Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
637
Phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Nguyễn Hồng Vũ - tiến sĩ về sinh học phân tử trong y học, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ) - về những vấn đề đang được quan tâm và tranh luận liên quan virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây dịch bệnh viêm phổi cấp.
Hệ miễn dịch người bệnh tự 'tiêu diệt' virus corona
* Kháng sinh có được dùng trong trị bệnh do 2019-nCoV?
- "Kháng sinh" là các chất có tác động lên sự sống của vi khuẩn như tác dụng lên sự hình thành màng tế bào vi khuẩn (Ampicillin, Penicillin, Amoxicillin…) hoặc tấn công lên sự tổng hợp protein của vi khuẩn (Kanamycin, Streptomycin, Tetracycline)… và KHÔNG có tác dụng lên sự sống của virus (vì virus không có những thứ đó).
Cho nên, khi bị bệnh bởi virus thì không nên tùy tiện dùng kháng sinh vì nó không hiệu quả mà lại ảnh hưởng xấu đến vi khuẩn tự nhiên cộng sinh trong cơ thể bạn như vi khuẩn đường ruột.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình bị bệnh bởi virus, bệnh nhân có thể có nguy cơ nhiễm thêm bởi các vi khuẩn cơ hội thì việc điều trị có thể được kết hợp với kháng sinh, nhưng việc này phải được quyết định bởi bác sĩ điều trị để tránh việc lạm dụng kháng sinh mà làm cho bệnh trở nên trầm trọng thêm.
* Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra chưa có thuốc chữa, nhưng vẫn có thông tin nói ở đâu đó có người được "chữa khỏi" bệnh này, nói như vậy có đúng không?
- Chúng ta nên hiểu là "chưa có thuốc để tiêu diệt virus trong cơ thể người nhiễm" chứ không phải là "virus không thể tiêu diệt được". Virus corona 2019-nCoV chỉ mới được phát hiện gần đây nên việc tìm ra được thuốc để điều trị hữu hiệu virus này không phải là một chuyện dễ dàng và không thể làm được một sớm một chiều.
Hiện nay, việc điều trị chính vẫn là điều trị hỗ trợ, có nghĩa là sử dụng thuốc men, thiết bị y tế để hỗ trợ cho người bệnh tự vượt qua căn bệnh. Hay nói cách khác, đó là người bệnh sẽ tự chữa lành bằng chính hệ miễn dịch của chính mình.
Sau một thời gian bị nhiễm virus corona, các tế bào miễn dịch của người bệnh sẽ học được cách nhận biết hình thù virus và sau đó sẽ tiêu diệt chúng một cách hữu hiệu. "Điều trị khỏi" trong trường hợp virus corona có nghĩa là người bệnh hồi phục và không còn kiểm tra thấy virus trong người.
Virus 'sống' bao lâu trên tay nắm cửa?
* Các nhà khoa học ở Trung Quốc phát hiện 2019-nCoV ở môi trường bên ngoài như tay nắm cửa. Virus này có thể tồn tại bao lâu trong điều kiện thường? Khả năng bám, trú ẩn và lây nhiễm của virus corona trên các bề mặt vật dụng ra sao, cách phòng ngừa thế nào?
- Việc phát hiện virus trên tay nắm cửa thực sự không có gì là bất ngờ. Trong một nghiên cứu năm 2011 về khả năng sống của virus SARS ngoài môi trường thì người ta cho thấy virus khô trên bề mặt nhẵn có khả năng tồn tại trong hơn 5 ngày ở nhiệt độ 22-25°C, độ ẩm 40-50% (đây là môi trường phòng máy lạnh).
Tuy nhiên, khả năng sống của virus bị giảm nhanh chóng ở nhiệt độ cao và độ ẩm cao hơn (ví dụ 38°C và độ ẩm > 95% làm khả năng sống của virus giảm hơn 1.000 lần). Virus corona nCoV này gần giống với SARS nên điều đó là điều rất dễ hiểu.
Các bạn nên nhớ đây là virus gây viêm phổi, virus nằm chủ yếu ở hệ hô hấp. Đây là lý do mà hiện nay, theo quy trình làm xét nghiệm người nhiễm virus 2019-nCoV của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (gọi tắt là CDC), 3 mẫu mà họ lấy để xét nghiệm thì trong đó đã có 2 mẫu thuộc hệ hô hấp bao gồm phần trên của hệ hô hấp (lấy từ vùng mũi họng hoặc vòm họng), phần dưới của hệ hô hấp (dịch rửa phế quản, đờm).
Do vậy việc người bệnh hắt xì hoặc ho làm các hạt dịch (droplet) có chứa virus khuyếch tán khắp nơi; tay của người bệnh có thể quẹt mũi và chạm vào các đồ vật khác cũng làm lây nhiễm virus. Tôi nghĩ không phải chỉ trên tay nắm cửa, các vật dụng trong nhà và sàn nhà cũng có thể có sự hiện diện của virus này trong nhà người bệnh.
Thông tin này có thể khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của các khách sạn trong mùa dịch corona. Nhưng như tôi đã nói ở trên, virus không thể sống độc lập trong môi trường, sự sống của chúng sẽ giảm nhanh khi ở nhiệt độ cao, độ ẩm cao và ánh sáng mặt trời cũng là một nguồn năng lượng tốt để khử trùng.
Do vậy, nếu khách sạn dọn dẹp vệ sinh, giặt mền gối, chiếu nắng phòng sau mỗi lượt khách thì cũng không đáng nguy hiểm.
* Nhiều người nói virus corona không hoạt động mạnh ở những nơi có thời tiết nóng như TP.HCM, điều này có đúng?
- Đúng một phần vì nhiệt độ cao sẽ làm cho thời gian virus sống trong môi trường bên ngoài giảm rất nhiều so với thời tiết lạnh.
Tuy nhiên, các bạn nên nhớ là virus vẫn sống tốt trong cơ thể với nhiệt độ 37°C hoặc thậm chí 40°C lúc chúng ta sốt. Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể bệnh bởi virus nếu bị lây nhiễm do không làm các phương pháp phòng bệnh cẩn thận. Vì thế không nên chủ quan trong việc phòng/tránh nhiễm virus vì chúng ta có thời tiết ấm/nóng.
D. KIM THOA - Tuổi trẻ
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec