Dịch Covid-19 ngày 27/3: Mỹ vượt Trung Quốc và Italy trở thành nước có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

27/03/2020 00:07

553

Tính đến 6h sáng ngày 27/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận 83.507 ca mắc Covid-19, theo thống kê của Đại học Johns Hopskins. Như vậy nước này đã vượt Trung Quốc và Italy trở thành nước có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới.

Tính đến sáng nay (27/3), số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt quá nửa triệu người, chạm mốc 525.991. Tổng số người tử vong vì dịch bệnh này là 23.720. Dịch COVID-19 đã xuất hiện 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mỹ là "ổ dịch" lớn nhất thế giới

Theo thống kê của Đại học Johns Hopskins, tính đến 6h sáng nay, Mỹ ghi nhận tổng cộng 83.507 ca mắc COVID-19, vượt Trung Quốc (81.782 ca) và Italy (80.589 ca) trở thành "ổ dịch" lớn nhất thế giới. Ngày 26/3, Mỹ cũng đã chứng kiến thêm 151 người thiệt mạng và tới thời điểm này số nạn nhân tử vong vì dịch COVID-19 tại đây đã tăng lên 1.178 người. Hiện bang New York là điểm dịch nóng nhất tại Mỹ với tổng cộng 30.811 ca mắc.

Hiện tại, ít nhất 160 triệu người Mỹ đã được lệnh phải ở nhà tại các bang từ California đến New York. Các trường học, các quán bar, nhà hàng và nhiều doanh nghiệp khác đóng cửa. Các bệnh viện đang phải đối phó với số lượng bệnh nhân tăng vọt ở thành phố New York trong khi ngay cả khi nguồn cung thiết bị và đồ bảo hộ đang cạn dần.

Các bác sỹ tại Trung tâm bệnh viện Brooklyn - New York. Ảnh: The New York Times

Tối 25/3 theo giờ Mỹ (tức sáng 26/3 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật kích thích kinh tế chống dịch COVID-19 trị giá 2.000 tỷ USD, sau khi nhận được hơn 60 phiếu ủng hộ cần thiết.


Dự luật có tên gọi “Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh kinh tế (CARES Act), dài 883 trang liên quan đến gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD. Dự luật dự kiến được chuyển sang Hạ viện xem xét ngày 27/3 và sẽ được trình lên Tổng thống Trump ký phê chuẩn ngay sau đó nếu được thông qua.

Đây là gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, vượt gói kích thích 800 tỉ USD được thông qua dưới thời Tổng thống Barack Obama để đối phó với khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế năm 2008, hay trước đó là gói cứu trợ 700 tỉ USD được Tổng thống G.W. Bush ký ban hành năm 2003. Mục đích chính của gói cứu trợ này là cung cấp hỗ trợ tài chính thiết yếu để giúp đỡ các doanh nghiệp bị đóng cửa, các hộ gia đình, bệnh viện, cơ sở y tế chịu ảnh hưởng từ dịch.

Số ca tử vong ở Italy vượt mốc 8.000

Italy trong 24h qua đã công bố thêm 6.023 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 80.589 trường hợp. Trong 24h qua, nước này cũng ghi nhận thêm 712 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh lên 8.215 ca.

Tỷ lệ tử vong trong số các ca nhiễm Covid-19 được xác nhận ở Italy là 10,1%, cao hơn nhiều so với các quốc gia thực hiện xét nghiệm trên diện rộng như Hàn Quốc.

Khoảng 35 quan tài được giữ trong một nhà kho ở Ponte San Pietro, gần Bergamo, Lombardy, vào hôm 26/3 trước khi được vận chuyển đi nơi khác để hỏa táng. Ảnh: AFP .

Bộ Y tế Tây Ban Nha trong 24h qua thông báo nước này đã ghi nhận 507 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người tử vong do virus SARS-CoV-2 lên con số 4.154. Trong khi đó, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng tăng lên mức 56.347 trường hợp. Dù Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa từ 14/3 và sau đó gia hạn đến 11/4, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở nước này vẫn không ngừng tăng lên. Tây Ban Nha hiện là vùng dịch lớn thứ tư trên thế giới, nhưng là nước ghi nhận số ca tử vong nhiều thứ hai, chỉ sau Italy.

Pháp cũng ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục trong vòng 1 ngày, với 365 ca, nâng tổng số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 nước này lên 1.696 và số ca mắc bệnh hiện là 29.155.

Một hành khách đợi tàu tại một sân ga trống ở ga Richmond, phía tây London, Anh vào ngày 24/3.

Anh trong ngày 26/3 cũng xác nhận thêm 115 ca tử vong, nâng tổng số lên 578.

Đức ghi nhận thêm 6.615 ca nhiễm và 61 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 43.938 và 267.

Nhà vua và Hoàng hậu Malaysia phải tự cách ly


Trong 24h qua, Malaysia ghi nhận thêm 235 trường hợp mắc COVID-19. Tính tới thời điểm này, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.031 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 23 người tử vong. Nhà vua và Hoàng hậu Malaysia đang tự cách ly sau khi 7 nhân viên làm việc tại Hoàng cung Istana Negara bị xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã triển khai các biện pháp giới hạn đi lại để ngăn tình trạng lây nhiễm gia tăng. Lệnh giới hạn ban đầu được áp dụng đến ngày 31/3 song vừa được gia hạn đến ngày 14/4.

Quốc vương Abdullah Sultan Ahmad Shah và Hoàng hậu Tunku Azizah Aminah Maimunah Iskandaria tại một sự kiện ở Kuala Lumpur tháng 1/2019. Ảnh: AFP

Theo thông báo của nhà chức trách Indonesia, trong vòng 24h qua, đã có 20 người thiệt mạng vì bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 78. Đây là ngày có số người thiệt mạng vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nhiều nhất tại Indonesia. Nước này cũng xác nhận có thêm 103 ca bệnh mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Indonesia lên 893.

Tính đến hết ngày 26/3, Thái Lan đã ghi nhận 1.045 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 25/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 26/3 đến ngày 30/4, cùng 16 biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, trong đó có lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh, cấm tụ tập nơi công cộng, kiểm soát đi lại liên tỉnh, khuyến khích người dân ở lại trong nhà.

Binh sĩ kiểm tra các phương tiện qua lại tại một trạm kiểm soát ở tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Lào ngày 26/3 thông báo đã có thêm 3 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca tại nước này lên 6 ca chỉ 2 hai ngày sau khi có 2 ca nhiễm đầu tiên. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 25/3, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã yêu cầu người dân tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc xã hội, đồng thời cân nhắc trước khi có ý định di chuyển tới các địa phương khác.

Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 29.406 người nhiễm và 2.2334 ca tử vong. Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran sẽ ngăn chặn dịch bệnh trong hai tuần. Ông cũng nhấn mạnh các biện pháp tiếp theo đã được thực hiện để giảm bớt tác động kinh tế của đại dịch đối với người dân có thu nhập thấp.

Theo VTV

Tags

Tin liên quan