Du học ngành dược ở Mỹ- Chuyện ít ai biết

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

16/01/2020 00:04

1132

 

Tình hình hiện nay của ngành dược ở Mỹ và cơ hội kiếm việc làm cho sinh viên ra trường

Trong khoảng gần 3,000 trường đại học công (public) và tư (private) trên khắp nước Mỹ, thì hiện nay có 132 trường dược (pharmacy schools) được xét chuẩn và 3 trường sắp được xét. Theo số liệu thống kê vào tháng 7 năm 2015 thì trong số đó 69 trường là trường tư và 66 trường công (theo AACP-American Association of Colleges of Pharmacy) .

Bạn nghĩ xem, nếu trong 3,000 trường đại học/cao đẳng, đa số trường nào cũng có ngành sinh học, tâm lý học, quản trị kinh doanh với vài chục hay vài trăm sinh viên trong mỗi ngành, thì chỉ có 132 trường dược, mỗi trường một năm chỉ tốt nghiệp trên dưới 100 dược sĩ. Vì vậy nên trong 20 năm trở lại đây, ở Mỹ thiếu dược sĩ vì cung không đủ cầu. 15 năm trước dược sĩ mới tốt nghiệp sẽ dễ dàng được mời vào làm ở nhà thuốc, lương trên $100,000 USD một năm, có khi còn được công ty cấp tiền mua xe, mua nhà. Tuy nhiên, sau đó thì mọi người nhận ra viên thuốc béo bở này và người người đổ xô đi học dược, nhà nhà mở ra trường dược. Trong 3-5 năm gần đây, nếu muốn có việc thì một số người phải di chuyển sang tiểu bang khác, đến những vùng hẻo lánh hơn vì các thành phố lớn và tiểu bang đông dân đã gần bị bão hòa.

Dược sĩ có thể làm được những việc gì?

Khá nhiều. Dược sĩ được huấn luyện với những kĩ năng cần thiết

  • để phục vụ bệnh nhân như khách hàng (customer service)
  • có thể cho lời khuyên để bác sĩ kê toa chính xác (vì bác sĩ học nhiều thứ từ khám bệnh, chẩn bệnh, đến học thuốc chớp nhoáng nên bác sĩ tin tưởng và xin lời khuyên từ dược sĩ!)
  • dược sĩ giúp bệnh nhân uống thuốc đúng cách, đúng bệnh, đúng giờ (counseling).

Ngành dược ở Mỹ phổ biến ở 3 lối đi: retail pharmacy (đứng kiểm toa ở nhà thuốc), clinical pharmacy (dược lâm sàng, làm trong bệnh viện), và industry pharmacy (làm trong công ty dược như mình).

Retail pharmacy

Luật pháp ở Mỹ bắt buộc mỗi nhà thuốc phải luôn có sự hiện diện của dược sĩ. Bệnh nhân ở đây không có tự động cầm toa đi mua thuốc tràn lan như ở nhà mình(!) Dược sĩ có trách nhiệm quản lý dược tá, kiểm tra xem toa thuốc liều có phù hợp với bệnh nhân hay không (không quá thấp cũng không quá cao), xem xét các bệnh khác của bệnh nhân để đảm bảo là thuốc cho bệnh này không ảnh hưởng đến bệnh kia, và các thuốc không tương tác với nhau.

  • Mặt tốt: khởi điểm lương cao, công việc khá dễ tìm, về nhà là hết việc
  • Mặt không tốt: phải đứng suốt ngày 8-10 tiếng, phải nghe bệnh nhân cằn nhằn chửi bới, thậm chí bị cướp vào dí súng đòi thuốc (đây là trường hợp khá hiếm nhưng không phải không có), làm ca nhiều giờ, đôi khi phải đi làm cuối tuần

Clinical pharmacy

Dược sĩ lâm sàng này làm trong bệnh viện. Khi bác sĩ đi thăm bệnh nhân buổi sáng đa số có dược sĩ đi theo. Như đã nói ở trên là dược sĩ luôn luôn phải kiểm tra xem thuốc có đúng liều đúng bệnh và bệnh nhân có tiến triển tốt hay không. Muốn đi theo hướng này thì sau khi tốt nghiệp, dược sĩ phải đi tu nghiệp thêm 1 năm trong bệnh viện (post-graduate year 1 hay PGY1). Và nếu muốn chuyên khoa về tim mạch, mổ, bệnh nhi, bệnh người già, v.v thì phải đi tu nghiệp thêm năm thứ 2 (post-graduate year 2 hay PGY2).

