Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
520
Gần 50 năm xa quê hương, ông T.X.T (63 tuổi; Việt kiều Mỹ, quê Khánh Hòa) quyết định trở về định cư tại Việt Nam. Trước khi về quê nhà, ông cùng người thân thuê khách sạn tại TP HCM ở tạm, đến Bệnh viện (BV) Bình Dân để trị căn bệnh són tiểu sa cơ quan niệu sinh dục khó chịu của mình.
Tiện cả đôi bề
Qua một tuần được các bác sĩ (BS) phẫu thuật thay lưới nhân tạo niệu quản, ông tìm được niềm vui khi sinh hoạt trở lại bình thường. "Tuổi cao, lão hóa, bị thòng sinh dục rất khó chịu. Ngày còn ở Mỹ, tôi đã lên mạng tìm hiểu và quyết định về nước phẫu thuật. Chi phí bằng phân nửa ở Mỹ, tại sao tôi không chọn, nhất là lần này về nước luôn" - ông T. phân tích.
Tranh thủ lúc về quê chơi, bà P.K.O (50 tuổi, Việt kiều Úc) "cầu cứu" BS vì bầu ngực bị vôi hóa, gây đau đớn kéo dài. 15 năm trước, bà đặt túi ngực làm đẹp nhưng gần đây bị biến chứng, 2 bên bầu ngực ngày càng cách xa, đặc biệt là ngực trái cứng, bị lệch lên cao, gây đau đớn. Đến một BV thẩm mỹ tại TP HCM, các BS đã tái tạo thành công lại bộ ngực cho bà sau 3 giờ mổ. Bà O. cho hay bà quyết định về nước để xử lý tai biến của mình không những nhờ tiếng lành đồn xa về chuyên môn mà còn giá cả lại rẻ rất nhiều so với tại Úc.
Người nước ngoài khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Thực tế hiện nay, ngoài việc trở về thăm thân nhân, kinh doanh, du lịch…, ngày càng nhiều Việt kiều chọn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở quê nhà. Đặc biệt, các dịp lễ Tết, lượng kiều bào về nước lựa chọn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng rất cao. Đây là giải pháp nhiều người cho rằng tiện cả đôi đường, vừa về thăm quê vừa điều trị bệnh với giá rẻ nhưng chất lượng không thua ở nước ngoài. Các lĩnh vực Việt kiều tìm đến nhiều nhất là nha khoa, thẩm mỹ, nam học, ung thư, thụ tinh trong ống nghiệm…
Nhiều thách thức
Ngoài bệnh nhân là Việt kiều thì bệnh nhân Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Anh,… tìm đến Việt Nam khám chữa bệnh cũng gia tăng đáng kể... Theo ông Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung Bướu
TP HCM, năm 2018 có khoảng 700 bệnh nhân nước ngoài đến khám bệnh, điều trị nội trú 1.200 người. Phần lớn là người Campuchia, Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Úc... PGS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc BV Đại học Y Dược TP HCM, thống kê mỗi năm BV tiếp nhận điều trị ngoại trú cho hơn 15.000 lượt và điều trị nội trú cho hơn 1.000 lượt bệnh nhân người nước ngoài. Những bệnh nhân này phần lớn điều trị các bệnh như: tim mạch, tiêu hóa, gan mật tụy, thần kinh, chấn thương chỉnh hình, hô hấp, thẩm mỹ, chăm sóc da. Để đáp ứng, BV phải mở thêm một phòng khám quốc tế với đội ngũ nhân viên thành thạo nhiều ngoại ngữ như Anh, Hoa, Hàn Quốc, Campuchia… phục vụ bệnh nhân.
Theo Bộ Y tế, nếu như năm 2014, số lượt khám bệnh cho người nước ngoài là hơn 234.000, số lượt điều trị nội trú hơn 26.000 người thì đến năm 2018 đã có hơn 300.000 lượt người nước ngoài khám bệnh; số lượt điều trị nội trú đã tăng gấp 2 lần với 57.000 lượt người. Những dịch vụ kỹ thuật được bệnh nhân nước ngoài sử dụng chủ yếu như nha khoa, nội soi ít xâm lấn, can thiệp tim mạch, thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản, ung thư và một số bệnh ngoại khoa.
Riêng TP HCM là trung tâm khám chữa bệnh có lượng bệnh nhân nước ngoài chiếm đến 1/4 của cả nước. Các BV như: Chợ Rẫy, 115, Đại học Y Dược, FV, Từ Dũ, An Sinh, Vạn Hạnh… mỗi năm điều trị khoảng 40.000 lượt bệnh nhân từ các nước, với doanh thu khoảng 1 tỉ USD. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, nhận định TP có hệ thống cơ sở y tế rộng khắp, nhiều BV tuyến cuối có tay nghề cao, ngang tầm thế giới và khu vực. Các kỹ thuật ghép tạng, phẫu thuật bằng robot cũng đang phát triển.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận xét về chất lượng chuyên môn, BS Việt có thể so sánh được với các nước trong khu vực, tiềm năng thu hút khách ngoại đến nước ta khám chữa bệnh là có thực, song thách thức cũng không ít. Vướng mắc nhiều nhất là thủ tục, cơ sở hạ tầng, quy trình, quy định, BHYT, hàng rào ngôn ngữ… "Bây giờ, đến BV nào cũng nghe quá tải. Nếu ở nước ngoài, thời gian tiêu chuẩn khám mỗi ca phải kéo dài từ 20-30 phút thì ở ta chỉ hơn 5 phút cho một lượt bệnh nhân. Đây là một thực tế vì BV tiếp nhận 6.000 - 7.000 bệnh nhân/ngày thì làm sao không quá tải, có thể khám chữa cho chất lượng" - BS Vũ Trí Thanh, BV Đại học Y Dược TP HCM, than.
Nguyễn Thạnh
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec