại bỏ một thói quen xấu là thay thế bằng những thói quen tốt.
Ví dụ, trước khi bật máy tính hãy viết ra những việc cần làm, nếu không bạn se rất lãng phí với facebook hoặc với các trang web vô bổ, mà chẳng làm được gì có ích sau vài giờ lang thang trên internet.
6. Tận dụng được thời gian trống
Đừng coi thường những khoảng thời gian trống vì nếu biết tận dụng đúng, nó sẽ mang lại giá trị to lớn. Một người bạn của tôi có thói quen đọc sách những lúc rảnh như tranh thủ đọc lúc chờ xe bus, đọc trước lúc đi ngủ... Việc tận dụng thời gian đó vừa tránh lãng phí, vừa thu nạp được nhiều kiến thức, hẳn nhiên rất đáng giá.
Julie Morgenstern, tác giả cuốn sách "Time Management from the Inside Out" (Tất cả những điều cần biết về quản lý thời gian) khuyến khích sử dụng những quãng thời gian như vậy để làm những công việc đơn giản như gửi thư điện tử hay đọc sách. Bằng cách luôn có việc để làm, chúng ta sẽ luôn cảm thấy mình đạt được một điều gì đó.
7. Không ôm đồm và có thời gian dự phòng
Ôm đồm sẽ dẫn khiến ta đi chệch khỏi quỹ đạo làm việc. Nếu để ý lịch làm việc của những người kiểm soát tốt thời gian, bạn sẽ dễ dàng nhận ra họ luôn để dư ra một chút thời gian giữa các buổi họp hay làm việc. Khoảng thời gian này tương đối quan trọng bởi chẳng ai biết được rằng liệu có việc đột xuất nào sẽ diễn ra hay không. Nghệ thuật nói Không với những việc nằm ngoài kế hoạch hoặc những việc không cần thiết, thể hiện được bộ óc tư duy thông minh, lựa chọn sáng suốt có chọn lọc của bạn!
8. Thành thục kỹ năng tính toán
Người kiểm soát tốt thời gian CHẮC CHẮN luôn là người có khả năng lên kế hoạch tốt. Họ sắp xếp mọi việc trong ngày chính xác đến từng phút - thậm chí cả thời gian cho việc sử dụng thang máy, đi lại…, nghĩa là họ
Nếu bạn chưa thể đạt tới độ chính xác kể trên, hãy thử sắp xếp những việc sẽ làm một cách chặt chẽ trong 3 ngày liên tiếp. Theo dõi xem bạn mất bao lâu để chuẩn bị cho ngày làm việc mỗi sáng, rồi bao lâu để đi từ nhà tới công sở, tính cả thời gian bạn dừng lại để mua cafe hay đồ ăn sáng. Dần dần, bạn sẽ kiểm soát thời gian của mình một cách hoàn hảo.
Cuối cùng, mong rằng bạn sẽ là một nhà thông thái trong việc quản lý thời gian của chính mình.
Theo Trí thức trẻ
Tin liên quan
TRUNG THU MÙA WFH
18 - SepOctNovDec