Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
549
Tương tác với đối tác ngoại
Trong cuộc đua củng cố vị thế, một trong những động thái được một số đại gia ngành dược tìm đến là tạo tương tác với các đối tác ngoại, nhằm không chỉ tận dụng kinh nghiệm chuyên môn, mà còn nương tựa cả về tiềm lực tài chính.
Mới đây, doanh nghiệp chế tạo thuốc của Nhật Bản Taisho Pharmaceutical Co., Ltd đã thông báo việc hoàn tất mua vào gần 1 triệu cổ phiếu DHG của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang. Theo đó, Taisho đã chính thức nâng lượng sở hữu cổ phiếu DHG từ hơn 44,83 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 34,29%) lên trên 45,76 triệu cổ phiếu (tương ứng 34,99%).
Taiso đã liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang từ 2 năm gần đây. Trong đó, tháng 7/2018, Taiso đã chào mua công khai gần 9 triệu cổ phiếu DHG với mức giá 120.000 đồng/cổ phiếu.
Về phía Dược Hậu Giang, để “mở đường” cho đối tác Taisho, công ty này đã loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện để nới room ngoại lên 100%. Với sự tham gia ngày càng sâu của Taiso tại Dược Hậu Giang, có thể thấy, doanh nghiệp này đang có tham vọng lớn trong việc củng cố vị thế trong mảng tân dược.
Trong khi đó, trong số các tên tuổi đang lên của ngành dược, có thể thấy sự “cựa mình” của Công ty cổ phần Dược Cửu Long. Dự kiến trong tháng 3/2019, cơ cấu vốn của Dược Cửu Long sẽ có sự thay đổi khi số trái phiếu chuyển đổi phát hành hồi tháng 3/2018 sẽ chuyển thành cổ phiếu.
Cụ thể, cách đây gần 1 năm, Dược Cửu Long đã phát hành 20 triệu USD (tương đương 453 tỷ đồng Việt Nam) cho đối tác nước ngoài là Quỹ đầu tư Rhinos Vietnam Convertible Bond Private Investment Fund. Đây là một quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc do Công ty Quản lý tài sản Rhinos Asset Management (RAM) quản lý. Thời gian chuyển đổi chỉ là sau 1 năm kể từ ngày phát hành, với giá trị chuyển đổi tối thiểu 5 triệu USD và tối đa là 20 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dược Cửu Long, từ khi trở thành công ty thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T, Dược Cửu Long đã có mục tiêu rõ ràng là hướng tới một công ty dược hàng đầu Việt Nam. Trong đó, Công ty đang và sẽ tập trung mạnh vào nhiều dự án đầu tư lớn.
Một trong số đó là Dự án Xây mới nhà máy sản xuất viên nang rỗng thứ 3, với mục tiêu trở thành nhà cung cấp viên nang rỗng chiếm thị phần lớn nhất (40%) tại Việt Nam. Ngoài ra, một dự án khác của Dược Cửu Long cũng đang cần nguồn vốn lớn là Dự án Nhà máy sản xuất thuốc ung thư Benovas. Đây là dự án sản xuất thuốc ung thư đầu tiên ở Việt Nam, với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Đau đầu bài toán chuyên môn và thị trường
Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), đến cuối năm 2018, cả nước có 137 nhà máy sản xuất tân dược, 67 nhà máy có sản xuất thuốc dược liệu (trong đó, có 39 nhà máy chỉ sản xuất thuốc từ dược liệu, 3 nhà máy sản xuất nguyên liệu thuốc (Bắc Ninh, Nanogen, Novaglory), 6 nhà máy sản xuất vắc-xin, 9 nhà máy đạt EU-GMP hoặc tương đương.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, các doanh nghiệp dược trong nước đã sản xuất được hầu hết các dạng thuốc. “Nhiều nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chuyển giao công nghệ sản xuất các thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế hiện đại”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn khác, doanh nghiệp dược với tính chất là một ngành sản xuất chuyên sâu, nên luôn phải đối mặt với bài toán cân đối giữa yếu tố chuyên môn và hiệu quả kinh doanh.
Một trong những doanh nghiệp đã thành công đáng kể trong hoạt động chuyên môn năm 2018 là Công ty cổ phần Traphaco. Doanh nghiệp này được đánh giá là chiếm vị thế số 1 trong mảng đông dược trong nhiều năm qua và đã quyết “oanh tạc” mạnh mẽ vào mảng tân dược từ năm 2018 với việc đưa vào vận hành Nhà máy tân dược tại Hưng Yên, công suất 1,2 tỷ đơn vị sản phẩm/năm.
Động thái tung quân vào tân dược được coi là bước ngoặt lớn về chuyên môn của Traphaco trong việc khẳng định vị thế mới về chuyên môn và năng lực sản xuất thuốc, phát triển đều cả 2 chân đông dược và tân dược. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của đại gia này năm 2018 không đạt chỉ tiêu kinh doanh, sụt giảm về các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận so với năm 2017.
Trong khi đó, Dược Cửu Long cũng có bức tranh kinh doanh không thực sự sáng sủa trong năm 2018. Công ty này chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 12,7 tỷ đồng, giảm 83% so với năm 2017.
Chí Tín
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec