Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
595
Theo báo cáo của Global Wellness Institute (GWI), năm 2017 ngành kinh tế wellness toàn cầu đạt giá trị 4.200 tỉ USD. Riêng loại hình du lịch wellness đạt giá trị 639 tỉ USD, GWI ước tính wellness sẽ đạt mức 919 tỉ USD vào năm 2022.
Từ 2015-2017, tốc độ tăng trưởng hàng năm của mô hình du lịch này đạt 6,5%, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng của toàn ngành du lịch chỉ 3,2%. Cụ thể, du khách thế giới đã thực hiện 830 triệu chuyến du lịch wellness trong năm 2017. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm như hiện tại, đến 2022 wellness đóng góp 18% tỷ trọng cho ngành du lịch toàn thế giới.
Báo cáo cho thấy trong vòng năm năm qua, châu Á dẫn đầu về cả số lượng chuyến đi lẫn doanh thu du lịch wellness. Chỉ trong vòng hai năm, số lượng chuyến đi đã tăng trưởng bứt phá, tăng đến 258 triệu chuyến mỗi năm.
Từ năm 2010-2018, số lượng khách sạn từ 3-5 sao tại Việt Nam cũng tăng gấp đôi về số cơ sở và lượng phòng cung ứng, theo báo cáo hồi năm ngoái của EVBN. Các chuyên gia đánh giá việc gia tăng số lượng khách sạn cao cấp góp phần đưa hệ thống khách sạn Việt Nam ngang tầm các nước phát triển du lịch trong khu vực, là tiền đề tốt để phát triển loại hình wellness vốn phù hợp với đối tượng khách hàng có mức chi tiêu cao, có nhu cầu dịch vụ chuyên biệt, đặc thù.
Kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2018 của Grant Thornton Việt Nam cho thấy, 2017 là năm phục hồi đối với các khách sạn cao cấp khi tăng 5,3% công suất phòng. Chỉ số RevPAR (doanh thu thu được trên số phòng hiện có của khách sạn) cũng tăng 9,7%.
Những điểm đến như Hội An và Hà Nội của Việt Nam đều được tạp chí Wego và TrustYou bình chọn nằm trong top 10 điểm đến có dịch vụ wellness tốt nhất châu Á. Tuy nhiên, tại Diễn đàn các giám đốc điều hành ngành khách sạn Việt Nam cuối tuần rồi, các đại diện cho rằng có rất nhiều điểm đến khác trải dài khắp Việt Nam có thể khai thác dịch vụ du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - phó giám đốc sở Du lịch TP.HCM, "Dù có nhiều yếu tố thuận lợi, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa có một định hướng bài bản và ngành khách sạn cũng chưa khai thác hiệu quả loại hình du lịch này.”
Tính từ năm 2013-2018, các cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam tăng trưởng mạnh, đặc biệt phân khúc du lịch nghỉ dưỡng và condotel tăng trưởng mạnh nhất. Theo tiêu chuẩn Việt Nam, các cơ sở lưu trú 4-5 sao phải có dịch vụ chăm sóc sức khỏe như nơi tập gym, hệ thống sauna, vật lý trị liệu...
Bà Nguyễn Thanh Bình – phó vụ trưởng Vụ Khách sạn nhận xét, trước đây nhiều cơ sở chưa quan tâm nhưng xu hướng hai năm gần đây, họ mở rộng các dịch vụ này, đầu tư tinh tế hơn, kết hợp các yếu tố truyền thống và hiện đại, tận dụng nhiều sản phẩm hữu cơ, cây cỏ thảo dược đặc trưng… để đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách.
Theo bà Bình, Việt Nam còn có thế mạnh để phát triển loại hình wellness trong kinh doanh du lịch nhờ nhiều nguồn tài nguyên cây cỏ, thảo dược cho chữa bệnh, phục hồi sức khỏe; nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp phù hợp phát triển các khu vực thể thao, tập yoga, tập gym ngoài trời... đáp ứng được đối tượng khách hàng yêu thích các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bền vững.
Có một xu hướng nổi bật đang thay đổi hành vi tiêu dùng, là du khách muốn chi tiêu cho trải nghiệm chứ không phải đơn thuần chỉ mua sản phẩm. “Đây là xu hướng tích cực cho đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, vì mức chi tiêu của du khách sử dụng loại hình dịch vụ wellness tại Việt Nam cao hơn 50% so với du khách thông thường”, ông Mauro Gasparotti – giám đốc Savills Hotel khu vực Đông Nam Á nhận định.
Để phát triển hiệu quả mô hình wellness resort hoặc wellness tourism tại Việt Nam, theo ông Mauro, không nên phát triển riêng lẻ theo cá nhân, tổ chức hay dự án, mà cần một chiến lược chung, phối hợp giữa cộng đồng, chính quyền và doanh nghiệp, nhờ đó mới có thể mang đến trải nghiệm liền mạch và tốt nhất cho du khách đến Việt Nam.
Nói về những thách thức khi làm du lịch wellness, bà Châu Thị Hoàng Mai – tổng giám đốc Alba Hotel cho rằng, khó khăn nhất là duy trì sự ổn định nhân sự, vì mức độ biến động nhân sự trong ngành du lịch rất cao. Đặc biệt là đối với phân khúc wellness vốn thiên về cảm nhận cá nhân của khách hàng, nên cần nhiều thời gian để đào tạo nhân viên chuyên sâu ở phân khúc này, từ đó lan tỏa được lối sống wellness cho du khách lẫn cộng đồng.
Nói về vấn đề này, ông Atilla Erda – giám đốc vận hành Fusion cho biết, mỗi nhân viên phải được đào tạo liên tục. Đặc thù của dịch vụ du lịch wellness là trải nghiệm và lối sống, vì vậy “muốn nâng cao phong cách sống của khách hàng, trước tiên phải bắt đầu từ phong cách sống của nhân viên”.
Dịch vụ wellness ước chiếm 17% tổng mức chi phí cho mỗi chuyến du lịch. GWI dự báo, wellness tourism sẽ đạt mức 919 tỉ USD năm 2022. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm như hiện tại sẽ đóng góp 18% tỉ trọng cho ngành du lịch toàn thế giới.
Hai quốc gia châu Á dẫn đầu thế giới về mức độ tăng trưởng ở loại hình du lịch này là Trung Quốc và Ấn Độ, lần lượt có thêm 12 triệu và 17 triệu chuyến du lịch wellness tính từ 2015-2017, theo GWI.
Theo Forbes VietNam
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec