Dành 15 năm và 1 tỉ USD để tạo ra thuốc kháng sinh mới, startup gục ngã tức tưởi trước cửa thiên đường

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

10/01/2020 00:07

1042

Hồi tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới bổ sung Zemdri vào danh mục dược phẩm cần thiết của họ. Nhưng khi ấy, nhà sản xuất thuốc kháng sinh này đã không còn ai để mừng tin vui.

Những thuốc kháng sinh mới nhất tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn chặn những vi khuẩn "ngoan cố" và nguy hiểm nhất - bao gồm các vi khuẩn gây bệnh than, viêm phổi, E.Coli và viêm da, theo The New York Times.

Song hàng loạt nghịch lí khiến những startup công nghệ sinh học ở Mỹ không thể tồn tại để tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch nhờn kháng sinh.

Cái chết tức tưởi của công ty Achaogen

Bi kịch của công ty công nghệ sinh học Achaogen là một trường hợp mà giới chuyên gia y tế cảm thấy đau xót. Họ chờ 15 năm để có giấy phép của Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đối với Zemdri, một thuốc kháng sinh trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu. 

Đồng thời, họ cũng chi tới 1 tỉ USD để nghiên cứu và sản xuất Zemdri. 

Hồi tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới bổ sung Zemdri vào danh mục dược phẩm cần thiết của họ.

Nhưng khi ấy, không còn ai ở Achaogen để mừng sự kiện tin vui.

Trước đó, vào mùa xuân, giá cổ phiếu Achaogen giảm xuống mức gần không và ban điều hành công ty không thể huy động thêm vài trăm triệu USD để tiếp thị và thực hiện thử nghiệm lâm sàng, công ty phải bán thiết bị thí nghiệm và sa thải những nhà khoa học còn lại của họ. Đến tháng 4, Achaogen tuyên bố phá sản.

Các chuyên gia y tế và giới đầu tư nhận định, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua dự luật trong 6-12 tháng tới, những startup sản xuất kháng sinh cuối cùng sẽ phá sản và giới đầu tư sẽ tránh xa thị trường thuốc kháng sinh trong một hoặc hai thập kỉ tới. Ảnh: Physorg

Giới chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ can thiệp để những bi kịch như Achaogen không tái diễn. Một trong những ý tưởng mà họ nêu là tăng mức bồi hoàn cho thuốc kháng sinh mới, chính phủ liên bang tài trợ cho những nghiên cứu thuốc kháng sinh và ban hành các chính sách khuyến khích về tài chính để các startup và tập đoàn dược phẩm nghiên cứu kháng sinh mới.

Bất chấp sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, dự luật nhằm chấm dứt những bi kịch như Achaogen vẫn mắc kẹt ở Quốc hội Mỹ.

"Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua dự luật trong 6-12 tháng tới, những startup sản xuất kháng sinh cuối cùng sẽ phá sản và giới đầu tư sẽ tránh xa thị trường thuốc kháng sinh trong một hoặc hai thập kỉ tới", Chen Yu, một nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế, bình luận.

Rào cản từ sự do dự của bác sĩ

Một thách thức nữa của thị trường kháng sinh lại tới từ bác sĩ. Sau nhiều năm nhận những cảnh báo về tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, nhiều bác sĩ đã trở nên do dự khi kê những thuốc kháng sinh mới. 

Sự do dự của họ làm giảm cơ hội để các nhà sản xuất thuốc kháng sinh thu hồi khoản đầu tư để phát hiện những hợp chất kháng sinh và xin giấy phép của chính phủ. Để tiết kiệm chi phí, nhiều bệnh viện còn phát thuốc gốc rẻ hơn dù thuốc kháng sinh mới có hiệu quả lớn hơn rất nhiều.

"Bạn sẽ không bao giờ gợi ý một bệnh nhân ung thư thử một thuốc kháng sinh từ thập niên 50 của thế kỉ trước và nếu nó không phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ chuyển sang thuốc kháng sinh từ thập kỉ 80", Kevin Outterson, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận CARB-X của chính phủ Mỹ, phát biểu. 

CARB-X tài trợ những công ty nghiên cứu giải pháp chống nhờn thuốc kháng sinh. Kevin thừa nhận rằng, sự tẩy chay của bác sĩ và bệnh viện đối với thuốc kháng sinh mới đang gây tác hại cho cả bệnh nhân lẫn thị trường.

Nhạc Phong - Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Tags

Tin liên quan