  • Mặt tốt: được làm việc trực tiếp với bệnh nhân. Nhiều người rất thích được chăm sóc bệnh nhân mỗi ngày. Được làm việc song song với bác sĩ, dạy cho sinh viên dược đến thực tập trong bệnh viện, có cơ hội làm nghiên cứu và được xuất bản trong các báo khoa học
  • Mặt không tốt: Sau 5, 10, 20 năm thì công việc không thay đổi nhiều, có thể thấy nhàm chán, phải trực đêm và trực cuối tuần

Industry pharmacy

Dược sĩ đi làm trong công ty. Thường là đã vào công ty, dược sĩ có thể làm trong nhiều bộ phận khác nhau. Trình dược viên (sales representative), marketing, quản lý các cuộc thí nghiệm thuốc lâm sàng, v.v. Ở Việt Nam thì dược sĩ đa số làm trình dược viên hoặc marketing cho các công ty dược quốc tế, lương khá. Ở Mỹ thì dược sĩ ít đi làm trình dược viên hơn vì ở đây tốt nghiệp ngành gì cũng có thể được đào tạo trở thành sales rep, không cần phải là dược sĩ. Trong một blog khác, mình sẽ bàn cụ thể hơn cơ hội việc làm cho dược sĩ trong công ty dược, như là mảng Medical Affairs như mình.

  • Mặt tốt: giờ giấc tự do hơn vì không làm theo ca, đôi khi có thể làm việc ở nhà (bởi vậy mình mới ở nhà viết blog nè). Cơ hội thăng tiến hay thay đổi công việc sang bộ phận khác dễ dàng hơn
  • Mặt không tốt: cái gì cũng tốt. <Đùa thôi>. Lương khởi điểm có thể thấp hơn so với clinical và retail, đôi khi phải đi công tác nhiều, gặp gỡ nhiều bác sĩ và đối tác phải ăn uống xã giao

Yếu tố cần thiết: đam mê

Dù là đi theo hướng nào đi nữa thì đa số dược sĩ và những bạn đang học dược có 1 số điểm chung nổi bật:

  • Đam mê giúp đỡ người khác, đặc biệt là giúp mọi người vượt qua bệnh tật
  • Yêu thích các môn khoa học nói chung, và có thể là đặc biệt thích dược phẩm và quá trình nghiên cứu, phát triển để đạt được tác dụng của chúng (như bản thân mình)
  • Có khả năng phân tích (analytical) và giải quyết vấn đề (problem-solving) thấu đáo. Có lẽ vì điều này mà những người làm khoa học nói chung và dược sĩ nói riêng bị cho là hơi khô khan và cứng nhắc. Nhưng thật ra nếu đầu óc bạn không suy nghĩ giải tích như thế mà hay làm việc theo hứng, thiếu chính xác thì sẽ khó hợp với ngành này

Lời khuyên cuối cùng của mình là hãy chọn ngành nghề mà mình muốn theo đuổi vì bạn thật sự yêu thích. Mình may mắn vì biết được mình muốn gì, và có đủ đam mê để theo đuổi trong suốt những năm học ròng rã, có lúc muốn đuối sức.

Đừng chọn nghề vì tiền, vì không ai nói trước được 5-10 năm nữa tình hình sẽ chuyển biến ra sao. Nhưng nếu điều xấu nhất xảy ra, thì ít ra mình có một vốn kiến thức khổng lồ mà mình yêu thích và trân trọng. Công việc và cơ hội sẽ tự do mình mà ra.

-Ngọc Bích, PharmD, RPh -

Tags

Tin liên quan