Cổ đông ngoại sắp “thâu tóm” toàn bộ Pymepharco (PME) và hủy niêm yết

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

07/05/2021 00:08

1292

Nhóm cổ đông nước ngoài tại Công ty cổ phần Pymepharco (PME - sàn HOSE) đang có tham vọng thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp dược nổi tiếng tại Phú Yên thông qua việc lên kế hoạch hủy niêm yết và rút khỏi danh sách công ty đại chúng

Vay 125 tỷ đồng để bù đắp cho khoản nợ phải thu của khách hàng bị chậm

Theo báo cáo tài chính được trình bày tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra ngày 23/4 vừa qua, trong năm 2020, PME đạt tổng doanh thu thuần 1.934 tỷ đồng, đạt 95,2% so với kế hoạch đặt ra và tăng 4,7% so với thực hiện năm 2019; Lợi nhuận trước thuế đạt 398 tỷ đồng, vượt 91,6 tỷ đồng so với kế hoạch đặt ra, nhưng giảm 4 tỷ đồng (tương đương giảm 1%) so với năm 2019; Lợi nhuận sau thuế 317 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch đề ra.

Theo giải trình của PME, lợi nhuận gộp 2020 chỉ tăng trưởng 1,4% trong khi mức doanh thu thuần tăng 4,7% là do tỷ trọng doanh thu phân phối hàng hóa mua ngoài năm 2020 cao với mức 8,1% (tăng 2,6% so với tỷ lệ năm 2019). Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của PME giảm 1% so với 2019 là do ảnh hưởng chủ yếu ở khoản lãi gửi tiết kiệm phát sinh trong năm 2019 và lãi vay vốn ngân hàng năm 2020 liên quan đến dòng vốn đầu tư nhà máy Non Betalactam GMP-EU.

Tính đến hết năm 2020, tổng tài sản của Pymepharco đạt 2.562 tỷ đồng, tăng 261 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 1.414 tỷ đồng, bao gồm các khoản phải thu ngắn hạn lên đến 840 tỷ đồng và hàng tồn kho 536 tỷ đồng. Hai hạng mục này đều có sự tăng mạnh so với năm 2019 với mức 203 tỷ đồng và 18 tỷ đồng. Riêng tài sản dài hạn đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 73 tỷ đồng so với năm 2019.

Nợ phải trả ở mức 517 tỷ đồng, tăng 170 tỷ đồng so với 2019, trong đó tăng đáng kể nhất phải kể đến là khoản vay ngắn hạn lên đến 125 tỷ đồng, khoản vay này không ghi nhận trong năm 2019.

Theo giải thích của PME, việc tiến hành vay vốn là để cân đối vốn lưu động thiếu do kỳ luân chuyển của nợ phải thu khách hàng bị chậm. Nguyên nhân là bởi những khó khăn ảnh hưởng do dịch bệnh, cũng như chính sách thanh toán tiền thuốc từ các cơ sở y tế công lập thay đổi, đã làm cho khoản nợ phải thu của khách hàng tăng cao ở thời điểm cuối năm.

Trong chiến lược phát triển lâu dài của PME, một nội dung quan trọng được nhấn mạnh, đó là vận hành tối ưu năng lực sản xuất của Nhà máy Stada Việt Nam (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) với sản phẩm thuốc viên Non-betalactam. Đây được đánh giá là nhà máy dược hiện đại nhất của Việt Nam và thế giới, công suất 1,2 tỷ viên/năm/ca sản xuất do PME đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 31/1/2018 với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, khánh thành đi vào hoạt động vào ngày 12/7/2019.

Trong năm 2020, PME đặt mục tiêu sẽ hoàn thành việc xét tiêu chuẩn GMP-EU cho nhà máy Stada Việt Nam, tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các thanh tra GMP-EU của châu Âu vẫn chưa thể sang Việt Nam để thực hiện việc đánh giá và thông qua. Điều này phần nào ảnh hưởng đến những kế hoạch sản xuất kinh doanh của PME hiện nay.

Trong tương lai, nếu nhà máy này được thông qua chứng nhận GMP-EU, PME sẽ trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sở hữu cả 3 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU và hoàn tất chuỗi giá trị sản phẩm, bao gồm hai dòng thuốc Beta và Non-beta theo tiêu chuẩn châu Âu, tăng sức cạnh tranh và cơ hội xuất khẩu vào các thị trường quốc tế.

Lên kế hoạch rút khỏi sàn chứng khoán

Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, trong năm nay, PME đặt mục tiêu với mức doanh thu thuần 2.440 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 460 tỷ đồng tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320,9 tỷ đồng. Riêng trong quý I/2021, PME đạt doanh thu thuần 557 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 111,7 tỷ đồng. Đại hội cũng thông qua phương án chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt, tỷ lệ 20%.

Tuy nhiên, nội dung đáng chú ý nhất là Đại hội thông qua việc hủy đăng ký công ty đại chúng và rút khỏi việc niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE sau hơn 3 năm niêm yết (cổ phiếu PME chào sàn tháng 11/2017). Thời gian dự kiến trong năm 2021. Diễn biến này cho thấy, PME gần như đã bị cổ đông nước ngoài thâu tóm toàn bộ.

Được biết, theo báo cáo thường niên 2020 của PME, cơ cấu cổ đông của Công ty tại thời điểm cuối năm 2020, các cổ đông lớn đang nắm tới 98,23% vốn tại PME. Trong đó, cổ đông nước ngoài liên quan đến Stada Service Holding B.V chiếm đến 88,3% trong cơ cấu chung. Còn tính đến ngày 26/3/2021 (ngày chốt danh sách cổ đông tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021), các cổ đông lớn của PME đã nắm tới 99,53% vốn.

Để giải quyết quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ khi doanh nghiệp này hủy tư cách đại chúng và rút khỏi sàn chứng khoán, HĐQT PME đã đề xuất các cổ đông phương án để cổ đông lớn nhất là Stada Service Holding B.V chào mua công khai toàn bộ lượng cổ phiếu còn lại của các cổ đông nhỏ (tương đương 0,47%).

Tags

Tin liên quan